Lối cũ

25/10/2015 10:25




Lão Ngạc chuyển nhà lên phố thị. Việc cách tân cuộc đời vào cái tuổi đã ngoại lục tuần một cách đường đột, cộng với tấm biển đề “Bán nhà” chữ to sù sụ kẻ bằng sơn đỏ chót khoác trên cành cây nhãn đầu ngõ cùng với lời tuyên vào cái phút áp chót cuộc di dời: “Lên phố chứ ở gì cái xó này”, khiến không ít người của làng Thượng vừa sững sờ, vừa giận, giận đến sôi máu, đến điên người. “Thì ra trong đầu lão ta chưa bao giờ coi cái làng này ra cái gì. Đất làng này nuôi lão. Ứ hự tiền vào tay lão. Vợ con lão ăn trắng mặc trơn, đỏ da thắm thịt ra đấy đều là từ đất này. Cứ tưởng lão sẽ ăn đời ở kiếp với đất này, với dân làng này, ai ngờ thoắt đấy...Thật là, con người tốt xấu chỉ đến lúc hai tay chúp mu mới biết nhau thế nào?”. Giận chán người ta lại ngậm ngùi: "Nhà ấy, vườn đất ấy, sức vóc ấy cứ đánh đàn cũng có cái bỏ vào mồm, mệt thì mắc võng mà thảnh thơi, phải cái tội chết hay sao mà đến cái tuổi ấy rồi còn đi tìm tiền, mà còn muốn đến đâu nữa? Để làm gì kia chứ?...”

Lão Ngạc lên phố thị chỉ sau vài tuần cầm xấp tiền bán sào ruộng ngoài cánh đồng Giộc Nhà nước đền bù mở con đường liên tỉnh. Mấy ngày trước, cả nhà lão cứ bấn cả lên, chả ai làm ăn gì, chả ai chịu ai. Con trai, con gái đòi vốn mở cửa hàng, mụ vợ nằng nặc đòi mua một miếng đất mặt đường để chờ giá lên kiếm lời, lão đơn thương độc mã với cái ý nghĩ báo đền, một là tôn tạo hai ngôi mộ của bố mẹ cho trội hẳn với xung quanh, trội hơn cả mộ cụ tổ ở quê, cho bõ bèn những tháng ngày lận đận nơi đất khách quê người, hai là phải làm cho tiền chửa, tiền đẻ ra tiền.

Gốc gác đời ông tam đại nhà lão thế nào thì còn phải bàn, chứ từ  đời cha lão thì lão thấu hiểu, đến cái phút thở hắt ra mà miệng vẫn phù phù kiểu giục trâu, thi thoảng lại mở choàng cặp mắt những sương khói lơ láo như vừa mất cái gì, rồi lẩm nhẩm, ghé miệng sát tai gặng mãi mới câu được câu chăng: “Vừa mơ cú giật mũi trâu, dây thừng đứt phựt, nắm tay tự đấm vào ngực mình đến bộp, đau điếng”. Mấy lần choàng mắt, một chuỗi phù phù, lẩm nhẩm mới chịu ra đi!

Đời lão hơn hẳn đời cha bởi ngoài việc cày, lão còn nổi tiếng hàng xã về tài hoạn lợn. Nghề này ông bố lão chỉ biết sơ sơ, đến đời lão mới ngoài hai mươi đã nổi danh, mỗi con lợn lão chỉ đưa đúng một đường dao cong cong hình trăng non bằng cái lá tre còi, mỏng như lá lúa, với nửa vòng quay của ngón tay trỏ đã đưa ra trước mắt chủ nhà vật chứng con nái không còn phải bận về đường sinh nở, từ nay ăn bao nhiêu béo bấy nhiêu. Những ngày mùa màng bận rộn lão thường tranh thủ nghề tay trái vào sáng sớm hoặc tối mịt với ngọn đèn dầu bằng hạt lựu mà vẫn không chệch một ly.

Đất cày sang trang, người ta thay con trâu bằng chiếc máy cày đỏ chon chót. Cánh thợ cày hết nghề bèn chẻ ra các ngả, khỏe thì đi xách vôi vữa, đào ao lập vườn, ra phố chạy xe ôm, có kinh nghiệm thì nuôi gà vịt, chậm chạp thì cam tâm tình nguyện ở nhà bế cháu, phơi thóc, đuổi gà cho vợ đi làm Ô-sin, đi mua phế liệu. Lão quay về xới đất, gánh nước ươm con rau giống trên mảnh vườn cạnh nhà. Gặp thời người ta ăn rau thay gạo cho đỡ phì thân, thừa mỡ, tiểu đường, thế là lão trúng, trúng hàng chục triệu đồng mỗi vụ.

Chết nỗi trong con người lão có tí chút tinh anh nào đều biển lận vào cơ bắp, dồn xuống đôi bàn tay, đường ăn nói, lo toan bạt cả sang người vợ, vì thế cả đời lão chỉ biết có làm. Trong xóm ngoài làng nếu có việc dù gian khó đến mấy mà nhờ, lão cũng giúp, nhưng bảo lão diễn giải bằng lời dù việc có bằng củ lạc, hạt vừng lão chỉ hề hề cười rồi tính đường lảng. Thế mà lần này đứng trước đống tiền, đầu óc lão bỗng sáng ra, tinh thông hẳn lên. Lão lẳng lặng dành đứt một buổi ra đồng, trèo lên tận đỉnh cái đống Táo là cái đống cao nhất, xa nhất làng để tránh những con mắt dòm ngó, những lời gièm pha, để được toàn tâm, toàn ý mà suy tính trước sau về cái khoản tiền đền bù hai sào ruộng ngoài đồng Giộc. Trước lúc đi lão không quên thủ vào túi một dúm tăm tre để định đoạt cho đứt mạch từng khoản mục.

Cái buổi sáng lão trèo lên đống Táo là cuối tháng ba, gió nam mơn man thổi, lúa đang kỳ trổ bông, hàng vạn bông lúa mới thoát đòng, mềm như bông lau, đều tăm tắp, hạt nào hạt ấy ngậm phấn trắng xóa, rung rinh trong gió, lặng lẽ tỏa hương dịu ngọt. Chưa bao giờ lão thấy cánh đồng lúa đang kỳ trổ bông lại thơm và nõn nà đến thế. Ngắm sướng con mắt, lão mới lấy hơi, phồng mồm thổi một đám đất bằng phẳng, màu nâu bạc như mặt phiến đá ong và ngồi phệt xuống đó, rồi mới thong thả rút nắm tăm tre bày ra đất và bắt đầu tính.

Trước tiên lão gạt hẳn ra cái số mấy chục triệu đồng lẻ để tôn tạo phần mộ bố mẹ như đã định, lại gạt tiếp trong số bạc tỷ cho hai đứa con mỗi đứa đúng bằng số tiền xây mồ mả để chúng làm ăn. Chẳng phải lão rộng rãi tung tiền cho bọn trẻ, mà vì nghe chúng trình bày cái kế hoạch làm ăn ngoài phố, khiến lão như bị gió cuốn theo: Con gái mở cửa hàng bán quần áo bò, con trai mở cửa hàng điện tử. Toàn những đam mê thời thượng! Lão phục cái phép tính của lũ trẻ, lao động mà không mất mồ hôi, bỏ ra một vốn, thu những bốn lời. Đúng là tuổi trẻ, chúng nghĩ cũng nhanh mà quyết cũng nhanh. Lão phải tạo thế cho chúng nó đổi đời.

Còn lão, hiện tại nghe trong người thấy vẫn còn dư sức, tay chân lại quen làm, lên phố công việc không vất vả, lão làm tốt, lại nhanh giàu, bởi lão đã nghe người ta kể, ở trên phố làm gì cũng ra tiền. Với khả năng của lão, mỗi ngày chỉ cần làm một cuốc xe đạp vòng quanh vài ba con phố, thể nào cũng gom được một lô đồ phế liệu mang đi cân cho đại lý, thế là có tiền đút túi, còn hơn chán vạn cái nghề lật đất, bới cỏ kiếm thóc! Ô! Thế thì số tiền còn lại lão sẽ mua được một căn nhà tầm tầm trên phố để ở, để bố con lão tiện đường làm ăn. Đúng rồi, người ta chả bảo: “Nhà gác ở quê không bằng ngồi lê hè phố!”, có tiền phải lên phố mới xứng. Cái dinh cơ ở làng quê, lão sẽ sang tay để vào cuốn sổ tiết kiệm, vợ chồng lão độ thân.

Thế là bài tính đã xong! Cả nhà lão sẽ lên phố! Nghĩ đến đấy trong lòng lão rộn ràng niềm vui, đến ruột gan cũng nở từng khúc. Lão đứng dậy lấy bàn chân gạt phăng đám tăm tre vào đám cỏ rồi phủi đít tuột khỏi cái đống và cun cút đi một mạch về nhà cùng cái quyết định lên phố đầy hứng khởi.

Cơm tối no nê, lão phổ biến với vợ con cái kế hoạch lên phố. Hai đứa con lão nhảy dựng vì thỏa nguyện, vợ lão cứ dán mắt vào cái ti vi, giấu biệt cáí háo hức lên phố trong đầu. Mụ thích lên phố từ lâu rồi. Là mụ có cô em họ ngoài thành phố thường xuyên tỉ tê: Ở thành phố muốn ăn gì cũng có, bưng đến tận mồm, muốn mặc gì, tha hồ chọn... Mà mụ từ khi lấy được lão đã sinh tính thích ăn ngon, mặc đẹp. Bây giờ lại được trời cho của, mụ lên phố thị là phải, là trời sắp đặt cho mụ được thoát cái cảnh phân gio hôi hám, rơm rạ ngứa ngáy, nắng nôi rát mặt, bỏng đùi, mụ thề trước khi bước chân ra đi, mụ sẽ trả bằng sạch cho cái làng này những vườn đất, ao chuôm cùng rơm rạ, cua, ốc.

Nhà cửa ổn định, lão Ngạc bắt đầu công việc ở phố thị bằng nghề mua phế liệu như lão đã tính. Lão ra khỏi nhà từ lúc những tia nắng còn nhạt vàng cùng những làn gió sớm mát rượi tông tông vào mặt, vào người, đường sá lại thưa vắng, hứng chí lão rướn mông lấy đà tăng tốc, hít đầy lồng ngực những làn gió trong lành giữa phố xá toàn những bê tông, nhựa đường.

Mặt trời càng lên cao người càng đông và khói bụi càng dày khiến trong đầu lão luôn vướng bận với những câu hỏi: Người ở đâu, đi những đâu mà túa ra đông thế? Vội vàng thế? Và lão có cảm tưởng những người đi đường rất thích chen lấn nhau, xô đẩy nhau, trèo lên nhau mà đi, người nào người ấy lưng vã mồ hôi, mắt đăm đăm, mặt đông lạnh đầy toan tính.

Lão bỏ con đường lớn ngoặt vào con phố nhỏ cho êm ả, lại gặp nhan nhản người đi mua phế liệu, loa điện gài trên đầu xe máy Trung Quốc liên tục phóng ra loại âm thanh oang oang, rè rè chói gắt:

 “Ti vi, máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa hỏng b...án đâ...y”.

Loa điện vừa im lại chòi ra cái giọng eo ẻo của đàn bà như người say nắng, như người thiếu ăn:

 “Giấy v...ụn, rổ rá nh...ựa, đồng nát b...án khô...ô...ng? "

Hóa ra các nơi có rất nhiều người bán ruộng như lão, rất nhiều người thích lên phố như lão. Hẳn là đằng thì xây phố phường, đằng thì làm nhà máy, làm chợ, làm đường... tất cả những người bán ruộng và không muốn làm ruộng đều bò lên phố, rều rễu trên phố. Họ lùng sục, lăn xả vào những nơi khả nghi có vỏ hộp, vỏ bia, ti vi, tủ lạnh, két đựng tiền. Cái giọng xin xỉn, thô kệch lại ở vào thời kỳ răng môi long lở của lão chìm nghỉm trong mớ âm thanh của đám người sành sỏi ấy. Mãi đến cuối buổi sáng lão mới gặp được một cửa hàng xếp cả đống vỏ hộp trước nhà. Lão cẩn thận dựng cái xe đạp cho ngay ngắn vào gốc cây trứng cá, vuốt lại sống áo cho phẳng phiu rồi mới thong thả đưa đôi dép lê lên bậc tam cấp. Nhưng chân lão vừa đặt vào bậc cửa, đã có đứa bằng tuổi con gái lão mông to, ngực nở, vai vác một chồng tướng những bìa là bìa. Mặt nó đỏ phừng phừng, đi ào ào chẳng thèm nhìn ai. Những cái bìa cát tông chém vào mang tai lão, gạt lão chao đi nửa vòng, chỉ tẹo nữa thì xoạc một bên má. Ném đống bìa xuống đất cái phạch, chân nghiêm chân nghỉ, đứa con gái tựa vai vào gốc cây, kéo thốc vạt áo lên quạt và thở, từ đùi đến ngực nó cong vồng ra phập phồng, nó lau mồ hôi và nói với lão bằng cái giọng ỡm ờ:

- Chắc ông anh cũng đi mua phế liệu? Xin lỗi ông anh nhớ, người như ông anh làm cái nghề này không hợp đâu, tốt nhất hãy đi theo em để em chăn dắt một thời gian thì mới nên người được.

Rồi nó cười hơ hớ, cái bụng nó nẩy lên nẩy xuống theo đà cười, lão lẳng lặng quay đầu xe, trong lòng vừa ngượng vừa buồn.

Đi tiếp, lão gặp một nhà hàng bán buôn choáng ngợp những hàng, người, xe ra vào tấp nập, cửa kính sáng choang. Lão thong thả dựng xe, đứng vuốt lại sống áo cho đĩnh đạc rồi mới bước lên cửa. Tay chủ nhà đứng chắn lối nhìn chăm chăm vào hai bàn chân có những ngón to xù thò ra ngoài mõm dép tổ ong, rồi lại nhìn vào cặp mắt ngơ ngác của lão cười khinh khích như nhìn một con mèo lạc bị nước mưa và lắc đầu vẻ ngán ngẩm:

- Thời buổi nhà nhà bán hàng, người người ra đường, nhìn thì đông thế nhưng chủ yếu là xem chứ có mua đâu! Không bán được hàng thì lấy đâu ra phế liệu mà bán cho ông anh đây.

Hắn lại soi toàn thân lão lần nữa, bỗng hắn vỗ vỗ vào vai lão vẻ thân tình:

- Hôm khác ông anh quay lại đây nhé!

Hôm ấy lão về tay không, mụ vợ lão vừa nhìn thấy cái bộ mặt phờ phạc  của lão liền cười hì hị bảo:

- Cái ngữ ông chỉ hợp với cái cày, con trâu, chứ lên phố đã chắc gì mà sống được.

Lão nghe mà nhức hai lỗ tai, chân tay rã rời chẳng còn nghĩ đến chuyện cơm cháo nữa, mặc dù từ sáng đến giờ lão chưa có cái gì bỏ vào bụng.

Thời gian dài, lão vẫn kiên trì theo đuổi cái nghề thu mua phế liệu. Hôm nào lão thất thểu về nhà với cái xe đạp trống không, là hôm ấy thế nào mụ vợ lão cũng gân cổ lên tru tréo:

- Ới giời ơi, sao tôi lại u mê đi tin ông mà kéo nhau lên đây để rồi chết khô cả lũ ở đây hả giời...

Lão nghe mà muốn nổ hai lỗ tai, lão chỉ còn biết ngồi gặm móng tay hy vọng vào ngày mai... Lão nuôi cái chí, gặp được vận may, nhất định lão sẽ cho mụ vợ lão biết mặt.

Nhưng chuyện lão với cái xe đạp trống không về nhà, chuyện mụ vợ lão gào rú lặp lại nhiều lần làm lão đâm ra lúng túng trước cuộc đời, mất hẳn cái tính tự tin như khi ở quê lão cầm con dao hình trăng non. Lão lo cứ cái đà này chả mấy vợ chồng lão sẽ phải ăn vào cái số tiền xây mồ mả của bố mẹ mà lão chưa có thời gian hoàn thành tâm nguyện.

Chờ đợi mãi lão cũng gặp được vận may. Đó là cái buổi trưa lóa nắng, lão mới mua được hai cái vỏ thùng mì ăn liền chằng lẹp xẹp trên giá đèo hàng đằng sau xe, bỗng đâu một cái xe máy từ đằng sau vọt lên, hai cái lồng sắt chở đầy chó phạng vào một bên sườn lão, cả lão và cái xe đạp chao đi rồi ngã tấp xuống lề đường, tối tăm mắt mủi. Thằng chở chó thản nhiên lao đi, chẳng thèm quay lại nhìn lão lấy một cái. May cú ngã nghiêng lại được hai cái vỏ hộp đỡ, lão chỉ bị rách tí đít quần và trầy mất mảng da ở cùi tay và đầu gối. Lão gắng gượng đứng dậy lê cái đầu gối trầy xước cùng chiếc xe đạp vào gốc cây rồi quăng mình xuống đó.

Bình tâm trở lại, trong lòng lão bỗng trào lên cơn tủi hận. Lão hận những con người đi đường vô tình vô nghĩa. Lão hận cả cái làng Thượng có những bờ dậu cúc tần ngấm ngầm để trong lòng cái gốc gác xuất thân của bố con lão không gắn gì với cái đất của làng ấy, bực tức với những con người vô tâm mỗi khi trong xóm, ngoài làng có công nọ, việc kia, thể nào cũng có người lôi cái xuất thân kèm theo cái hòm cắt tóc độc nhất cái tông đơ hoen rỉ của ông bố lão, nhắc đến mức lão nghe đến ứ cả hai tai, đến phát bực cả mình mẩy mà họ cũng không thôi, mặc dù lão biết họ quý mến lão. Họ cũng biết, họ tiện mồm, bí chuyện thì đem chuyện nhà lão ra kể, chứ kể cũng chả để làm gì.

Năm ấy ở quê lũ lớn, cả cái làng miền trong kia bị sóng đánh tơi tả, dân làng phải túa đi mỗi người mỗi ngả để giữ lấy mạng sống. Ông bố lão xách cái hòm cắt tóc đến làng này tuổi đã xấp xỉ ba mươi, người gầy nhom, da xanh mét. Cái hòm đựng đồ là cái hòm gỗ cũ kỹ, trong hòm chỉ có mỗi cái tông đơ với cái kéo hoen rỉ. Hòm đồ chỉ là cái cớ cho ông trụ lại ở cái làng này. Quen chỗ ông vứt luôn cả hòm lẫn kéo đi làm thuê, làm bất cứ việc gì, miễn là sống. Thế mà trời phù, trời se duyên, mới qua vụ lúa ông đã lấy được cô con gái độc nhất của người đàn bà góa, cô nàng chỉ bị mỗi cái tật mắt hơi ngưỡng thiên, nhưng kéo lại được cái nết chăm chỉ hiền lành, nhà lại một mẹ một con ở lảnh ra phía cánh đồng, vườn đất rộng tới hai sào, đất cấy, đất trồng tha hồ lúa, khoai, tha hồ cua cá, muốn ngang muốn dọc thế nào chẳng ai nhòm ngó được, chẳng sợ tiếng tăm chó chui gầm chạn, chuột sa chĩnh gạo mà phiền lòng.

Lão Ngạc ra đời đúng ngày hoàn thành ngôi nhà tường gạch mái ngói đỏ tươi, mắt không ngưỡng thiên như mẹ, má không hóp giống cha, vừa khỏe vừa lành như đất. Những ngày mùa vụ xong xuôi, lão lại phốc lên chiếc xe đạp, đi một vòng sang mấy xã bên, khi về túi đã rủng rỉnh những tiền.

Cái chiều nghĩ của lão mỗi lúc thêm loang ra, chưa hết chuyện này đã vày sang chuyện khác, trong khi những cơn gió ở đâu cứ thông thống quạt vào mặt lão, ve vuốt đôi mí mắt lão làm lão ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ, lão mơ thấy những cánh đồng đang vào vụ cày, lão và con trâu đực mộng, da láng bóng cứ đi phăng phăng. Cái mũi cày loang loáng ăn ngọt vào đất, siết vào mảnh ốc, mảnh hến sàn sạt lật những tảng đất thịt màu nâu thẫm đổ úp thành luống thẳng tắp. Đất lật đến đâu, nước xô xuống rãnh cày đến đó rào rào, nước ngấm vào lỗ dế, lỗ giun, lỗ nhái nghe thật vui tai, vui đến trong mơ lão cũng thấy râm ran cả mang tai. Lão nhìn thấy cả người mẹ lão nhỏ nhắn, da trắng ngần, đôi mắt đen như hạt nhãn nhìn lão mà cứ ngước lên bầu trời, cái quần ống thấp ống cao, quang gánh tất tả trên vai mà miệng vẫn cười rõ tươi và còn đọc thơ rang rang giữa cánh đồng: “Ra đồng gió mát thảnh thơi/ Thương người nằm võng nắng nôi trong nhà!”.

Đang mơ thì lão bị một cái đập tay vào vai, vội choàng mở mắt. Lão ngỡ ngàng sao lại là tay chủ cửa hàng hôm nọ. Thì ra lão đang ngồi dưới gốc cây trước cửa hàng nhà hắn. Sau lần bị gã chở chó gạt ngã, lão trở thành người làm thuê cho tay chủ cửa hàng bán buôn.

Công việc hàng ngày của lão là bốc vác hàng trên xe chuyển vào kho, rồi lại bốc hàng từ kho đưa lên xe, để chở đi các làng xã. Hàng gồm đủ loại: bia, rượu, bánh kẹo, nước mắm, xà phòng, giấy vệ sinh... Hết vác lại chuyên tay, bảnh mắt húp bát bánh đa nấu với vài cục xương lợn là đạp xe đến nơi bốc vác, trưa nghỉ ăn vài bát cơm với canh rau muống nấu với vài lát thịt bèo nhèo. Ngày đầu chưa quen chân tay nhức mỏi, toàn thân đau như dần, đến bữa quay đi quay lại mấy thằng trẻ ranh đưa vài đường đũa, cả rau và mỡ biến mất, chỉ còn lại tí nước trong như nước giếng khoan. Thấy lão không vui chúng cười bảo: “Răng lợi bố lủng củng thế kia thì nhai làm sao được rau với thịt”.

Thế là lão đành chan và húp cho đầy bụng rồi lại bốc, lại vác, lại chuyên dây. Từ sáng sớm đến tối mịt chỉ có chuyên bê và vác hàng ngàn thùng trên tay. Mười giờ đêm có xe về lại bê, lại vác còn giải phóng xe. Hôm nào ít hàng bốc vác thì dọn kho, lau rửa sàn nhà, giặt quần áo cho gia chủ.

Được một thời gian lão cảm thấy rệu rã chân tay, mặt mũi sạm sụa. Đã thế thi thoảng tay chủ lại đến bên lão vỗ vào vai, giọng thân mật:

- Cố gắng lên, làm ở đây mà còn uể oải thì chả ở đâu chịu được nhiệt, hay lại muốn đi buôn phế liệu - Rồi hắn cười hinh hích.

Buổi trưa bọn trẻ đi đưa hàng, lão ngả lưng trên tấm bạt trong nhà xe, hơi nóng hầm hập từ mặt đường thốc vào, từ mái tôn dội xuống, đầu óc lại nôn nao nhớ về cánh đồng, gió ùa từ bốn phía, đưa lên mùi cỏ mật, cỏ gà, mùi đất ngai ngái, hoai hoai. Từ ngoài đồng về đến con ngõ, chỉ cần thêm vài bước chân cắt chéo cái góc sân gạch đỏ hồng, lão đã đặt mông xuống bậc hè tu luôn một bát nước lá vối đầy ắp, mát lạnh, đựng trong cái ấm đất to bằng nửa thùng gánh nước vợ lão đun sẵn từ sáng để trên bậc thềm, mùa đông thì ủ kỹ trong cái thúng khảo, xung quanh nhồi bằng rơm nếp. Đang giá lạnh uống bát nước vối nóng, người ấm sực, vị ngọt thơm từ trong cổ đưa lên, rồi lão đánh ba bốn bát cơm thật đầy với miếng cá kho vần bằng trấu cùng những ngọn rau muống chấm với nước cáy đỏ như son, vị ngọt, bùi ngấm vào tận cơ bắp. No nê, lão lăn kềnh ra cái tràng kỷ đóng toàn bằng cật tre đã chuốt kỹ, chưa kịp đặt lưng lão đã ngáy được ngay, tha hồ mà ngáy, tha hồ trở mình, chẳng phải lo làm phiền người khác, chẳng phải e dè bị người này nguýt, người kia lườm như trong cái nhà ống lươn hơn bốn chục mét vuông ra đụng, vào chạm bây giờ. Những ngày ấy lão ăn không biết no, làm không biết mệt, không bao giờ buồn chán, bắp chân, bắp tay nổi cuồn cuộn. Ở nhà một ngày không ra đồng là nhớ nắng và gió, là thèm, là ngứa ngáy chân tay muốn được sục dưới bùn.

Mấy chục năm đội nắng ngoài đồng chưa bao giờ lão ốm, chưa bao giờ lão gặp cái nóng bỏng rát và oi ả như chỗ lão đang nằm, chưa bao giờ lão phải hứng những khói xăng, hơi nhựa đường, phải chịu trận những loại âm thanh chát chúa, rin rít ghê tai, làm thân thể lão đóng cặn mồ hôi và phả ra mùi khét đắng như bây giờ.

Nghĩ chán lão quay sang giận người trong thiên hạ độc ác, chơi xỏ lão, mỗi người một tí hùn nhau đẩy lão lên phố. Lão lại nguyền rủa cái đứa ác độc ở làng cũ đã dựng nên câu chuyện về mảnh đất của nhà lão ngày xưa có người chết đuối ở tận đẩu tận đâu trôi về nằm ì ở đấy. Rằng đất ấy khi xưa là cái đống, một trăm phần trăm dưới gầm giường lão nằm còn có mấy bộ hài cốt của kẻ chết đường, trôi sông người ta thu về đem ra đấy chôn, có gan như cóc tía cũng không ở được quá ba đời. Họ còn bảo lão có hẳn âm mưu đánh lừa dân làng nên mới đùng đùng dọn đi vội vàng đến thế. Bao nhiêu điều gian dối, quỷ quái cũng từ cái miệng họ mà ra, chính lão nghe cũng còn thấy rợn cả người, kinh hãi cái tổ ấm một thời của lão. Họ bảo vợ chồng lão là đồ dã tâm, định đổ cái hạn ách, xui xẻo cho người khác, làm lão đã có lúc không còn nhận ra mình là ai...?

Nhưng mà càng so đi tính lại, lão càng nhớ về chốn cũ. Lão nhớ từng hòn gạch vuông đỏ au trên cái sân rộng thênh thang, nhớ con ngõ nhỏ mát rượi bàn chân lượn lờ giữa hai bờ giậu cúc tần có những sợi tơ hồng vàng óng đung đưa trên tán lá xanh biếc. Tự dưng lão thấy thèm được hít cái mùi lá cúc tần thơm ngai ngái, thèm được đặt bàn chân trần xuống mặt đất mát rượi, mịn màng bởi những tán lá cúc tần xòe ra làm ô che. Lão thèm được kề cà trò chuyện với những người hàng xóm, những lão thợ cày thô mộc trong cái làng quê ấy, dù đã có lúc họ làm lão bực mình bởi vốn tính họ hay ngồi lê, quanh quẩn với mấy cái chuyện của nhà hàng xóm, chuyện cấy cày tẻ nhạt mà đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa hết chuyện... Lão thèm được hít hà luồng khí mát lạnh, có mùi rễ cây ngai ngái xông lên từ mảnh vườn sau nhà. Lão thèm được thả sức vẫy vùng trên những đám ruộng ngai ngái mùi bùn, những đám ruộng đã cho lão những bát cơm gạo mới ngọt, thơm như cốm nếp non. Lão thèm được ngả lưng trên chiếc tràng kỷ mà ngắm không chán mắt những giàn mướp, giàn bầu đong đưa ngoài cửa sổ hoa vàng rực rỡ, ong bướm chấp chới bay lên, bay xuống vờn nhau, tìm mật.

Bỗng lão ngồi bật dậy!

Thôi chết rồi! Lão đã lầm! Lão vừa luận ra rằng vì sao mà căn nhà của lão mất cả năm trời treo biển đằng đông, lại tiếp một năm xoay sang đằng tây mà chẳng ai thèm nhòm ngó?

Ô hô! Lão nghĩ ra rồi! Nhà lão ở đằng đông nhưng người ta đang tính chuyện xây cây cầu lớn phía đằng tây. Lâu nay lớn bé, già trẻ chả phát rồ với đất mặt đường, nhà mặt phố hay sao? Cứ suy từ dân làng lão, hễ hé thấy ở đâu mở đường mới mà có được tí tiền đã coi cái nhà ngói cây mít oai phong, lẫy lừng giữa làng chả là cái gì, cả mảnh vườn mấy đời đổ mồ hôi, nước mắt bồi đắp mùn trấu, phân gio, cày cuốc đến hồi màu mỡ cũng bỏ hết, ồ ồ kéo nhau ra đường, bỏ lại những cây trái trơ trọi, ủ ê, cho dù ra mặt đường chỉ để nhìn đường, đóng cửa im ỉm cả ngày tránh bụi, tránh ồn.

- Mà không - lão lẩm bẩm - Chửa biết chừng “ông cụ” vẫn đi theo che chở cho mình, nên mới sai mấy thằng nhãi ranh bịa ra cái chuyện: đất nhà mình có người chết trôi sông dạt vào đấy, gầm giường của mình có những mấy bộ hài cốt nằm dưới tầng đất sét, để đến khi mình không còn đủ sức khuân vác, bưng bê mỗi ngày mười hai giờ đồng hồ đến trầy da, hoa mắt trên phố hầm hập hơi nóng, ù tai với động cơ xe cộ, khi không chịu nổi còn có chỗ mà quay về.

Hú vía! Lão chắp tay vái lấy vái để ra con đường ngập nắng. Đột nhiên, lão quay lại vơ lấy cái áo đang vắt trên cái gương xe tải, đập đánh phạch vào cánh cửa nhà xe một cái rồi khoác lên người và vớ lấy cái xe đạp nhảy phốc lên, rồi cứ thế, rất điềm nhiên, lão cắm cúi đi về phía cánh đồng.

VŨ TUYẾT MÂY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lối cũ