Loay hoay xử lý nước nuôi thủy sản

02/10/2016 08:09

Nguồn nước nuôi không bảo đảm yêu cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt những năm gần đây.



Việc xử lý nguồn nước nuôi thủy sản hiện còn nhiều bất cập

Hiện nay, việc xử lý nguồn nước là giải pháp hữu hiệu nhất để có thể khắc phục được thực trạng này. Tuy nhiên, khi xử lý nguồn nước, người nuôi vẫn còn lúng túng, bị động, không thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật và nhiều lúc bị phản tác dụng.

Nguồn nước vào ao nuôi thủy sản của các thành viên trong HTX Thủy sản sạch chất lượng cao Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) chủ yếu lấy từ sông Sồi. Sự phát triển của các trang trại chăn nuôi cùng các cơ sở sản xuất, kinh doanh khiến nước sông ngày càng ô nhiễm. Ông Phạm Văn Phục, Giám đốc HTX cho biết: Trước kia, dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng các hộ nuôi cá rất thuận lợi, cá ít bị chết. Vài năm trở lại đây, mỗi lứa có gần 10 tấn cá bị chết, có thời điểm lên tới 20 tấn. Xác định cá chết chủ yếu do chất lượng nước không bảo đảm, nhiều hộ tìm tòi, học hỏi các biện pháp xử lý nguồn nước. Tuy nhiên, việc tìm hiểu chắp vá, không bài bản vô tình lại "tiếp tay" cho mầm bệnh lây lan. Khi cá có dấu hiệu mắc bệnh, có hộ sử dụng phân đạm, phân lân rắc xuống ao nhằm tạo oxy. Đây là cách làm không những không hiệu quả mà còn gây hại thêm bởi không có cơ sở khoa học. Mặt khác, chỉ khi có dịch bệnh, người dân mới lo xử lý nguồn nước chứ không thực hiện ngay từ thời điểm phơi đáy ao giữa 2 vụ cá. Do vậy chỉ có thể giảm thiểu được phần nào lượng cá chết chứ không thể khắc phục triệt để.

Nước nuôi chỉ đạt yêu cầu khi được xử lý trước khi dẫn về ao thả. Tuy nhiên, người nuôi thường lấy nước trực tiếp từ sông, xử lý bằng vi sinh ngay tại ao thả mà không qua ao trung gian.Việc xử lý nước nuôi chỉ có tác dụng khi được thực hiện ở ao cấp, nếu làm ở ao thả sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng của cá do vẫn còn tồn dư của thuốc vi sinh.

Có một thực tế là sau khi thu hoạch cá, lượng nước trong ao lại được thải ra chính nguồn lấy nước nuôi. Việc làm này chẳng khác gì "tự mình, hại mình" vì nguồn nước càng trở nên ô nhiễm. Theo kỹ thuật, cả khi lấy và thải nước nuôi trong ao đều phải qua xử lý nhưng người nuôi thường bỏ qua khâu xả thải. Sử dụng nguồn nước mặt để nuôi cá luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nhiều hộ nuôi cá ở Ninh Giang, Thanh Miện... đã chuyển sang dùng nước ngầm nhưng kinh phí khoan giếng tốn kém và không phải khu vực nào cũng có mạch nước.

Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nguồn nước phục vụ cho nuôi thủy sản trong tỉnh phần lớn được lấy từ sông nội đồng. Vì dòng chảy ít có sự lưu thông nên tình trạng ô nhiễm chỉ được cải thiện vào mùa mưa còn mùa khô thì nguồn nước nuôi rất căng thẳng do thiếu nước sạch. Chất lượng nước là điều kiện hàng đầu để cá có thể sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Vì vậy, nếu xử lý nước nuôi không đúng kỹ thuật sẽ khiến cá dễ bị nhiễm bệnh và dịch bệnh sẽ lây lan nhanh hơn.

Tình trạng cá chết hàng loạt trong những năm qua chính là hậu quả của việc xử lý nước nuôi không theo quy trình. Để giảm thiểu cá chết do nguồn nước, Chi cục Thủy lợi đã cử cán bộ hướng dẫn các hộ nuôi kỹ thuật xử lý nguồn nước, đáy ao theo định kỳ. Tuy nhiên, người nuôi vẫn còn làm theo cảm tính và thói quen nên hiệu quả đạt được chưa cao. Mặt khác, xử lý nguồn nước nuôi chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp quan trọng và lâu dài là bảo vệ môi trường nước cấp.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay xử lý nước nuôi thủy sản