Mới đây, 11 ô tô đỗ tại khu đô thị Trung Văn (Hà Nội) bị tạt sơn vào thân xe, nắp capo và cửa kính... Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Chủ xe bị tạt sơn có được bảo hiểm bồi thường?
Theo các chủ xe, những xe ô tô bị tạt sơn đỗ tại lòng đường ở khu đô thị Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - nơi không có biển cấm dừng đỗ và được sự cho phép của bảo vệ các tòa nhà. Toàn bộ chi phí sửa chữa đều do các chủ xe tự chịu, có xe lên tới vài chục triệu đồng.
Sau khi nhận được phản ánh, CAP Trung Văn đang phối hợp với các đội nghiệp vụ công an quận Nam Từ Liêm làm rõ vụ việc.
Phân tích sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, sự việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua đã có không ít phương tiện đã bị tạt sơn, ném chất bẩn, làm xước kính hay vẽ bậy lên xe… Dù với bất cứ lý do nào thì hành vi này là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Hành vi tạt sơn lên xe ô tô của người khác là vi phạm pháp luật
Theo Bộ luật dân sự (BLDS) 2015, xe ô tô thuộc tài sản của chủ sở hữu. Do đó, đối tượng thực hiện hành vi cố ý làm hư hỏng và phá hoại tài sản của người khác tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại sẽ bị phạt hành chính, thực hiện nghĩa vụ bồi thường thậm chí bị xử lý hình sự.
Trường hợp thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng, người tạt sơn vào xe ô tô sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, cá nhân thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS 2015.
Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2- dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, đối với những xe bị hư hại do tạt sơn, về nguyên tắc, bên nào có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường, bảo hiểm chỉ bồi thường khi chủ xe có lỗi. Còn nếu chủ xe không có lỗi thì bên gây ra thiệt hại phải bồi thường.
Do đó, các công ty bảo hiểm chỉ có thể chi trả tiền bảo hiểm thân vỏ cho chủ các chiếc xe này nếu như trong hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận cụ thể về trường hợp trên hoặc có căn cứ cho thấy chủ xe có hành vi có lỗi.
Trường hợp do lỗi của người khác gây hư hỏng chiếc xe thì trong hợp đồng bảo hiểm thường quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Bởi vậy trong vụ việc này, rất khó để các chủ xe có thể yêu cầu bảo hiểm thanh toán chi phí sửa chữa.
Theo An ninh thủ đô