Thi vào các trường Đại học (ĐH) hàng đầu là một cửa ải khó khăn, nhưng ra trường cũng sẽ là một cửa ải gian nan không kém.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khuyên thí sinh nên chuẩn bị sẵn tinh thần học tập thật tốt khi vào các trường tốp đầu - Ảnh: NAM TRẦN
Hầu hết các thí sinh đến với Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 của báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 11.4 đều chỉ quan tâm đến làm cách nào để vào ĐH. Còn những vị phụ huynh đầy kinh nghiệm lại quan tâm đến một việc rất thiết thực: vào trường được rồi, có khả năng để ra trường không?
Một phụ huynh đã hỏi: "Tôi nghe nói vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội rất khó, để trụ lại không dễ dàng, có lớp trượt môn tới 70%. Không biết tỷ lệ ra trường thì thế nào?".
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đã không ngần ngại trả lời: "Đúng là Bách khoa đầu vào và đầu ra đều rất khó. Dù thí sinh được tuyển chọn vào đều rất giỏi nhưng vào trường vẫn phải học chăm, giữ vững phong độ, chứ không được phép xả hơi. Nhưng điều đó cũng xứng đáng thôi vì tương lai nghề nghiệp cho các em rất hứa hẹn.
Hằng năm chúng tôi có 700 - 800 em phải ra khỏi hệ chính quy do không bảo đảm được yêu cầu của nhà trường. Phần lớn là do ngay từ đầu không xác định rõ mục tiêu chọn ngành, khi vào học chểnh mảng, sa đà vào game online. Ngoài ra có 40% phải trả nợ môn đến năm thứ sáu mới ra trường được. Tôi nghĩ về tỷ lệ này thì các trường khác cũng không kém cạnh".
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết thêm mỗi năm trường có 5.000 sinh viên, trong đó có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn, cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa tốp đầu và tốp cuối.
"ĐH là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, các trường bây giờ sẽ siết chặt chất lượng, nên các em xác định vào ĐH là để học, chứ không phải để xả hơi. Bây giờ các trường không chỉ quan tâm đến kiến thức mà còn quan tâm đến tác phong và thái độ của sinh viên, với mong muốn đào tạo họ trở thành con người toàn diện", PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ.
Trường ĐH Y Hà Nội luôn luôn ở nhóm tốp các trường lấy điểm đầu vào cao chót vót. TS Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo của trường này, trong các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ luôn nói trước với thí sinh: "Các em xác định vào học y là chỉ có học và học". Ngoài ra, thầy Lê Đình Tùng cũng dặn thí sinh phải mài giũa ngoại ngữ thật tốt vì ngành y đòi hỏi ngoại ngữ rất cao.
Các chuyên gia đều nhấn mạnh những học sinh quyết tâm đi vào những ngành khó xác định phải khổ luyện trong những năm học ĐH.
Khi thấy một học sinh rụt rè hỏi có phải ngành toán kinh tế rất khó và ra trường ít có cơ hội việc làm không, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân trả lời:
"Một trong 6 tỷ phú Việt Nam hiện nay học toán kinh tế của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ngành này khó hơn quản trị kinh doanh, trước đây từng học kéo dài 4,5 năm. Ngành này đòi hỏi toán tốt, liên quan rất nhiều đến khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu, đòi hỏi người học phải nỗ lực nhiều. Hầu hết các công ty lớn phân tích đều coi trọng dữ liệu, thị trường lúc nào cũng thiếu chuyên gia. Nên nếu em học tốt thì ra trường không thiếu việc".
Trong các kỳ tư vấn tuyển sinh, hầu hết phụ huynh và học sinh đều quan tâm đến khả năng xin việc khi ra trường. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương khẳng định đó chỉ là một khía cạnh đáng quan tâm khi chọn ngành, chọn nghề. Ngoài việc phân tích xu hướng của thị trường lao động, thí sinh phải căn cứ vào năng lực và mong muốn của mình, xem mình phù hợp với ngành nghề nào.
Các chuyên gia đều cho rằng thị trường lao động hiện nay biến đổi quá nhanh, sinh viên mới vào trường ngành A có thể "hot", nhưng đến khi sinh viên ra trường ngành đó có thể thoái trào rồi. Nên để kiếm được việc tốt trong thị trường lao động thì sinh viên cần học tập chăm chỉ trong trường ĐH, nắm chắc kiến thức nền tảng và rèn luyện kỹ năng thích nghi, chuyển đổi linh hoạt.
Theo Tuổi trẻ