Lôi ra ánh sáng luân chuyển 'chui', luân chuyển 'chạy chọt'

09/12/2017 08:08

Thực tế có tình trạng "luân chuyển chui", do móc nối từ trên xuống dưới; chạy chọt để được vào danh sách luân chuyển cần “lôi ra ánh sáng”.

Lôi ra ánh sáng luân chuyển chui, luân chuyển chạy chọt - Ảnh 1.

GS Nguyễn Hữu Khiển - nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia

Các chuyên gia đã chia sẻ góc nhìn về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.

GS.TS Nguyễn Hữu Khiển - nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia:

Có cán bộ được tín nhiệm nhưng bị "ngâm" đến khi phải… bỏ phiếu lại

Thực trạng bố trí người nhà làm cán bộ, tạo vây cánh như Tổng Bí thư đề cập chính là vấn đề gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua. Đó cũng vấn đề đã được chỉ ra trong 27 hiện tượng cần chấn chỉnh theo Nghị quyết của Đảng.

Nhưng tại sao việc chống, hoặc ngăn chặn những biểu hiện đó lại khó như vậy? 

Ở đây, có vấn đề quan hệ giữa pháp luật, quy định (như những điều cấm chẳng hạn) với đạo đức (như những việc làm có tính bất chấp dư luận xã hội) và vấn đề chính trị. Tức là cần chấn chỉnh nghiêm túc về ý thức, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong công tác cán bộ, xây dựng con người.

Tuy nhiên, dễ thấy là cán bộ thường sợ sai, nhưng khi pháp luật không có điều cấm, thì nghĩa là họ không sai. Vì thế, họ không ngại, không sợ. 

Ngoài ra, việc này liên quan đến đạo đức chính trị đối với cán bộ ở cấp cao và đạo đức công vụ ở các cấp thấp hơn. Song cần thấy rõ những người đã bất chấp dư luận để đưa con cháu vào cơ quan, bổ nhiệm vị trí, kéo bè cánh... thực ra đã yếu về đạo đức rồi. 

Nếu cứ cảnh báo về đạo đức, cứ nói "chấn chỉnh, quán triệt, gương mẫu" với họ thì thật khó có hiệu quả được. Đây chính là nút thắt cần phải xử lý.

Khi pháp chế chưa bao quát hết thì một số qui định trong công tác cán bộ lại có những điểm còn mâu thuẫn. 

Chẳng hạn việc bỏ phiếu là dân chủ, nhưng kết quả chỉ là tham khảo. Thậm chí, có nơi, cán bộ được tín nhiệm nhưng không hợp với lãnh đạo, họ "ngâm" cho đến khi phải… bỏ phiếu lại. 

Theo tôi, cần xem xét lại những vấn đề pháp lý, tăng những điều cấm, coi trong hơn việc thăm dò, bỏ phiếu, tôn trọng công khai kết quả.

Riêng về luân chuyển cán bộ cũng nên có cái nhìn tổng thể. Cần phân biệt rõ động cơ cá nhân của việc luân chuyển. Nếu người được luân chuyển chỉ lo cho việc được thăng chức thì cần chấn chỉnh, phê phán. 

Nhưng cũng cần bảo đảm tính nhất quán của một chủ trương lớn, trong đó có việc qui hoạch cho tương lai dựa trên kết quả của việc chọn đúng người có năng lực, triển vọng, tạo nguồn để giao công việc quan trọng hơn...

PGS.TS Nguyễn Xuân Sơn - nguyên vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng:

Sai sót của một dây, chứ không phải một bên

Tổng Bí thư đã nói khát quát về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay. Còn những minh chứng cụ thể sẽ nằm ở Ban Tổ chức Trung ương, ban tổ chức tỉnh ủy các địa phương…

Công tác cán bộ thời gian qua đã có chuyển biến tốt hơn, nhưng rõ ràng những vi phạm trong luân chuyển, quy hoạch cán bộ còn nhiều. Chúng ta cần có cách đánh giá và thử thách cán bộ thực chất hơn.

Mục tiêu của luân chuyển cán bộ là làm cho cán bộ trưởng thành hơn trong thực tiễn, nhưng thực tế, nhiều trường hợp luân chuyển chỉ mang tính hình thức với động cơ duy nhất là được "tráng men" yêu cầu "qua thực tiễn" để đi lên. 

Bên cạnh động cơ không đúng của cá nhân người được đi luân chuyển, luôn có sai sót của người làm tổ chức cán bộ, quản lý công tác luân chuyển. Đó gọi là một dây sai sót, chứ không phải sai sót của một bên đơn thuần.

Thực tế có tình trạng "luân chuyển chui", cán bộ không thuộc diện luân chuyển nhưng mà dù không thuộc diện quy hoạch, chỉ là chuyển vị trí công tác về địa phương, nhưng sau một thời gian bất ngờ lại có tên trong danh sách luân chuyển. Những trường hợp này phải được đưa ra ánh sáng.

Hay có trường hợp chạy chọt để được vào danh sách luân chuyển như vụ Trịnh Xuân Thanh… 

Giải pháp cho thực trạng quá rõ này chính là phải luân chuyển đủ thời gian 36 tháng, xem xét thật kỹ cán bộ luân chuyển, giao việc hẳn hoi, chứ không phải chỉ hời hợt giao làm cấp phó không thể hiện được gì, chỉ chờ hết thời gian để leo lên vị trí mới cao hơn…

NGỌC HÀ (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lôi ra ánh sáng luân chuyển 'chui', luân chuyển 'chạy chọt'