Sau đoạn đường dài mỏi mệt của chặng hành trình về thăm cội nguồn, nghĩa trang Trường Sơn đã hiển hiện ngay trước mặt An. Mênh mang những khói hương nghi ngút.
Cơm nước xong xuôi An cắp ghế ra ngoài ban công ngồi hóng mát. Tiện thể cô cầm theo điện thoại. Ăn được bữa cơm mà như người vừa đánh vật, thời tiết oi nồng dễ sợ. Hơi nóng từ phía mặt đường bốc lên vẫn chưa hạ nhiệt, cộng với khói bụi ồn ào lẫn trong tiếng còi xe tuýt tuýt dường như càng làm cho buổi tối thêm nặng nề, khó chịu hơn.
An đưa tay bấm máy. Reng… reng. Phía máy bên kia đổ dài sau đó là tiếng im lặng. Bố đi đâu thế nhỉ? Sao ông không nghe máy? Bố không được khỏe hay là giận cô điều gì? An thở dài lo lắng. Ông năm nay đã gần 70 tuổi, một mình lọ mọ trong căn nhà ba gian, con cái không đứa nào ở gần. Thực tình chị em An chẳng ai thấy yên tâm. Thế nhưng mời ông lên ở với vợ chồng cô thì ông một mực từ chối. Ông bảo khi nào ốm yếu sẽ cậy nhờ con rể, con gái sau. Sang ở với Linh ông nhất định không chịu. Phần vì không hợp tính, phần vì ông muốn ở lại giữ mảnh đất thờ tiên tổ.
Dù phải đi trên đôi chân giả và mang một cánh tay bị cụt nhưng ông vẫn mua tre về đan lát rổ rá, làm vườn và thu gom hoa trái đem bán. Mọi người bảo ông tham công tiếc việc chứ có đồng lương thương binh rồi cũng đủ để chi tiêu.
An sốt ruột bấm đến lần thứ ba. Lần này giọng “alo” quen thuộc cất lên làm cô thấy nhẹ nhõm thở phào:
- Alo, cái An đấy à. Bố vừa mới ra cống chơi với mấy ông bạn, kéo điếu thuốc lào cho sảng khoái. Có việc gì mà gọi cho bố nhiều thế?
- Ra cống ngồi dưới gốc cây bồ đề ấy ạ? Bây giờ mà xóm mình các bác vẫn còn giữ thói quen như ngày xưa bố nhỉ?
Ông Thược cười khà khà:
- Phải rồi cái cây ấy giờ đã to lắm rồi. Cành lá xum xuê lúc nào cũng rì rào đón gió. Ngày xưa chúng mày chẳng kéo nhau ra đấy đánh khăng, chơi chuyền suốt còn gì. Thời tiết này chỉ ra đấy ngồi hóng mát là tuyệt nhất thôi. Cống lại ở ngay cánh đồng cứ gọi là mát rượi ấy chứ.
Nghe bố hào hứng, An không nỡ cắt ngang. Có lần nào về mà An lại chẳng ra đó đâu. Ngập ngừng một lát cô mới vào đề:
- Mấy hôm nữa con về đón bố lên chơi. Các cháu cứ mong ông lên để nghe ông kể chuyện. Cu Thuật, cái Loan thích nhất là được nghe kể chuyện thời ông đi bộ đội, hành quân mãi dọc tuyến rừng Trường Sơn đấy ạ. Ông lên nhé!
- À, ừ được rồi. Để bố thu xếp đã… - tiếng ông Thược nhát gừng.
An khấp khởi mừng thầm. Cô hiểu "thu xếp" có nghĩa là bố lại mang mèo, mang chó đi gửi nhà thím Nhung. Gửi chìa khóa và giao đàn gà nhờ bác Chiến ở ngay bên cạnh nhà ngày hai chiều sang cho ăn giúp. Thế nên nhiều lần chị em An mời bố cứ bảo tao đi thì nhà cửa vườn tược ai trông.
- Không thấy đâu. Tưởng dọn dẹp chứ lại cầm điện thoại ra đây để tán gẫu, mồi chài thằng nào hay sao đấy? Cũng hay ho phết đấy nhỉ. Đừng có tưởng thằng này hiền mà được nước lấn tới, muốn làm gì thì làm nhé!
An giật mình quay ra đã thấy Tưởng ở ngay đằng sau. Không ngờ cô ra ngoài này gọi điện cho thoáng mà cũng khiến Tưởng nghi ngờ, rồi ăn nói hồ đồ như vậy. Dạo này càng ngày anh ta càng hay giám sát, theo dõi cô. Đi đâu làm gì cũng không thoát khỏi vòng kiểm soát quá ư là khó chịu. Cô uất ức lớn giọng:
- Anh im đi. Tôi gọi điện về cho bố chứ cho ai. Anh không biết rõ thì cũng không nên ăn nói xằng xiên như vậy. Các con nghe thấy thì hay ho gì?
- Cô còn dám lôi kéo chúng nó vào đây à? Biết không hay thì đừng có làm!
- Anh bảo tôi làm gì cơ? Tôi làm gì sai nào?
Bộp. Cái tát của chồng cùng nỗi oan ức khiến cô tức tưởi. Từ ngày Tưởng mắc chứng bệnh yếu sinh lý anh ta như bị mặc cảm với vợ đâm ra dễ sinh lòng hoài nghi. Ghen tuông, nóng giận vô cớ. Mỗi lần hành hạ được An là Tưởng mới cảm thấy hả dạ. Ban đầu An cố nín nhịn vì nghĩ chồng có yêu thương mình mới lo sợ cô lăng nhăng, sinh ra như thế. Sau nhiều lần giải thích, nói chuyện mềm mỏng cũng chẳng được Tưởng cảm thông. Nhiều khi những câu chuyện từ nhỏ nhặt Tưởng đẩy xa quá giới hạn của sự chịu đựng khiến cô cảm thấy ngột ngạt, bức bối vô cùng. Đã đến lúc cô cần phản kháng. Tủi thân, An bật khóc. Đôi vai bần bật rung lên. Ngày còn theo đuổi cô, Tưởng đâu có thế. Bố đã từng vun vén cho hai đứa nên duyên vì lần nào về quê Tưởng cũng xắn tay áo lao vào làm. Trai thành phố nhưng Tưởng khá thạo việc. Làm gì cũng nhanh nhẹn, được việc lại mau mắn, lễ phép, một gửi hai thưa. An bỗng nín bặt khi hai đứa trẻ lao ra ban công, ôm chầm lấy mẹ chỉ trỏ:
- Mẹ, hướng đằng kia có phải là đường về nhà ông ngoại không?
Gặng hỏi mãi ông Thược mới gật đầu:
- Vợ nó nói là đúng đấy. Thằng Linh ra trại tưởng đã xong ai ngờ tái nghiện. Cờ bạc thua đậm. Nó lần vào nhà người ta để cuỗm đồ. Giờ thì công an đang tạm giữ. Chắc tại kiếp trước phạm lỗi gì nên nó mới bị đày đọa như vậy. Rõ khổ…
Gương mặt khắc khổ của ông như hằn thêm nếp nhăn. Người ta bảo chị em An không giống nhau, mỗi người một vẻ mặt, tính cách lại trái ngược hoàn toàn. An có tính nhu mì, chất phác thì Linh lại ngỗ ngược, ngạo đời. Mà chẳng hiểu từ đâu Linh lại có tính cách ấy. Chứ bố mẹ cô cũng là người nổi tiếng dạy dỗ con cái nghiêm khắc, trong xóm ngoài làng ai cũng trọng nể. Từ thuở bé An đã học giỏi và được bố mẹ cưng chiều yêu quý. Những lần An bị thằng em bắt nạt bao giờ Linh cũng phải nhận từ ông Thược những trận đòn roi. Nhưng cũng nhiều lần Linh dám cãi lời, vặc lại ông Thược chỉ vì ông có phần đối đãi thiên vị An hơn. Những chuyện buồn về Linh, ông thường hay giấu. Mỗi lần An gọi điện hỏi han Linh trả lời qua quýt. Chị yên tâm, em ổn. Chị cứ lo cho gia đình hạnh phúc để bố còn tự hào, hãnh diện với người thân là được. Chẳng mấy khi An về quê mà hai chị em gặp nhau. Trừ ngày giỗ của hai mẹ. Những lần An gọi điện thường hay gặp Thoan hơn. An khéo léo hỏi han nhờ cô ta quan tâm đến cậu em trai mình. Ngày xưa biết Linh là dân cờ bạc, bán số đề có đồng ra đồng vào, cô ta lao vào như con thiêu thân. Chị chị em em với An ngọt xớt. Còn giờ thấy chồng sa sút vì nghiện ngập, Thoan cũng chẳng cần khách sáo, nói năng chỏng lỏn, cá mè một lứa cả. An thấy vừa giận vừa thương xót em mình.
- Vậy bố tính sao? Chuyện của cậu Linh ấy?
- Còn tính sao nữa? Cứ để nó ở trong đó cho thấm thía mà sống tốt hơn. Cứu được nó lần này, lần sau lại tái phạm thì sao? Thiên hạ người ta nhìn vào chẳng cười cho mình chiều nó để nó hư hỏng hết thuốc chữa à?
- Con nghĩ, bố là thương binh. Nếu bố lo chuyện này, nhất định người ta sẽ vị nể bố mà giảm hình phạt cho em con.
Ông Thược lắc đầu, giận dữ. Cánh tay cụt đến tận khuỷu bần bật rung lên:
- Người bố nào mà không xót con. Tao không phải hy sinh xương máu của mình để bao che cho thằng phạm tội kia. Làm thế để tao có tội với đồng đội à?
An khẽ thở dài. Cô biết bố vốn là người nghiêm khắc, không dễ gì chịu hạ mình xin xỏ nói khó với người ta. Nhưng Linh thì sao? Đã vào trại tội ít tội nhiều cũng đã là mang tiếng để đời rồi. Sau này còn ngẩng mặt lên nhìn ai. Sống mà phải cúi mình thế thì khổ lắm. Người đời thường hay ác miệng. Rồi con nó lớn lên cũng tủi hổ vì miệng lưỡi thế gian thôi. Nói ngay như Thoan, khi hay tin cô ta đã chẳng ráo hoảnh:
- Chị khỏi phải lo. Người ấy dám làm dám chịu. Chứ em biết đâu được. Nói mãi rồi vẫn cờ bạc đỏ đen. Thua mãi rồi mới làm liều. Giờ thì trắng mắt ra còn gì?
- Mợ nói vậy mà nghe được à? Trước đây biết nó thế mà mợ vẫn chễm chệ ngồi trên xe nó cả ngày lẫn đêm vi vu hết ngõ này đến phố nọ còn gì? Thành vợ nên chồng rồi thì bảo ban nhau làm ăn chân chính có phải là không có cảnh hôm nay không?
Tức mình An xả một thôi một hồi. Xong rồi cô lại tự trách bản thân mình. Nếu không có cô thì Linh đâu có giận bố chuyển ra ở riêng. Ông Thược chăm chút lo lắng cho An ngay cả khi cô đã có gia đình, nhất là từ khi bà Thắm mất. Có lần Linh bực bội khi thấy ông Thược hì hục nuôi lợn, gà rồi lại bán tống bán tháo đưa cho vợ chồng An khi biết tin cô mua đất xây nhà. Dạo ấy Linh cũng đang cần một khoản tiền để mua xe, hỏi thì ông khất lần hứa bảo đợi lứa sau.
- Nhà này cứ như chị An là con một đấy nhỉ. Không biết bà trước đẹp gái đến cỡ nào mà con gái của bà ông ấy quý như vàng. Có gì cũng dốc sạch. Con trai có cũng bằng thừa. Chán thật là chán.
Nói là “bà trước” chẳng là ngày xuất ngũ ông Thược có bồng theo An về làng. Mọi người gặng hỏi về mẹ cô thì ông bảo bà đã bị chết đuối trong một lần ra sông giặt giũ. Từ đấy ông một mình chăm bẵm, săn sóc cô. Đến khi bà Thắm, người mẹ sau này, một cô nuôi dạy trẻ vẫn thường đi qua ngõ thương cảnh gà trống nuôi con tiện đường hằng ngày đã đưa đón An đến lớp. Yêu thương quan tâm cô chẳng khác nào con đẻ. Ông Thược thấy cảm động và đón bà Thắm về làm mẹ cho An. Năm sau gia đình có thêm Linh. Còn chuyện về mẹ đẻ An thì vẫn là một ẩn số. An cố gặng hỏi về quê ngoại. Ông chỉ bảo, đó là một vùng quê hẻo lánh và lắm hủ tục. Sẽ có lần ông đưa An về thăm. Thăm cả mộ mẹ.
- Mùi thuốc lào nồng nặc quá nhỉ. Trời nóng nực thế này ông hút thì ra ban công cho khói nó mau tan ông ngoại ạ. Cứ thế này sao chịu nổi.
Tưởng xách cái cặp về đến nhà khó chịu trong người quẳng cái tạch lên mặt bàn. Anh ta cởi bỏ cái cà vạt xong thì ngồi thản nhiên vắt chân chữ ngũ. Chẳng hiểu sao ngày chủ nhật mà Tưởng cũng bận thế. Mấy tuần nay nói có hợp đồng mới ký kết nên chủ nhật nào cũng xách cặp đi cả. An nghe nói thì biết vậy, cô chẳng muốn đôi co làm gì. Nhưng An tái lòng khi nghe chồng nói với bố vợ những lời cằn nhằn thế. Cô đành dịu giọng cho bố khỏi nghĩ ngợi:
- Những lúc hút thuốc, bố mở rộng cái cửa sổ ra vườn sau như thế này, cho nó thoáng khí ạ.
Ông Thược chưa kịp nói gì thì hai anh em thằng Thuật, con Loan đi học về chạy sà đến ngay bên ông hít hà:
- Cái điếu thuốc cày này ông làm lâu chưa ạ? Khói thuốc lào của ông thơm quá!
- Thơm ấy à? Cái điếu này có từ lâu rồi. Từ hồi cháu còn chưa có mặt trên đời này cơ.
- A, cháu biết rồi. Từ hồi ông đi đánh giặc chứ gì?
- Tối nay, ông lại kể tiếp chuyện ông Thà nhé. Ông ấy dũng cảm ông nhỉ. Đồng đội thân quý của ông, lại còn chắn bom cho ông nữa chứ. Sau đó thì làm sao hở ông? Ông có bị làm sao không ạ?
- Ông bị làm sao thì đã chẳng ngồi trước mặt mày rồi. Chắc là vụ ấy ông chỉ bị thương thôi nhỉ. Vết thương ở đây phải không ông?
Thằng Thuật rờ rờ vào hai cái chân gỗ của ông, chờ đợi câu trả lời.
- Thế nào thì tối ông kể sau nhé! - ông Thược nhìn hai đứa cháu nhẹ nhàng.
Thằng Thuật gõ vào đầu, cảnh cáo em:
- Tối ông kể mà cái Loan còn ngủ gật là lần sau ông không kể nữa đâu. Nhớ chưa!
Ba ông cháu rộn ràng đưa nhau lên gác. Cái Loan cầm túi thuốc lào, thằng Thuật vác theo cái điếu cày hành quân. Một, hai, một hai…
Sau đoạn đường dài mỏi mệt của chặng hành trình về thăm cội nguồn, nghĩa trang Trường Sơn đã hiển hiện ngay trước mặt An. Mênh mang những khói hương nghi ngút. Nườm nượp các đoàn người đến đây thắp hương tri ân các anh hùng trong dịp này. Ông Thược dẫn con gái đến trước một ngôi mộ có bia đá ghi tên: Liệt sĩ Nguyễn Văn Thà. An bỗng thót người khi bắt gặp nụ cười thân quen như là cô đã gặp ở đâu rồi. Cả đôi mắt nữa. An linh cảm một điều gì đó thiêng liêng, rất lạ. Ông Thược bảo An quỳ xuống, chắp tay rì rầm:
- Anh Thà ơi, hôm nay tôi đưa con gái đến đây để nhận cha. Đúng như lời tôi đã hứa trước lúc anh ra đi. Tôi đã nuôi nó khôn lớn, trưởng thành. Thế là tôi đã mãn nguyện. Chắc rằng anh cũng ngậm cười…
Thì ra mẹ An có chửa trước ngày ông Thà lên đường nhập ngũ. Khi sinh cô ra bà chịu biết bao điều tiếng vì là gái chửa hoang, bị gia đình từ mặt. Ông Thà trước khi hy sinh đã cậy nhờ ông Thược nhận đón cô về nuôi. Trong lần bị địch ném bom phục kích, ông Thà đã lao lên che chắn cho người em, người đồng đội yêu quý của mình. Ông Thược thì bị mất hai chân và cụt một cánh tay trong khi ông Thà phải nằm lại vĩnh viễn nơi này.
- Bố! Vậy là con có hai người bố và hai người mẹ đều rất đáng tự hào phải không ạ?
Ông Thược gật đầu:
- Chính vì bố muốn cho con lớn lên trong một mái ấm gia đình đầy đủ nên đã giấu con điều này.
An lặng người. Ông Thược đã thay bố mẹ cô nuôi cô lớn không khác nào con gái ruột. Cô thắp nén hương sụt sùi khấn vái trong niềm xúc động:
- Bố ơi, bố có linh thiêng xin phù hộ cho em Linh thoát khỏi nghiệp chướng này. Cho em ấy quay về con đường làm người thiện lương ạ. Con còn nợ em ấy nhiều quá.
An ngả đầu vào vai ông Thược thổn thức.
Truyện ngắn của VŨ THỊ THANH HÒA