Lợn giống khan hiếm, người nuôi khó tái đàn

10/06/2020 11:30

Hiện nay, lợn giống không chỉ rất đắt mà còn khan hiếm.


Giá lợn giống cao, nguồn cung khan hiếm khiến nhiều hộ chăn nuôi khó tái đàn

Giá lợn hơi hiện vẫn đang ở mức khoảng 100.000 đồng/kg. Chưa bao giờ người chăn nuôi lãi lớn như hiện nay. Các trang trại, gia trại đẩy mạnh việc tái đàn nhưng lợn giống không chỉ rất đắt mà còn khan hiếm làm cho việc tái đàn gặp nhiều khó khăn.

Khó mua

2 tháng trước, ông Vũ Hữu Hiển ở thôn Linh Xá, xã Nam Hưng mua 30 con lợn giống với giá 2,2 triệu đồng/con tại một gia trại ở xã Hiệp Cát (cùng huyện Nam Sách) để tái đàn. Mặc dù rất muốn mở rộng quy mô đàn lợn nhưng ông không mua được lợn giống. "Thời điểm này, dù có tiền cũng rất khó mua được lợn giống. Hiếm hoi lắm mới có đàn lợn giống bán lẻ trong dân nhưng chất lượng chưa chắc đã bảo đảm. Còn lợn giống ở các trang trại lớn hoặc công ty bán cám thì giá từ 3,3 - 3,5 triệu đồng/con (trọng lượng từ 6 - 10 kg) nhưng cũng phải đặt trước cả tháng", ông Hiển nói.

Trước khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra, trang trại của anh Nguyễn Học ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) là trang trại chăn nuôi lợn giống quy mô lớn. Mỗi tháng, trang trại cung cấp ra thị trường từ 1.000 - 1.500 con lợn giống. DTLCP đã làm toàn bộ đàn lợn nái và lợn thịt của trang trại bị tiêu hủy. Đầu năm 2020, anh Học bắt hơn 100 con lợn nái và 2 con lợn đực giống của một công ty ở miền Nam. Đàn lợn nái của trang trại đã sinh sản nhưng chỉ để phục vụ cho việc tái đàn của gia đình, không bán giống ra ngoài. 

Nhiều trang trại trước đây chuyên cung cấp lợn giống cho các hộ chăn nuôi trong vùng thì nay cũng ngừng cung cấp hoặc chỉ bán với số lượng có hạn. Giá lợn hơi trong tỉnh hiện dao động từ 98.000 - 100.000 đồng/kg. Còn giá lợn giống loại thường bán trong dân từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/con, lợn từ các trại giống lớn có giá cao hơn từ 3,2 - 3,5 triệu đồng/con, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lợn giống khan hiếm, đắt đỏ do trong năm 2019, hơn 54.000 con lợn nái và đực giống buộc phải tiêu hủy do DTLCP, chiếm gần 50% tổng đàn lợn nái của tỉnh. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn giống quy mô lớn cũng bị thiệt hại trong đợt dịch này nên nguồn cung cấp lợn giống không đáp ứng được nhu cầu tái đàn của người dân. 

Chọn con giống ở cơ sở uy tín

Giá lợn hơi đang ở mức cao khiến các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi con giống không muốn bán lợn ra bên ngoài mà tự nuôi lợn thịt để có lãi cao. Điều này làm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ càng khó mua con giống để tái đàn. Theo Cục Thống kê tỉnh, tổng đàn lợn thịt của toàn tỉnh tháng 5 ước đạt 168.000 con, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tái đàn như hiện nay thì khả năng rất lâu nữa đàn lợn trong tỉnh mới có khả năng phục hồi.

Không chỉ giá con giống cao, khó tìm mua mà người chăn nuôi đang phải đối diện với rủi ro DTLCP có thể trở lại bất cứ lúc nào. Một số ít hộ chăn nuôi mạnh dạn đầu tư vốn để tái đàn nhưng không có được nguồn gốc con giống rõ ràng, không bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đây là nguy cơ có thể khiến các hộ chăn nuôi thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Theo ông Đinh Xuân Bình, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh, để bảo đảm an toàn dịch bệnh khi tái đàn, người chăn nuôi nên tự gây lợn nái để tiết kiệm chi phí. Hiện giá mỗi con nái hậu bị trọng lượng khoảng 60 kg bán trên thị trường gần 10 triệu đồng. Người chăn nuôi có thể chọn mua con nái hậu bị từ các cơ sở chăn nuôi uy tín hoặc lựa chọn những con lợn cái đẹp trong đàn để nuôi gây giống. Đây là cách tái đàn an toàn, hiệu quả mà tiết kiệm chi phí.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo: "Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần phải bảo đảm các điều kiện an toàn mới nên nuôi lợn trở lại, tránh tái nhiễm DTLCP. Với các trang trại, gia trại khi tái đàn nên mua con giống ở các cơ sở chăn nuôi uy tín hoặc biết rõ nguồn gốc về con giống. Không nên mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc để tránh thiệt hại nặng về kinh tế. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi lợn cần bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả".

TRẦN HIỀN 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợn giống khan hiếm, người nuôi khó tái đàn