Bằng thủ đoạn giả danh giáo viên, gọi điện thoại thông báo cho phụ huynh về tình trạng nguy kịch của con do tai nạn và đề nghị chuyển khoản gấp để đóng tiền mổ. Chỉ trong 2 ngày nhiều người tại TP Hồ Chí Minh đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn.
Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục tiếp nhận các trường hợp phụ huynh nghe tin giả mạo đến tìm con chỉ trong ít ngày
Chiều tối 6.3, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã thông tin chi tiết về các trường hợp phụ huynh bị lừa có con nhập viện cấp cứu, cần chuyển tiền tạm ứng mà nơi đây vừa ghi nhận.
Theo đó, lúc 9 giờ 40 ngày 6.3, phòng bảo vệ của bệnh viện tiếp nhận chị N.T.P. (38 tuổi), phụ huynh có con học tại Trường THCS Hoàng Diệu (quận 4). Chị P. cho biết đã chuyển khoản 20 triệu đồng cho một kẻ lạ mặt, sau khi nhận cuộc gọi báo con chị bị té chấn thương sọ não, đang cần tiền mổ gấp ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, phòng bảo vệ tiếp tục nhận thêm 2 phụ huynh có con học các trường quốc tế ở quận 7 và quận 10. Với kịch bản như trên, đối tượng yêu cầu mỗi phụ huynh chuyển khoản 200 triệu đồng để con được mổ gấp.
Bị thủ đoạn này đánh lừa, chị Đ.T.M.T (42 tuổi) đã chuyển khoản 2 lần, vào 2 số tài khoản lạ tên Nguyễn Duy Thái và Thạch Vũ Hà, tổng cộng 200 triệu đồng.
Anh N.Đ.N. (44 tuổi), phụ huynh còn lại đã cảnh giác nên không làm theo lời yêu cầu chuyển khoản của đối tượng mà trực tiếp đến bệnh viện xác thực lại thông tin.
Đến 12 giờ trưa cùng ngày, chị L.V.T. (43 tuổi), phụ huynh có con học Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) lại đến Bệnh viện Chợ Rẫy tìm con. Chị T. đã chuyển khoản 20 triệu đồng vào số tài khoản có tên Đặng Thùy Trang, cũng với lý do nghe tin con bị chấn thương sọ não, đang nhập viện và cần nộp tiền tạm ứng để mổ gấp.
Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thêm, ngoài ra còn một phụ huynh khác có con học ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) đã gọi điện qua tổng đài của bệnh viện, để hỏi xem con có đang cấp cứu như cuộc gọi lạ mình nhận được hay không. Nhờ cảnh giác xác minh, người này chưa chuyển tiền cho kẻ xấu.
Đại diện bệnh viện khẳng định, không có bất kỳ học sinh nào là con của những phụ huynh trên bị chấn thương sọ não điều trị tại đây. Ngoài ra, bệnh viện cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cấp cứu. Nếu trường hợp nào nặng, ảnh hưởng đến tính mạng sẽ được can thiệp điều trị khẩn, dù thời điểm đó bệnh nhân có mang tiền hay không.
Trước đó ngày 3.3, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng liên tục tiếp nhận 3 phụ huynh với cùng kịch bản "tìm con đang cấp cứu". Cụ thể, anh M.T.D. và anh T.M.H. (cùng ngụ TP Hồ Chí Minh) là 2 phụ huynh có con đang học tại Trường Quốc tế Việt Úc TP Hồ Chí Minh. Cả 2 đều nhận được điện thoại tự xưng là giáo viên, báo con của họ đi học bị té chấn thương sọ não, phải mổ gấp, người nhà cần chuyển khoản để "thầy giáo đóng tiền cho cháu".
Tổng cộng, họ chuyển 3 lần vào số tài khoản lạ do đối tượng cung cấp, với tổng số tiền là 70 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận vụ việc, bảo vệ bệnh viện đã hướng dẫn nạn nhân trình báo sự việc trên đến Công an phường 12, quận 5.
Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo đến các phụ huynh thủ đoạn dùng thông tin giả mạo để lừa đảo của kẻ xấu. Nếu nhận cuộc gọi lạ, người dân có thể liên hệ đến tổng đài Bệnh viện Chợ Rẫy (số điện thoại 028.3855.4137, nhấn phím 0), báo tổng đài viên kết nối đến khoa phòng điều trị có liên quan, để xác nhận lại thông tin bệnh nhân và các khoản viện phí (nếu có), số tài khoản thanh toán của bệnh viện trước khi chuyển khoản.
Trước sự việc hàng loạt phụ huynh bị dùng thông tin giả mạo con đang cấp cứu trong bệnh viện để lừa chuyển những số tiền lớn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, chấn chỉnh công tác liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên. Theo đó, tất cả các trường học trên địa bàn thành phố phải rà soát lại số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, cung cấp đến phụ huynh học sinh, đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục. Đường dây nóng phải luôn có người túc trực để phụ huynh liên hệ trong các trường hợp cần thiết. Các cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến phụ huynh, học sinh, sinh viên, giáo viên thận trọng trong tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát để tránh trường hợp thông tin sai sự thật. |
Theo Dân trí