Lộc từ cửa biển

08/05/2017 10:40

Khi những cây hoa gạo trên các triền sông trổ bông đỏ rực cũng là lúc những ngư phủ ở xóm chài Trường Giang bắt đầu vào vụ thu hoạch cá mòi...



Những chú cá mòi lúc lỉu theo lưới lên thuyền


Năm nào cũng vậy, mỗi khi những cây hoa gạo trên các triền sông trổ bông đỏ rực cũng là lúc những ngư phủ ở xóm chài Trường Giang, xã Thanh Xuân (Thanh Hà) bắt đầu vào vụ thu hoạch cá mòi - món ngon đến từ cửa biển.

"Cá hồi phương Đông"


- Mấy hôm nay nắng rồi đấy, chú về nhanh nhé! Muộn là hết mùa đấy! Cố gắng đi thật sớm vào!

Nhận được cuộc điện thoại của anh Nguyễn Văn Thị ở xóm chài Trường Giang, tôi vội vã chuẩn bị đồ nghề lên đường theo người dân xóm chài săn cá mòi - loài cá chỉ xuất hiện trong vài tháng ngắn ngủi đầu năm. Mặc dù mới hơn 4 giờ sáng nhưng đứng trên cống sông Hương nhìn xuống, tôi đã thấy hơn chục chiếc thuyền nhỏ trong xóm chài lấp lánh ánh đèn chuẩn bị cho một ngày mới bận rộn.

Cống sông Hương đang mở, nước cuồn cuộn kéo theo từng mảng bèo tây lớn xô thẳng vào những chiếc thuyền máy nhỏ bé đang dập dềnh theo con nước. Trong xóm chài, tiếng thuyền máy nổ giòn tan, tiếng gọi nhau í ới. Trời còn khá lạnh. Một làn sương mỏng tang lan nhẹ trên mặt sông.

Hơn 4 giờ, chiếc thuyền máy nhỏ của vợ chồng anh Thị nổ máy lợi dụng con nước đang xuống chạy xuôi xuống phía Kênh Đồng đoạn gần ngã ba nơi giao giữa sông Văn Úc với sông Lạch Tray (Hải Phòng). "Thủy triều đang rút. Đây cũng là lúc con cá bơi ngược dòng. Chúng tôi phải đi thật sớm vì sau một đêm yên tĩnh, cá thường tập trung thành đàn lớn nổi ngay trên mặt nước nên dễ bắt hơn, số lượng cũng nhiều hơn", vừa điều khiển thuyền khéo léo tránh những đám bèo tây trên sông, anh Thị vừa cho biết về tập tính loài cá này.

"Cứ đến mùa đánh bắt cá mòi là cả xóm chài lại chộn rộn mong chờ. Cả xóm bàn luận xem năm nay cá về nhiều không, có to không, béo không vì mùa cá mòi đã đem đến cho người dân một khoản thu nhập khá mà không phải vất vả nhiều."


Theo anh Thị, loài cá mòi rất lạ. Cả đời chúng sống ở biển, đến tuổi sinh sản, từng đàn cá lớn mới bắt đầu ngược sông vào sâu trong đất liền để đẻ trứng. Sau khi trứng nở, cá con sẽ xuôi theo dòng nước ra biển sinh sống. Chỉ đến mùa sinh sản chúng mới tìm về nơi chúng đã được sinh ra. Vì vậy, người dân chài thường ví cá mòi như cá hồi phương đông - món quà quý thiên nhiên ban tặng cho người dân chài.

Đã thành quy luật, cứ sau Tết Nguyên đán là cá mòi bắt đầu xuất hiện trên các con sông gần cửa biển. Trời càng ấm cá càng vào nhiều. Mùa sinh sản của cá kéo dài đến giữa tháng 4. Nhưng cá ngon nhất, tập trung nhiều nhất trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4 âm lịch. "Cứ đến mùa đánh bắt cá mòi là cả xóm chài lại chộn rộn mong chờ. Cả xóm bàn luận xem năm nay cá về nhiều không, có to không, béo không vì mùa cá mòi đã đem đến cho người dân một khoản thu nhập khá mà không phải vất vả nhiều", anh Thị vui vẻ nói.

Đến đoạn sông gần Trạm cảnh sát đường thủy Kênh Đồng, trời vẫn chưa sáng hẳn, anh Thị cho thuyền chạy chậm lại. Trong tiếng máy nổ nhẹ nhàng, anh Thị sử dụng chèo tay giữ cho thuyền cân bằng theo con nước để vợ anh ở mũi thuyền buông lưới. Tay lưới mỏng manh được chị Tho, vợ anh Thị nhẹ nhàng rải xuống sông. Đầu lưới gắn chặt vào đoạn tre dài trên đó có chiếc phao tự tạo bằng chai nhựa. Trên đầu đoạn tre gắn lá cờ nhỏ màu đỏ dùng báo hiệu ban ngày và một chiếc đèn nhấp nháy dùng để báo hiệu ban đêm. "Lưới này phải đặt riêng để chuyên bắt cá mòi. Lưới đan bằng cước vừa mềm, mỏng, vừa rất bền, chịu được những cú thúc mạnh của cả đàn cá. Mắt lưới phải đủ to để không vướng cỏ rác nhưng cũng không nhỏ quá để vẫn bắt được cá", chị Tho vừa luôn tay thả lưới vừa nói và cũng không quên nhắc chồng chú ý ra hiệu cho những tàu chở hàng chạy qua. Mỗi lần nhìn thấy tàu hàng đang chạy tới, anh Thị lại cầm nón vẫy rối rít báo hiệu có lưới đang thả dưới sông. "Trời chưa sáng thì có đèn nháy ở đầu lưới và đèn pin để báo hiệu. Nếu không ra hiệu như thế, tàu không tránh kịp, chân vịt sẽ cuốn tan lưới. Chỉ cần sơ ý một tí là đi toi mấy triệu bạc chứ chẳng chơi", anh Thị giải thích.



Anh Thị liên tục vẫy nón ra hiệu cho tàu hàng tránh lưới


Nhìn chiếc thuyền xi măng nhỏ bé giữa lòng sông rộng mênh mông, tôi buột miệng hỏi:

- Thuyền nhỏ thế này khi chạy trên sông có nguy hiểm không anh?

- Không đâu chú! - anh Thị trả lời! - Thuyền nhỏ nhưng làm bằng xi măng nên rất đằm. Tàu hàng chạy qua chỉ làm cho thuyền nghiêng ngả một chút rồi lại cân bằng ngay. Thuyền xi măng đỡ tốn kém hơn và bền hơn rất nhiều so với thuyền sắt chú ạ.

Thả lưới xong, anh Thị tắt máy, dùng tay chèo nhẹ cho thuyền trôi theo dòng nước kéo theo tay lưới lững lờ. "Tay lưới này dài khoảng 120 mét, sâu 4 - 5 mét. Lưới phải được thả theo hình chữ U để khi cá dính lưới hoảng sợ chạy dạt sang hai bên vẫn không thể thoát. Người chèo phải giữ tốc độ thuyền chạy ngang với đầu lưới đối diện. Nếu chạy nhanh hay chậm quá, lưới sẽ bị xô lệch, không bắt được cá", anh Thị chia sẻ kinh nghiệm.

Sống nhờ sông nước

Chiếc thuyền máy thong thả trôi theo con nước kéo theo tay lưới mỗi lúc một nặng. "Tôi có hai tay lưới nhưng không thả cùng lúc. Cứ thu tay này thì thả tay khác. Thông thường mỗi tay lưới thả trong khoảng 45 phút thì kéo. Tuy nhiên có những hôm gặp đàn cá lớn, thả chưa đầy 10 phút là phải thu lưới ngay. Nếu thu không kịp, cá nặng quá kéo lưới xuống đáy sông thì tha hồ mà gỡ củi, rác", chị Tho vừa kể vừa nhanh tay thu lưới. Lưới kéo đến đâu những chú cá mòi to bằng ba ngón tay dính vào lưới lúc lỉu hiện ra đến đó. Bọn cá này cũng lạ, dưới nước khỏe bao nhiêu thì lên bờ yếu bấy nhiêu. Chỉ cần lên khỏi mặt nước chưa đầy một phút đã lăn quay ra chết. Do chưa có thời gian nên lưới cùng với cá được chị Tho xếp ngay vào lòng thuyền. Khi tay lưới thứ hai được thả xong, chị Tho mới quay sang gỡ cá.

Theo anh Thị, hôm nay nước lặng, gió nhỏ, bèo lan khắp mặt sông nên việc thả lưới gặp khó khăn, cá dính lưới không nhiều. Gặp hôm nào gió to, sóng lớn, bèo bị đánh dạt vào bờ thì cá mới nổi nhiều, việc đánh bắt dễ dàng hơn. Đặc biệt những hôm trời đang từ gió đông chuyển sang gió heo may, cá nổi đầy mặt sông. Lúc đó, chỉ một tay lưới cũng gỡ cá mỏi tay. "Từ giữa tháng 2 đến giờ, mỗi ngày tôi bắt được trung bình 30 kg. Có những hôm nhiều cá, hai vợ chồng thả lưới từ sáng sớm đến giữa trưa cũng được hơn 1 tạ cá", anh Thị cho biết.



Mỗi ngày vợ chồng anh Thị bắt được trung bình 30 kg cá mòi


- Thu nhập thế nào anh? - tôi hỏi.

- Cá thì nhiều nhưng giá lại rẻ lắm. Hiện giờ mỗi kg cá chỉ bán được 15.000 đồng, lúc đắt thì được 25.000 đồng. Buổi sáng tôi đánh cá mòi. Buổi chiều chuyển sang thả lưới bắt cá canh. Mỗi ngày cố gắng hai vợ chồng cũng kiếm được vài trăm nghìn, đủ lo cho cuộc sống của gia đình.

Đối với người dân xóm chài Trường Giang này, nhiều năm nay nhờ có nguồn lộc biển này mà cuộc sống của họ không đến nỗi khó khăn, vất vả.

Những con cá nhỏ màu trắng, mình dẹt, vảy nhỏ, thịt rắn chắc, bụng đầy trứng là món ăn ngon từ bao đời nay. Cách chế biến cá mòi rất đơn giản. Cá làm sạch, dùng dao khía những đường song song trên thân, tẩm ướp gia vị rồi rán hoặc nướng giòn trên than hoa. Cá chín vàng có mùi thơm, vị ngậy, kích thích vị giác khiến ai một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên. Vì nhu cầu tiêu thụ nhiều nên đánh bắt được bao nhiêu có người mua bấy nhiêu. "Những con cá bắt gần cửa biển ăn nhạt và hôi lắm. Càng vào sâu trong đất liền cá càng ngon ngọt. Có lẽ phù sa sông nước ngấm vào thịt cá cộng với cái mặn mòi của biển cả nên cá mới ngon như vậy", anh Thị nói về loài cá này với giọng như thầm cảm ơn chúng đã mang đến cho người dân xóm chài sự no ấm, đủ đầy.

Đối với những người dân chài trong xóm Trường Giang này, cả đời họ đã theo nghề sông nước, sống được là nhờ cá, tôm mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Nhiều đứa con của họ cũng theo nghiệp cha ông. Mong muốn của họ là năm nào cũng có cá để họ có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Trong xóm chài này, mọi người tuân theo một quy luật bất thành văn. Ai đi trước thả trước, ai đi sau thả sau, không có chuyện tranh nhau thả lưới trên cùng một khúc sông. Khi nào người đi trước thu lưới thì người đi sau mới được thả tiếp. Và như một sự tri ân đến món quà quý của "mẹ biển", mắt lưới cũng được những ngư phủ ở đây làm không quá nhỏ để dành những con cá nhỏ cho mùa đánh bắt năm sau.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lộc từ cửa biển