Ít điểm lên xuống, phương tiện cũ đang gây khó khăn cho lực lượng chức năng mỗi khi có tai nạn xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn Hải Dương...
Dù có biển cấm nhưng tình trạng rải vàng mã trên cao tốc vẫn diễn ra
Sau hơn một tháng đưa vào khai thác toàn tuyến, tình hình trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh đã phát sinh một số khó khăn.
Theo Ban Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI), từ khi thông xe toàn tuyến ngày 5-12 đến nay, trên tuyến chưa xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, chết người. Mặc dù lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, đi với tốc độ cao nhưng các lái xe đều chấp hành nghiêm các quy định. Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến rất ít, chủ yếu chỉ xảy ra tại các điểm ra vào cao tốc. Theo Phòng Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, từ khi thông xe đến nay, đơn vị mới phát hiện, xử lý 66 trường hợp vi phạm, chủ yếu là lỗi tốc độ với tổng số tiền phạt trên 146 triệu đồng.
Qua một thời gian tăng cường tuyên truyền, tuần tra, lực lượng chức năng cũng chưa phát hiện thêm phương tiện giao thông bị ném đá trên đường cao tốc. Thiếu tá Vũ Văn Khải, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Hà cho biết: “Ngay khi có thông tin xuất hiện việc ném đá trên cao tốc, chúng tôi đã phối hợp với đơn vị khai thác tuyến đường xuống các xã ven đường trực tiếp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm. Dù có một số khu dân cư sát đường cao tốc, có cầu vượt qua nhưng đến nay trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp phương tiện nào bị ném đá”.
Ông Trịnh Quang Mộng, Đội trưởng Đội Kiểm soát khai thác cho biết, mặc dù không còn việc ném đá nhưng hiện tượng rải vàng mã trên tuyến không giảm. Tình trạng này ảnh hưởng đến an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, gây nguy hiểm cho nhân viên vận hành trong quá trình thu dọn vàng mã và tốn kém chi phí vận hành, khai thác. “Chúng tôi đã theo dõi và phát tờ rơi tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện đưa tang không được rải vàng mã khi lưu thông trên cao tốc. Đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến người dân, đơn vị quản lý đài hóa thân hoàn vũ và các phương tiện cung cấp dịch vụ vận chuyển sớm chấm dứt tình trạng trên”, ông Mộng kiến nghị.
Đoạn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua Hải Dương có chiều dài hơn 40 km thuộc địa bàn các huyện Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà. Theo phân cấp, lực lượng công an cấp huyện có nhiệm vụ xử lý, giải quyết tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, do đoạn cao tốc qua Hải Dương hiện chỉ có điểm lên xuống duy nhất tại nút giao quốc lộ 38B (Gia Lộc) nên lực lượng chức năng đến hiện trường khi xảy ra tai nạn giao thông gặp khó khăn. Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long, Trưởng Công an huyện Bình Giang cho biết: "Để lên cao tốc, lực lượng cảnh sát giao thông của huyện phải đi vòng qua Gia Lộc hoặc sang huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) rất mất thời gian. Bên cạnh đó, xe chuyên dụng của Công an huyện được trang cấp từ lâu, đã cũ nên việc tham gia giao thông trên cao tốc cũng là cả một vấn đề. Nếu đi nhanh thì mất an toàn, còn đi chậm thì không bảo đảm tốc độ, rất lâu mới đến được hiện trường".
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, đơn vị khai thác, quản lý cao tốc đang nghiên cứu giải pháp để lực lượng chức năng các huyện tiếp cận hiện trường thuận lợi hơn. Ông Trần Anh Tú, Giám đốc Ban Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết: “Chúng tôi sẽ mở một số điểm cổng hàng rào B40 ở đường gom và chuyển chìa khóa cho công an các huyện. Khi xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến, đơn vị sẽ liên hệ với lực lượng chức năng và cho người đến các điểm mở đón họ đến hiện trường”.
Được biết, VIDIFI cũng đã ký hợp đồng với các đơn vị dịch vụ cứu hộ giao thông để cứu hộ các phương tiện khi gặp sự cố trên đường cao tốc. Giá cứu hộ trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp giữa đơn vị cung cấp dịch vụ với khách hàng. Khi phương tiện bị sự cố, nếu chủ phương tiện đề nghị được hỗ trợ thì đơn vị sẽ gọi các doanh nghiệp cứu hộ đã ký hợp đồng trước đó. VIDIFI đang thống nhất với các đơn vị cứu hộ để công khai mức giá dịch vụ cứu hộ theo quy định. Trường hợp đơn vị cứu hộ tính giá cao hơn mức giá công bố, VIDIFI sẽ cắt hợp đồng và thay đổi đơn vị có năng lực khác cung cấp dịch vụ.
Theo ông Trần Anh Tú, cuối tháng 1 này, đơn vị sẽ tổ chức hội nghị phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc với Hải Dương. Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, thống nhất các giải pháp để tiếp tục vận hành tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội được an toàn, thông suốt, giảm tối đa tai nạn giao thông trên tuyến.
PV