An toàn giao thông (ATGT) trước cổng trường luôn là vấn đề đáng quan tâm của nhiều người dân và phụ huynh học sinh.
Cổng Trường THPT Kim Thành II lộn xộn lúc tan trường
Lộn xộn lúc tan trườngKhoảng 11 giờ ngày 23-8, có mặt tại cổng trường THCS và Tiểu học Bình Minh (TP Hải Dương), chúng tôi thấy cảnh tượng rất lộn xộn. Do học sinh tiểu học còn nhỏ nên hầu hết đều được phụ huynh đến đón. Vì vậy lượng xe máy tương đối nhiều, chật kín 2 bên phố Bình Minh. Khi nghe tiếng chuông báo hiệu hết giờ, phụ huynh học sinh tập trung trước cổng đông nghịt để đón con mình khiến cho các phương tiện giao thông khác khi di chuyển qua đoạn đường này đều gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều học sinh Trường THCS Bình Minh lại đi xe đạp tràn ra đường càng khiến tình hình giao thông tại đây thêm lộn xộn và gây ùn ứ. Nhiều nhà ở gần trường tận dụng bán hàng ăn, đồ chơi cho học sinh lấn chiếm cả vỉa hè nên khu phố đã lộn xộn lại càng chật chội, lộn xộn hơn.
Vào 17 giờ hằng ngày, phố Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cũng thường bị ùn tắc trong vòng 15-20 phút. Nguyên nhân là do phụ huynh đến đón học sinh ở Trường Tiểu học Lý Tự Trọng nằm ở phố Lê Hồng Phong (giao với phố Phạm Ngũ Lão). Học sinh và phụ huynh đứng dàn hàng chờ nhau. Chỉ cần có vài chiếc ô-tô đi qua phố này nữa, cộng thêm hàng trăm chiếc xe máy đưa đón học sinh từ cổng Trường Lý Tự Trọng ra là tắc đường. Chị Hoàng Thị Lan, chủ một cửa hàng bán quần áo trên phố Phạm Ngũ Lão ngán ngẩm: “Có việc gấp mà đi qua con phố này vào giờ cao điểm thì chỉ có mà hỏng việc. Mấy tháng hè thì đường còn thông thoáng, vào năm học là biết ngay, ngày nào cũng như ngày nào, xe máy, ô-tô, xe đạp… bóp còi inh ỏi mà có thông được ngay đâu”.
Cũng vào lúc tan trường, giao thông ở khu vực cổng Trường THPT Cẩm Giàng lại trở nên hỗn loạn. Học sinh ra cổng trường túm năm tụm ba đợi nhau nên các phương tiện khác di chuyển khó khăn. Tình trạng ùn tắc diễn ra tại cổng trường thường kéo dài 15-20 phút. Thầy giáo Trần Văn Ta, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Giàng cho biết: “Hiện nay, toàn trường có hơn 1.000 học sinh đi xe đạp điện. Nhiều học sinh còn đi ngược chiều. Hầu hết các em không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng nên rất nguy hiểm. Không những thế, lúc tan trường, học sinh hay tập trung chờ đợi bạn nên đã gây ùn tắc giao thông ngay tại cổng trường”.
Tình trạng giao thông lộn xộn lúc tan trường xảy ra ở hầu hết các trường học. Nhiều trường đã có biện pháp tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, tuy nhiên kết quả mang lại chưa nhiều.
Cần nhiều biện phápĐể bảo đảm ATGT trước cổng trường học, ông Nguyễn Quang Sáng, chuyên viên Phòng Công tác học sinh sinh viên, phụ trách ATGT của Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Bắt đầu vào năm học, sở đã ban hành quy định về trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm nếu để xảy ra tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT. Học sinh nào vi phạm ATGT phải đánh giá vào hạnh kiểm, thi đua. Trong tháng 9, sở phối hợp với Ban ATGT tỉnh tập huấn cho cán bộ giáo viên các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh về Luật Giao thông đường bộ, yêu cầu các nhà trường ký cam kết với gia đình và học sinh chấp hành các quy định về ATGT, không gây lộn xộn, mất trật tự ATGT trước cổng trường học”.
Trung tá Lê Văn Lượng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Hải Dương cho biết, năm học 2013-2014, Đội Cảnh sát giao thông thành phố tiếp tục phối hợp với lực lượng công an phường tăng cường tuyên truyền tới các nhà trường, học sinh nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý triệt để các vi phạm như đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đánh võng, lạng lách, đi dàn hàng ngang. Đội Cảnh sát giao thông thành phố phối hợp chặt chẽ với các trường học nâng cao trách nhiệm tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh và có biện pháp răn đe phù hợp như đánh giá hạnh kiểm và thi đua.
Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng bắt đầu năm học tình trạng mất trật tự ATGT tại các khu vực cổng trường học vẫn chưa được cải thiện. Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự cơ động Công an huyện Cẩm Giàng Phạm Tiến Linh cho biết: “Một số trường học có mô hình cổng trường an toàn nhưng chưa phát huy được. Tại những điểm ùn ứ, lực lượng công an vẫn phải có mặt kịp thời để giải tỏa. Đối với học sinh vi phạm, chỉ có thể nhắc nhở, chứ không thể xử phạt. Vì vậy, cần có sự tác động kịp thời của cả nhà trường và gia đình”.
Để tình hình ATGT trước cổng trường học được bảo đảm, cần có sự vào cuộc của nhiều người. Phụ huynh khi đến đón con phải chấp hành đúng quy định của nhà trường, đứng chờ tại một điểm cố định. Đối với học sinh THCS, THPT có phương tiện giao thông phải chấp hành luật, không được tập trung ở cổng trường. Ban Giám hiệu các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh khi tham gia giao thông... Có như vậy, giao thông học đường mới bảo đảm an toàn.
MINH NGUYÊN