Loại phân này giúp người dân giảm một lượng đáng kể các loại phân vô cơ, làm tăng khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh tốt hơn cho cây trồng.
Nhiều địa phương trong tỉnh vẫn đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường, làm giảm độ phì nhiêu của đất
Huyện Bình Giang là đơn vị đi đầu trong triển khai đề tài “Xây dựng mô hình xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất gạo an toàn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường” từ năm 2009. Lượng rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch được huyện vận động nhân dân xử lý làm phân hữu cơ bón cho cây trồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân giảm một lượng đáng kể các loại phân vô cơ, làm tăng khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh tốt hơn cho cây trồng. Ông Nguyễn Phương Vụ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, cho biết: Thực tế, việc sử dụng phân hữu cơ được xử lý từ rơm, rạ dư thừa đã làm giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng chất lượng nông sản. Từ những hiệu quả này, năm 2011, huyện Bình Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia xử lý rơm, rạ thành phân hữu cơ, phục vụ sản xuất. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông mở các lớp tập huấn, tuyên truyền về ý nghĩa của việc xử lý rơm, rạ thừa sau thu hoạch cho nông dân. Năm 2010, huyện chỉ có 2 xã Thái Học và Nhân Quyền tham gia mô hình. Vụ xuân năm 2011, huyện đã có 10 xã tham gia, với 240 tấn rơm, rạ. Vụ mùa 2011 này, 100% các xã trong huyện đều tham gia mô hình với tổng số rơm, rạ đăng ký xử lý hơn 5.000 tấn. Hiện nay, các xã, thị trấn đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Dự kiến, vụ chiêm xuân năm 2012, toàn bộ lượng rơm, rạ thừa của huyện Bình Giang sẽ được xử lý thành phân hữu cơ để tái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Huyện Thanh Hà cũng là địa phương dẫn đầu tỉnh về số lượng xử lý rơm, rạ vụ chiêm xuân 2011. Toàn huyện đã xử lý được hơn 2,5 nghìn tấn. Vụ mùa năm 2011, huyện có 18 trong tổng số 25 xã đăng ký tham gia xử lý hơn 12 nghìn tấn rơm, rạ. Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, so với số lượng đăng ký, lượng rơm, rạ xử lý của huyện chỉ đạt khoảng 61%. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn hạn chế, dẫn tới một bộ phận dân cư không biết, không tham gia; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Để bảo đảm kế hoạch, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền rộng rãi về tác hại của việc đốt, xả bừa bãi rơm, rạ trên đường giao thông, công trình thủy lợi; phổ biến về tác dụng của việc xử lý rơm, rạ làm phân vi sinh. Đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân tập kết rơm, rạ để ủ, vật liệu để che đậy, chất phụ gia NPK, cấp chế phẩm; phối hợp với phòng chức năng tăng cường đôn đốc, kiểm tra các hộ đăng ký trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã xử lý được hơn 3.000 tấn. Một số xã có số lượng xử lý rơm, rạ nhiều như: Thanh Hải, Tân An, Thanh An, Tân Việt... Chị Nguyễn Thị Tuyn (ở thôn Văn Tảo, xã Thanh An) là cán bộ phụ nữ tích cực tham gia xử lý rơm, rạ tại địa phương. Mặc dù không cấy lúa nhưng chị vẫn tự thu gom 4 tấn rơm, rạ vứt bừa bãi trên ruộng, đường giao thông, công trình thủy lợi xử lý thành phân hữu cơ. Thực tế cho thấy, nông dân tiết kiệm được chi phí phân hữu cơ, cây khoai phát triển tốt, củ to, sáng mã nên vụ này nhiều chị em phụ nữ trong thôn đã làm theo, không bỏ phí rơm, rạ, hoặc đốt như trước nữa. Chỉ tính riêng thôn Văn Tảo, lượng rơm, rạ xử lý trong vụ mùa khoảng 200 tấn. Vụ này, chị Tuyn vẫn tiếp tục thu gom và xử lý 4 tấn rơm, rạ dư thừa.
Xử lý rơm, rạ làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại TP Hải Dương
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch xử lý hơn 46,4 nghìn tấn rơm, rạ, cung cấp hơn 8,3 nghìn tấn chế phẩm sinh học. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 80 lớp tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho 78 xã, với trên 8.000 lượt người tham dự, cấp phát 8.000 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, kết hợp thực hành trên đồng ruộng; cấp phát trên 4.000 tờ pa-nô tuyên truyền về kế hoạch khung xử lý rơm, rạ cho các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh xử lý được hơn 28 nghìn tấn rơm, rạ, đạt 60,2% kế hoạch. Một số huyện xử lý đạt và gần đạt chỉ tiêu kế hoạch đăng ký là huyện Bình Giang (5.425 tấn), Thanh Miện (5.700 tấn), Ninh Giang (2.400 tấn)...
Hiện nay, lượng rơm, rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng còn nhiều, đặc biệt là các khu cấy lúa mùa trung và muộn. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch đề ra, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn kịp thời đôn đốc các hộ đăng ký tham gia tận dụng trời mưa, tranh thủ ủ khắc phục tình trạng thiếu nước cuối vụ; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kết hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiểm soát về quy trình kỹ thuật, việc thực hiện kế hoạch khung ở từng xã, từng huyện theo kế hoạch đã đăng ký vụ mùa và lượng chế phẩm đã cấp phát.
PV