Lợi bất cập hại

09/06/2014 08:36

Lực lượng chức năng của TP Hải Dương đã tích cực vào cuộc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán. Song, việc xử lý cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.


Người dân phải đi bộ xuống lòng đường Nguyễn Lương Bằng vì vỉa hè bị nhiều người bán hàng chiếm chỗ


Chia lô vỉa hè


Sáng chủ nhật, tôi đến mua hàng tại cửa hàng tạp hóa Hồng Hạnh trên đường Quang Trung (TP Hải Dương). Hàng hóa chất đầy cửa, lấn cả ra vỉa hè, không có chỗ để xe cho khách hàng. Bên cạnh cửa hàng này là quán trà đá, nhân trần và chè bưởi An Giang với những hàng ghế nhựa được bầy kín vỉa hè. Vì không có chỗ để xe nên nhiều khách hàng đã phải dựng xe ngay dưới lòng đường. Chị Nguyễn Thanh Hồng, chủ cửa hàng giải thích: "Tôi chỉ sử dụng phần diện tích vỉa hè trước cửa nhà tôi chứ không lấn sang nhà khác. Hơn nữa, nhà tôi cũng chỉ bán lúc buổi tối, đến chiều lại dọn ngay. Vỉa hè này có mấy người đi bộ đâu". Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Tác, cán bộ nghỉ hưu ở khu 2, phường Quang Trung lại cho biết: Vỉa hè đường Quang Trung vốn đã hẹp nay lại bị nhiều người chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán. Sáng nào cũng có vài chục chiếc xe máy dựng kín vỉa hè vào mua tạp hóa hoặc ăn sáng. Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ nhưng bây giờ muốn đi bộ, chúng tôi phải xuống lòng đường.

Vỉa hè đường Nguyễn Lương Bằng, đoạn trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng không là ngoại lệ. Từ sáng sớm đến tối muộn, vỉa hè ở đây bị những người kinh doanh, buôn bán, xe ôm chiếm trọn và hoạt động hết công suất. Ban ngày, trên vỉa hè la liệt những quán cơm bình dân, dán điện thoại, bán hoa quả, quần áo. Buổi tối, vỉa hè lại là nơi bán trà đá, nước mía, nước sôi và đồ ăn đêm. Đoạn vỉa hè này còn được phân chia rõ ràng. Bà Nguyễn Thị Vận kinh doanh tại đây cho biết: “Đoạn vỉa hè từ cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến đường Vũ Hựu được chia thành 15 đoạn, mỗi nhà được từ 1-2 m. Phần của người nào, người đó sử dụng”.

Tại sao buôn bán trên vỉa hè luôn được nhiều người lựa chọn? Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư ít, có thể di chuyển nhiều nơi. Quan trọng hơn, người kinh doanh không phải nộp bất cứ loại thuế nào nên lợi nhuận khá cao. Với người mua, vỉa hè lại không tốn nhiều thời gian cho việc gửi xe. Giá hàng hóa bán ở vỉa hè cũng thường rẻ hơn trong cửa hàng. Chị Hoàng Thị Hồng, tiểu thương kinh doanh đồ sơ sinh trên vỉa hè, gần cổng Bệnh viện Phụ sản Hải Dương cho biết: “Trước đây, tôi thuê cửa hàng trên đường Phạm Ngũ Lão. Hơn 1 năm nay kinh doanh khó khăn nên tôi không thuê nữa mà chuyển ra bám vỉa hè. Do không phải bỏ tiền thuê mặt bằng, nhân viên nên mỗi tháng tôi lãi được từ 2-3 triệu đồng". Sử dụng vỉa hè để kinh doanh hiện nay đã giống như một nạn dịch.

Xử phạt không xuể


Việc biến vỉa hè làm nơi kinh doanh là vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến trật tự đô thị. Ông Phạm Công Quân, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương cho biết, thời gian qua, lực lượng quản lý đô thị của thành phố đã phối hợp với các phường mở nhiều đợt ra quân dẹp nạn bán hàng trên các tuyến vỉa hè. Lực lượng cũng đã xử phạt hơn 300 trường hợp, thu giữ nhiều lều bạt, hàng hóa. Tuy nhiên, việc lấn chiếm vỉa hè vẫn cứ tiếp diễn, xử lý không xuể. Có hộ tháng nào cũng bị nhắc nhở hay xử phạt vì kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Nguyên nhân là do lực lượng quản lý trật tự đô thị còn mỏng trong khi số hộ kinh doanh vỉa hè lại đông nên dẹp được chỗ này người dân lại bung ra ở chỗ khác. Một số hộ kinh doanh mặc dù được nhắc nhở, xử phạt nhiều lần nhưng vẫn chây ỳ, cố tình vi phạm.

TP Hải Dương đã xây dựng 7 tuyến phố văn minh. Trên các tuyến phố này, thành phố xây dựng những mô hình vỉa hè thông thoáng dành cho người đi bộ. Nhưng xem ra ngay ở những tuyến phố văn minh, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra phổ biến và việc xử lý vẫn như “ném đá ao bèo”. “Trong thực hiện các tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh, khó khăn nhất hiện nay vẫn là quản lý và sử dụng vỉa hè. Theo quy định, trên các tuyến phố này không được phép lấn chiếm vỉa hè để sử dụng vào mục đích khác ngoài đi bộ. Nhưng thực tế cho thấy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán luôn tồn tại nhiều năm qua và khó xử lý triệt để”, ông Phạm Công Quân, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương nói.

 Để lập lại trật tự đô thị, bên cạnh việc xử phạt hành chính thì lực lượng thanh tra giao thông tỉnh cần tích cực giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, xử lý dứt điểm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh. Chính quyền các phường cần nâng cao trách nhiệm tự quản trên địa bàn, tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân khi buôn bán.

LAN ANH


 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 của Chính phủ quy định: xử phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa; từ 600-800 nghìn đồng đối với hành vi để xe đạp, xe máy ở hè phố trái quy định của pháp luật; phạt từ 100-200 nghìn đồng khi để xe ở lòng đường đô thị, hè phố.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi bất cập hại