Sau vụ gặt chiêm xuân, bầu trời như xanh hơn, cao hơn. Làng quê lại hối hả, tất bật vào vụ cấy lúa mùa.
Sau vụ gặt chiêm xuân, bầu trời như xanh hơn, cao hơn. Làng quê lại hối hả, tất bật vào vụ cấy lúa mùa. Những bó mạ theo nhau xuống đồng, khu dược mạ trơ lại thành những thửa ruộng phẳng như sân, đất ngời lên màu nâu hồng, là nơi tụ tập của những cánh diều. Bên cạnh những con diều cánh cốc nhỏ nhoi xanh đỏ sặc sỡ là mấy chiếc diều sáo lực lưỡng màu nâu sải rộng cánh đến hai mét. Cuối buổi chiều đi làm đồng về, người lớn, trẻ con ùa ra hóng mát, thả diều.
Trong những cánh diều của làng, oai vệ nhất vẫn là chiếc diều sáo của bố con ông Bục. Ông Bục là lực điền. Cứ vào khoảng gần giữa tháng sáu là ông sai thằng Nghĩa con trai ông, bạn thân của tôi chuẩn bị sơn sửa lại bộ sáo đôi, quét lại nước sơn màu nâu lên hai cánh diều, tết lại lèo diều, kiểm tra bó dây để chuẩn bị cho một mùa thả diều. Có lần dây diều của ông Bục bị tuột khỏi mối nối, chiếc diều sáo sải cánh rộng ấy bay qua cánh đồng triều của làng sang tận bên Gia Lộc. Bố con ông Bục phải dùng chiếc thuyền mủng bơi qua sông sang làng Đáy chuộc về. Ông Bục và thằng Nghĩa khênh diều ra cánh dược mạ, nối lại dây, sửa lại diều, căn lại ống sáo. Sau mấy ngày, chiều ấy tiếng sáo diều lại ngân vang vi vu trên không trung.
Nhưng rồi cuộc sống êm ả thanh bình ở quê tôi qua đi. Bọn giặc Pháp tràn về đóng bốt ở đầu làng. Làng quê tiêu điều, xơ xác. Nhà cháy, người chết, không còn cảnh thả diều nữa. Người dân tản cư đi tứ xứ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình trở lại, mọi người về làng. Mùa thả diều lại đến. Tiếng sáo diều vi vút trên không trung, thấm sâu vào mạch đất, luống cày, nhánh lúa; vào trong bữa ăn, giấc ngủ, trang sách, mộng mơ. Cuộc sống đang yên ổn làm ăn với phong trào HTX nông nghiệp phất cao ba ngọn cờ hồng "Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba nhất", mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, thì giặc Mỹ cho máy bay ra đánh phá miền Bắc. Bên cổng làng nhìn ra cánh đồng dược mạ được đào giao thông hào, đắp ụ súng phòng không. Năm ấy, những cánh diều thưa thớt dần, nhường chỗ cho khẩu đội 37 ly hướng lên trời canh gác máy bay Mỹ. Ông Bục gác chiếc diều sáo to lực lưỡng lên chái nhà. Bọn trẻ chúng tôi lớn lên, mỗi đứa một nơi. Nghĩa đi bộ đội. Sau mấy tháng luyện quân ở Sơn Tây, Nghĩa được nghỉ phép chuẩn bị đi B. Ông Bục bắt Nghĩa lấy vợ. Vợ Nghĩa là Nụ, người cùng xóm, bạn cùng chơi thả diều với chúng tôi. Nụ đẹp người, đẹp nết, dịu dàng. Hôm Nghĩa cưới Nụ, tôi đang ở xa cũng cố về dự. Cưới xong được độ dăm ngày, Nghĩa lên đường về đơn vị. Hôm tiễn Nghĩa cũng vào dịp cấy lúa mùa, cũng vào những đêm trăng, nhưng vắng bóng cánh diều.
Khi nhận được giấy báo tử của Nghĩa hy sinh ở mặt trận phía nam thì Nụ sinh con trai, đặt tên là Nhân. Nụ vẫn xinh đẹp như xưa, tham gia vào Hội Phụ nữ xã, ở vậy nuôi con, không đi bước nữa, mặc dù nhiều người mai mối.
Thời gian cứ thế êm ả trôi đi, Nhân lớn lên, học hết cấp ba rồi đi học kỹ thuật vô tuyến điện. Khi ra trường, Nhân tình nguyện xin vào bộ đội. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đơn vị của Nhân được điều lên giữ chốt ở điểm cao 468 Vị Xuyên. Cũng tại đây, Nhân đã hy sinh khi một mình một máy thông tin giữ chốt cung cấp tín hiệu về Sở Chỉ huy. Cách đó mấy năm, nhà hiếm người, mong sớm có bà có cháu, Nụ đã lấy vợ cho con. Nhân đã có con trai, đặt tên nó là Hậu.
Bẵng đi một thời gian dài, sau khi nghỉ hưu ở thành phố mãi tận trong Nam, tôi có dịp trở lại quê. Quê nhà giờ đổi khác nhiều lắm. Đường bê tông ở trong làng rộng rãi thênh thang vào tận ngõ xóm. Đi trên đường làng mà cứ ngờ ngợ, một cảm giác lâng lâng, xốn xang, mong gặp lại bạn ngày xưa chăn trâu, thả diều. Đang miên man trong ký ức thì bỗng gặp một bé trai vóc dáng khỏe mạnh, nhanh nhẹn vai đeo khăn quàng đỏ cùng lũ bạn đi sinh hoạt hè, khoanh tay lễ phép: "Cháu chào ông ạ!' - "Ông chào cháu" - tôi đáp - "Cháu tên gì, con nhà ai?", cháu ấp úng: "Cháu là Hậu, con bố Nhân, cháu ông Nghĩa, bà Nụ ạ"! Nghe thấy thế, tôi bảo cháu: Ông Nghĩa, bố Nhân, con Hậu là đúng quá rồi. Ôi cuộc sống đổi thay nhiều đến thế. Lớp lớp các thế hệ nối tiếp nhau sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này. Từ đây, người ở lại, người ra đi trên mọi miền Tổ quốc để dựng xây, bảo vệ quê hương, đất nước.
VŨ HOÀNG LUYẾN