"Xin nhận lỗi trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh", đó là lời xin lỗi của lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020 sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các sai phạm.
Những năm gần đây, công cuộc phòng chống tham nhũng đã đưa nhiều quan chức cấp cao ra tòa. Trong các phiên tòa, nhiều lời hối hận, xin lỗi nhân dân đã được nhiều vị nói ra, kể cả những giọt nước mắt muộn màng.
Công lý được thực thi. Nhưng ngoài bản án tù tội, điều người dân quan tâm là việc khắc phục hậu quả như thế nào. Tiền bạc từ các vụ án liên quan "đất vàng" này, nhà máy "đắp chiếu" nghìn tỷ nọ có được thu hồi hay không.
Bởi những sai phạm dù là đất đai hay tiền bạc nhà nước thì suy cho cùng đều là tài sản của dân, do dân mà có và cần được phục vụ lợi ích chính đáng của dân. Khi tài sản của Nhà nước, tức của dân mất đi thì cần phải được thu hồi một cách quyết liệt.
Nhưng thực tế cho thấy việc thu hồi tài sản, tiền bạc thất thoát trong nhiều vụ án đã và đang gặp khó khăn. Nó khác với hình ảnh họ lúc đương chức xênh xang trong biệt thự, xe sang, vung vít tiền bạc mà "tai mắt" nhân dân đều thấy rõ.
Năm thứ hai dịch giã nặng nề này, mỗi ngày mở tờ báo, tivi, trang mạng, ai cũng xúc động trước nghĩa cử đồng bào. Những đồng tiền của cô lao công quét rác, bác xe ôm, chị công nhân đẫm vị mặn của mồ hôi nước mắt, nhưng họ vẫn hết lòng sẻ chia để chung tay với Nhà nước mua vắc xin chống dịch.
Những đồng bạc dù nhỏ nhoi nhưng lại hết sức ý nghĩa trong lúc khó khăn này. Đó là chén cơm manh áo của người nghèo. Đó cũng là lọ vắc xin góp phần giúp đất nước vượt qua đại dịch.
Chính vì vậy, khi nghe những lời xin lỗi muộn màng từ các cán bộ sai phạm xem ra hoàn toàn chưa đủ.
Cùng giọt nước mắt hối hận, lời xin lỗi muộn màng, những cán bộ sai phạm cần khắc phục hậu quả để chuộc lỗi thiết thực với đất nước, với nhân dân. Nếu họ không làm thì pháp luật sẽ nghiêm minh, quyết liệt thu hồi tài sản, tiền bạc trở lại cho quốc gia, cho nhân dân.
QUỐC VIỆT