Từ ngày ông bà mất, gia đình bác Lâm chuyển sang ở mảnh đất khác, dì ở lại căn nhà ông bà ngoại để lại. Bao năm nay dì âm thầm một mình và giữ trọn lời thề với người yêu năm nào.
Minh họa: HUY CHƯƠNG
Sau chuyến công tác nước ngoài dài ngày, tôi trở lại thăm dì Len. Đường làng ngõ xóm vẫn còn dư âm của những ngày đầu xuân ấm áp vui vẻ. Những cây nêu xua tà, đuổi quỷ, những hình vẽ cung tên bằng vôi trên tường, dưới sân hay ngoài ngõ chưa được tháo gỡ, xóa bỏ…
Ông bà ngoại tôi có bốn người con, hai trai đầu và hai gái cuối, toàn đặt tên theo vần chữ L. Bác Lâm là con trưởng, học dang dở lớp 10 thì tình nguyện đi bộ đội, vào Nam chiến đấu, dằng dặc gần chục năm, thống nhất đất nước phục viên về quê lấy vợ. Bác Lâm trực tính, tháo vát, lại được rèn luyện trong quân ngũ, dân mến phục, tín nhiệm bầu làm chủ tịch xã hai khóa liền, giờ đã về hưu. Bác Lương thứ hai, chịu khó học hành, có chí tiến thủ, lại đam mê nghiên cứu cây cối, nên hết cấp ba thi vào đại học lâm nghiệp. Tốt nghiệp bác xin vào vùng núi rừng Tây Nguyên công tác, rồi đóng đô ở đấy. Hồi ông bà ngoại tôi còn, năm nào bác cũng về thăm, nhưng nay thì vài năm hoặc có dịp ra Bắc công tác bác mới ghé qua nhà. Mẹ tôi tên Linh là giáo viên, lấy bố tôi ở cùng quê, cả hai đều công tác ở thành phố. Từ thành phố về quê cũng không xa lắm, song công việc bận bịu thành thử chỉ khi giỗ chạp, Tết nhất cả nhà tôi mới về làng. Dì Len, tên đầy đủ là Lê Thị Kim Len, cô út, là người chịu thiệt thòi nhất trong bốn anh chị em. Thiệt thòi đầu tiên là dì sinh thiếu tháng. Mẹ tôi kể, khi ra đời dì chỉ to hơn cái chai bia chút xíu. Thiệt thòi kế tiếp, năm lên ba dì bị một trận ốm “thập tử nhất sinh”. Ông bà ngoại phải chạy chữa tứ phương, thuốc men, bệnh viện, trạm xá, bác sĩ, thày lang… không biết bao nhiêu mà kể. Cũng may, dì Len tai qua nạn khỏi, nhưng lại tiếp tục nhận sự hẩm hiu, ấy là sau trận ốm đó dì không đứng lên được, đôi chân dì mềm oặt, người xanh nhớt, đã vậy còn bủng beo, trốc lở. Bác Lâm hồi ấy giao hẳn việc trông nom dì cho mẹ tôi. Vì dì không đi được nên mẹ tôi phải bồng bế dì suốt ngày. Bế đến nỗi bên hông mẹ tôi nổi lên những cái chai to như quả táo. Mỗi khi dì khóc, bác Lâm làm trò nhăn mặt méo mồm, lè nhè hát: “Kim bủng í à kim beo… Kim trốc í a Kim lở… mà mấy í a… lại đèo… lại đèo í a… Kim Len…”. Lạ cái cứ bác Lâm hát vậy dì bặt khóc luôn, đã thế còn toác miệng cười khanh khách. Ông bà ngoại tôi lại thêm một lần nữa tìm thầy tìm thợ, thậm chí bà ngoại còn giấu ông đi hết đền chùa miếu mạo trong vùng cầu xin. Thế rồi như có một phép lạ, đến khi lên năm tuổi dì Len khỏe mạnh dần. Trốc lở khỏi, bủng beo hết, dì đứng lên được, chập chững tập đi. Sáu tuổi dì đã đi học như những đứa trẻ bình thường khác. Lạ một điều nữa, dì Len học rất giỏi. Từ lớp một đến lớp mười (hồi ấy lớp 10 là cao nhất) dì đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Đất nước đang có chiến tranh, vì vậy dẫu có ước mơ đi học sư phạm như mẹ tôi, song dì lại nêu gương bác Lâm, tình nguyện đi thanh niên xung phong vào Trường Sơn mở đường cho những đoàn xe, đoàn quân vào tiền tuyến.
Mẹ tôi kể, hôm tiễn dì, bà ngoại và mẹ tôi khóc hết nước mắt, ấy vậy mà dì cứ nhoẻn miệng ra cười. Lại còn trêu bà ngoại tôi: “U khóc trông xấu gái, về thầy không yêu đâu”.
*
Dì Len căng mắt nhìn, một lúc nhận ra tôi, dì quýnh cả chân tay, lập cập, run rẩy. Dì định chạy đến để ôm tôi, sợ dì ngã, tôi buông tay khỏi cái vali kéo chạy đến bên dì. Dì nắm lấy tay tôi, đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc, rồi chửi yêu bằng cái giọng phều phào:
- Sư bố nhà cô, bảo Tết về với dì mà vắng một lèo giờ mới thấy mặt…
Tôi lí nhí:
- Con xin lỗi, vì con đi Tây…
- Tây với Tầu cái khỉ gió nhà cô, để tôi ngóng mòn cả mắt. Đấy lại còn nồi thịt đông nấu đãi cô phải mang sang cho lũ cháu nhà bác Lâm ăn.
Tôi cười:
- Con bắt đền dì đấy.
- Sư bố cô, tôi nấu mà không ăn là chết với tôi nhá!
Lần nào về với dì, ngoài được ăn những món ngon do tự tay dì nấu, được dì đun nước bồ kết gội đầu, tôi lại bắt dì kể chuyện hồi dì cùng đồng đội “mở đường Trường Sơn đi cứu nước”.
*
Sau cái đận chữa khỏi bủng beo trốc lở, dì Len bắt đầu có da có thịt. Rồi dì lớn bổng lên, chân tay cứng cáp và đặc biệt càng lớn dì càng nõn nà tươi tắn. Nước da trắng mịn, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt tròn trịa lúc nào cũng mở to, hàng mi cong veo, đôi mày kẻ chỉ, sống mũi thanh thoát, đôi môi như có sen hồng. Dì đi thanh niên xung phong năm mười bảy tuổi. Cái tuổi phơi phới, má hồng, môi đỏ, da mềm, mặc bộ đồ thanh niên trông chẳng khác nào văn công ra trận tuyến.
Đơn vị của dì hành quân vào khu Bốn, nhận nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông suốt cho một tuyến đường vào Nam. Hầu như ngày nào máy bay Mỹ cũng dội bom xuống. Có hôm vừa bưng bát cơm, kẻng báo động đã dồn dập liền bỏ bát đũa cầm xẻng cuốc lao ra mặt đường ngay. Bom phá, đường sụt lở, dì cùng đồng đội bất chấp hiểm nguy, kệ khói lửa mịt mùng, san lấp kịp thời. Có đêm, bom đánh sập một cây cầu qua một con ngầm, lấp xong đoạn đường tạm, để bảo đảm an toàn cho xe, các cô gái trong đơn vị của dì đã nắm tay làm thành hàng hoa tiêu. Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng các dì không lúc nào vắng tiếng cười và véo von tiếng hát.
*
Tôi ngắt ngang:
- Con hỏi thật nha. Hồi ấy dì có yêu ai không?
- Sư bố cô! Biết sống chết thế nào mà yêu với đương!
- Dì giấu con… chứ con biết hết rồi nha!
- Biết cái gì… Lại mẹ mày lắm chuyện chứ gì?
Dì bỗng lặng người. Lấy tay dụi dụi đôi mắt già nua, lèm nhèm. Trong khoảnh khắc đôi mắt dì như sáng bừng lên, mở to, nhìn về phía trước. Tôi nhìn theo, chỉ là mảnh vườn sum suê cây cối. Những cây mít, cây bưởi cũng già nua như tuổi tác của dì. Trên thân cây là lớp vỏ bọc sần sùi mốc meo, cằn cỗi. Cũng phải thôi, dì nhiều tuổi rồi, lại yếu nữa, nhà không có đàn ông lấy ai chăm sóc vườn tược. Nhưng tôi đã hiểu nhầm ánh mắt của dì. Làm sao một con bé, dẫu đã tốt nghiệp đại học, đi làm cho một công ty nước ngoài hai năm rồi nhưng vẫn còn đặc sệt trẻ con như tôi hiểu được trong cái nhìn xa xăm kia có hình bóng một người đàn ông.
*
Chiến tranh khốc liệt, bom đạn, khói lửa suốt ngày đêm cứ ùng oàng, mù mịt, ở chiến trường sống và chết mong manh. Một đêm, máy bay địch ném bom napan xuống, trúng nơi đơn vị dì đóng quân. Lửa trùm lên rực sáng cả một cánh rừng rộng lớn. Chị em trong đơn vị hò hét nhau dập lửa. Lửa lớn và dữ dội, chẳng may dì bị dính lửa, ngất đi. Khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong một căn hầm của một trạm xá tiền phương, dì hoảng hốt, hét thất thanh khi nhận ra toàn thân mình băng bó kín mít. Rồi dì bật khóc nức nở. Những vết bỏng như này thì còn gì nhan sắc con gái. Một viễn cảnh mù mịt hiện ngay trước mắt. Mai sau rồi sẽ ra sao. Đang lúc dì lâm vào tâm trạng hoảng loạn, bỗng một giọng đàn ông trầm ấm bên tai: “Vết thương nào rồi cũng lành thôi em…”.
Chú ấy tên Tùng, lính lái xe. Trong một chuyến chở hàng, xe của chú trúng bom, rơi xuống vực. Chú bị thương nặng, phải cắt bỏ một chân, được đưa vào trạm xá trước dì khoảng hai tuần, đang chờ đưa ra hậu phương. Chú ấy lúc đầu cũng bi quan lo lắng, song bình tâm lại, chú bảo chiến tranh thì điều gì cũng có thể xảy ra, nhiều đồng đội còn hy sinh ấy chứ, cứ vui vẻ lạc quan, vết thương chóng lành.
Dì và chú quen thân rồi yêu nhau lúc nào cũng không biết. Tuy bị thương nặng, lại mất một chân, nhưng trên khuôn mặt đầy đặn của chú lúc nào ánh mắt cũng ngời ngời sáng trong, cái miệng với đôi môi dày luôn tủm tỉm nụ cười thật duyên. Còn nữa, chú có giọng nói truyền cảm, hành văn trong lời nói tuy không chau chuốt điệu đà nhưng đủ lượng thông tin quyến rũ người nghe. Mấy cô y tá ở trạm xá bảo nhau: “Anh Tùng nói đến con kiến trong tổ cũng phải bò ra”. Một đêm trăng nhẹ, vắng tiếng máy bay, chú và dì ngồi bên bìa rừng tâm sự. Chú bảo quê Thái Bình, mai ngày thống nhất, chú đưa dì về quê. Hai vợ chồng sẽ dựng một căn nhà nhỏ, tháng ngày cày cấy trên cánh đồng đậm đặc phù sa rồi sinh những đứa con trai, con gái xinh đẹp như mẹ, như cha.
Nhưng thật không ngờ, cận ngày cả hai người chuẩn bị ra Bắc điều trị, máy bay địch đánh phá dữ dội vào khu vực trạm xá. Căn hầm của chú Tùng trúng bom. Chú Tùng đã hy sinh trong trận oanh tạc ấy.
*
Được đưa ra Bắc điều trị, dì Len lành lặn dần. Tuy vậy trên mặt và thân thể dì những vết thương đã thành sẹo loang lổ, làm mất đi vẻ đẹp thanh nữ của cô gái làng An Phú. Ra khỏi lực lượng thanh niên xung phong, dì được ưu tiên đi học sư phạm nhưng dì đã khước từ. Có lẽ do dì tự ti và ngại ngần bởi những vết sẹo trên người. Dì trở về làng làm người nông dân thực thụ.
Không phải là không có những người đàn ông tìm đến với dì. Có cả những người bạn của bác Lâm, bác Lương và của mẹ tôi giới thiệu. Họ thông cảm và thương dì, song dì chỉ nhã nhặn cảm ơn. Có lần họp gia đình, bác Lâm còn quát tháo, mắng mỏ dì và bắt dì phải thế này thế nọ. Song, dì cứ trơ ra. Tất cả các anh chị của dì đều nghĩ, dì mặc cảm với những vết thương, mà chối bỏ những người đàn ông tìm đến. Nào ai biết được lời thề “Cái chết cũng không chia lìa được lứa đôi!” lại hằn sâu trong trái tim dì.
Thương dì một thân một mình, tôi thường xuyên về với dì, tôi cũng có lần nhỏ to tâm sự, động viên khuyến khích dì xây dựng gia đình. Dì ôm chặt tôi vào lòng, thủ thỉ: “Không! Không được đâu con ạ!”. Từ ngày ông bà mất, gia đình bác Lâm chuyển sang ở mảnh đất khác, dì ở lại căn nhà ông bà ngoại để lại. Bao năm nay dì âm thầm một mình và giữ trọn lời thề với người yêu năm nào.
Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU