Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh tích cực áp dụng mô hình tưới tiết kiệm (TTK) vào sản xuất. Mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn khắc phục được những hạn chế của điều kiện sản xuất.
Gia đình bà Phạm Thị Ngát ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha (Thanh Miện) sử dụng tưới tiết kiệm được hơn 4 năm
Nhiều ưu điểm
Sử dụng TTK trong trồng rau gia vị được hơn 4 năm, bà Phạm Thị Ngát ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha (Thanh Miện) thấy rõ hiệu quả từ cách làm này. Nhà bà Ngát có hơn 5 sào rau trồng quanh năm. Trước đây, để tưới cho diện tích này rất vất vả và không thể làm một mình, còn hiện tại thì tiện lợi hơn nhiều nhờ mô hình TTK. Theo bà Ngát, rau gia vị không cần nhiều nước như lúa, song phải tưới thường xuyên. Ngày trước, cứ cách ngày là bà và người nhà phải lấy nước từ mương vào ruộng, rồi lại mất công tưới từ rãnh lên cây, mất cả ngày mới hết. Từ khi lắp đặt hệ thống TTK, bà chỉ cần vặn van đặt ở đầu ruộng là có thể tưới đồng loạt và xong trong vòng từ 15-20 phút. Ngoài tiết kiệm sức lao động, bà Ngát cũng thấy được nhiều lợi ích khác từ cách tưới trên. Bà Ngát cho biết: "Vì là đường ống kín dẫn từ sông lớn vào nên chúng tôi không lo nước bị ô nhiễm như những kênh mương lộ thiên. Mặt khác, rau gia vị dễ bị dập nát nếu tác động mạnh nên tưới phun sương rất phù hợp".
TTK cũng được xem là cứu cánh cho sản xuất tại những vùng đất bãi. Do đặc thù là hành lang thoát lũ, việc xây dựng kênh mương kiên cố ở Đức Chính không phù hợp nên TTK là lựa chọn tốt nhất. Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính (Cẩm Giàng), một số hộ trồng rau màu ngoài bãi sông Thái Bình ở địa phương đã biết tới phương pháp TTK từ lâu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang hỗ trợ xã lắp đặt hệ thống TTK cho khoảng 100 ha ngoài bãi sông.
Nếu như trong sản xuất rau màu, người dân sử dụng TTK dạng phun sương còn với cây ăn quả và những cây trồng khác thì TTK kiểu nhỏ giọt được áp dụng nhiều. Anh Nguyễn Văn Tình ở xã Tam Kỳ (Kim Thành) có 1.500m2 nhà màng trồng dưa lưới. Để đồng bộ sản xuất, anh đầu tư 50 triệu đồng lắp đặt đường ống TTK nhỏ giọt. Tuy chi phí không cao nhưng hệ thống TTK của gia đình anh tương đối hiện đại, có thể hẹn giờ để tự động tưới, ngắt. "TTK có nhiều ưu điểm như tưới được đúng lúc, đúng chỗ, giúp tiết kiệm nước tối đa, giảm thất thoát nước, hỗ trợ việc sử dụng phân bón cho cây trồng”, anh Tình nói.
Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm
Vẫn cần tính toán
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, TTK giúp người dân giảm 90% thời gian, công lao động trong tưới dưỡng và 40% công bảo vệ, chăm sóc rau màu. Nhờ đó, làm tăng từ 0,7-1,2 lần/năm hệ số sử dụng đất. Chi phí lắp đặt thấp hơn từ 4-5 lần so với xây dựng kênh mương truyền thống. Giá trị sản phẩm thu hoạch cũng cao hơn từ 16-28% so với diện tích được tưới thông thường. Về lâu dài, TTK giúp sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước, hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước tới sản xuất sạch. Nhờ những ưu điểm này mà TTK đang được người dân áp dụng rộng rãi. Đến nay, diện tích canh tác được lắp đặt hệ thống TTK trong tỉnh khoảng 1.000 ha.
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng việc đưa TTK vào sử dụng đại trà vẫn bộc lộ một số hạn chế. Tại một số nơi trong tỉnh như Thanh Miện, Cẩm Giàng... hệ thống TTK không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính cho biết: "TTK vận hành bằng áp lực theo hệ thống nên những lúc cao điểm, người dân tưới đồng loạt gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhà nào có ruộng ở cuối nguồn sẽ không có đủ nước tưới. Để khắc phục, nhiều hộ phải mua máy bơm riêng. Vì thế, để sử dụng mô hình TTK hiệu quả, chúng tôi đi khảo sát, đánh giá ở một vài nơi đã làm trước đó nhằm tránh lãng phí hạ tầng TTK được hỗ trợ".
TTK là xu hướng của sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp khắc phục những hạn chế của phương pháp tưới truyền thống. Tuy nhiên, việc nhân rộng cũng cần tính toán kỹ lưỡng, không nên làm ồ ạt. Mô hình này chỉ phát huy hiệu quả khi được áp dụng cho điều kiện canh tác phù hợp. Hiện nay, nông nghiệp Hải Dương đang chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. TTK là một trong những giải pháp được ưu tiên. Dù vậy, vẫn cần vừa làm, vừa tính để không phá vỡ quy hoạch thủy lợi cũng như lãng phí hạ tầng thủy lợi đã xây dựng trước đó. Theo ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, TTK phù hợp với sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế mà tỉnh đặt ra. Tuy nhiên, để có thể khai thác tối đa hiệu quả và khắc phục nhược điểm TTK cần xây dựng kế hoạch phát triển mô hình TTK bài bản, phù hợp thực tế.
DŨNG CƯỜNG