Lối đi ở nơi vắng yêu thương

14/07/2023 10:17

Không may chịu cảnh cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình, nhiều phụ nữ đã vì con nhẫn nhịn chọn cách cứu vãn hôn nhân và cũng có những người quyết tâm ly hôn.


Sau khi ly hôn, chị H.T.A.T. sống với con gái rất vui vẻ, thoải mái (ảnh nhân vật cung cấp) 

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người phụ nữ phải gồng lên nhận mọi trách nhiệm trong gia đình khi ở chung với những người chồng vô tâm, thậm chí vô tình.

Thiếu hơi ấm

Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2023, bổ sung nhiều điểm mới so với luật cũ. Một trong những hành vi bạo lực gia đình mới được bổ sung là bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em. Việc luật hóa những điều trên đã đáp ứng mong mỏi của nhiều nạn nhân từng bị bỏ bê trong chính gia đình mình, bởi nỗi đau tinh thần còn nghiêm trọng hơn nỗi đau thể xác. Một trong số đó là chị H.T.A.T. (37 tuổi ở phường Thanh Bình, TP Hải Dương).

Chị T. và chồng quen nhau khi sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2008, chị T. và chồng kết hôn, sau đó ở chung với bố mẹ chồng tại TP Đà Nẵng. Năm 2009, chị sinh một bé gái. Chồng chị T. là lái xe nên ít có thời gian bên gia đình. Năm 2010, chị T. bị ung thư cổ tử cung. Chồng chăm sóc chị được vài ngày ở một bệnh viện tại Hà Nội, sau đó về Đà Nẵng. Nhiều tháng trời chị một mình chữa bệnh, chồng không quan tâm hỏi han gì. Chữa khỏi bệnh, chị tiếp tục về TP Đà Nẵng sống với gia đình chồng. Chị không thể sinh thêm con nên năm 2013, chồng đề nghị chị tự thu xếp cuộc sống của hai mẹ con để anh ta lấy vợ khác, không để gia đình "tuyệt tự". Lúc này, chồng chị đã có quan hệ “ngoài luồng” được hơn nửa năm, không quan tâm đến vợ con. Muốn con cái lớn lên có đủ bố mẹ, chị đã nhiều lần khuyên nhủ chồng nhưng không có kết quả.

Chị Đ.T.T.T. (32 tuổi ở phường Bình Hàn, TP Hải Dương) cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình. Vợ chồng chị kết hôn năm 2017, ở chung với bố mẹ chị. Cuối năm đó chị sinh một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Chị T. là giáo viên tiếng Anh, chồng chị làm thợ cắt tóc. Dù ai cũng có thu nhập riêng, nhưng chồng chị T. không đóng góp bất cứ chi phí nào cho gia đình. Ngay cả đến việc nhà, chồng chị T. cũng không nhúng tay, đi làm về chỉ cắm cúi vào điện thoại. Cuối năm 2021, một trong những tình nhân của chồng chị T. nhắn cho chị biết về mối quan hệ trăng hoa của chồng. Giọt nước tràn ly, chị T. quyết định dừng cuộc hôn nhân này.  

Tự tìm hạnh phúc

Đứng trước tình trạng bạo lực tinh thần bằng cách bỏ bê, không quan tâm chăm sóc, nhiều phụ nữ đã vì con nhẫn nhịn chọn cách cứu vãn hôn nhân và cũng có nhiều người quyết tâm ly hôn. Chị H.T.A.T. quay trở về quê Hải Dương, bắt đầu lại từ “con số không”. Trải qua nhiều nghề như tiếp thị, kinh doanh trực tuyến, chị đang cùng bạn làm nghề cho thuê xe ô tô. Từ khi ly hôn đến nay gần 10 năm, chồng cũ và bố mẹ chồng cũ hiếm khi liên lạc, hỏi thăm sức khỏe mẹ con chị. Chồng chị cũng không chu cấp cho con.

Còn chị Đ.T.T.T. thì để nhanh chóng thoát khỏi cuộc hôn nhân với người chồng vô tình vô nghĩa, chị đã bỏ quyền lợi về tài sản và chu cấp cho con, trở thành mẹ đơn thân. Đến nay, sau nhiều nỗ lực, chị đã trở thành chủ một trung tâm dạy ngoại ngữ tại TP Hải Dương, thu hút hàng trăm học sinh theo học. 

Chị Nguyễn Phương Lan, chuyên viên Phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phụ trách công tác gia đình cho biết những nội dung mới của Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 đang được triển khai, tuyên truyền thông qua các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và các đường dây nóng. Tuy nhiên, số vụ bạo lực gia đình được phát hiện đến nay còn thấp. Nguyên nhân do nhiều người ngại nói ra những vấn đề trong gia đình mình, nhất là các trường hợp bị bạo lực về tinh thần.

Theo thạc sĩ Nguyễn Kiều Liên, giảng viên tâm lý học thuộc Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, khi hôn nhân có dấu hiệu rạn nứt mà nguyên nhân từ sự bỏ bê, không quan tâm đến các thành viên còn lại của người vợ hay người chồng, trước hết mỗi người tự xem xét lại bản thân và người bạn đời của mình, lập ra những giới hạn, quy tắc, học cách chia sẻ, thông cảm lẫn nhau, cùng cố gắng để xây dựng mái ấm hạnh phúc. Muốn như vậy, không có cách nào khác ngoài việc cả vợ lẫn chồng đều phải có kiến thức, sự bao dung và nỗ lực vun đắp, giữ gìn. Mỗi người cần có bản lĩnh làm chủ cuộc sống, nâng cao giá trị bản thân, sống tích cực, lạc quan và biết cách tự giải thoát nếu cuộc hôn nhân không thể cứu vãn.

BÌNH AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lối đi ở nơi vắng yêu thương