Củ cải trắng là món ăn quen thuộc trong mâm cơm của nhiều gia đình Việt vào mùa đông. Ngoài là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn, củ cải còn có hiệu quả chữa bệnh rất tốt.
Thông tin từ Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K cho biết, củ cải nói riêng và rau họ cải nói chung (cải bắp, cải thảo, súp lơ…) rất giàu chất dinh dưỡng như carotenoid, vitamin C, E, K; folate và khoáng chất. Rau họ cải cũng là một nguồn chất xơ tốt.
Các nhà nghiên cứu đã điều tra mối liên quan có thể có giữa việc ăn củ cải và nguy cơ ung thư. Theo đó, ăn nhiều rau họ cải (trong đó có củ cải) có tác động đến nguy cơ của bốn loại ung thư phổ biến là ung thư phổi, tiền liệt tuyến, đại trực tràng và ung thư vú.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) thông tin thêm, củ cải trắng có kết cấu giòn giống cà rốt, tùy từng loại sẽ có những hương vị khác nhau nhưng thường có hai vị chính là hơi ngọt và cay, có thể chế biến thành nhiều món như kho, luộc, hấp…
Ngoài là món ăn, củ cải trắng còn có nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe. Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết lượng vitamin C và folate dồi dào trong củ cải trắng tốt cho cơ thể, nhất là với hệ miễn dịch. Đặc biệt, những thực phẩm giàu folate rất có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Trong y học cổ truyền, củ cải trắng có vị ngọt, hơi cay, đắng, tính bình, không độc, có tác dụng chữa ho, long đờm, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, đặc biệt tốt trong việc phòng bệnh vào mùa đông.
Lương y Bùi Đắc Sáng thông tin, củ cải trắng có thể dùng để hỗ trợ một số bệnh như điều trị khản tiếng mùa lạnh, trị ho và hẽn suyễn, viêm loét dạ dày, trị nhiệt loét miệng…
Để điều trị khản tiếng, đau họng trong mùa lạnh, chúng ta có thể dùng nước ép củ cải trắng, trộn mật ong rồi uống 3-5 ngày là khỏi. Với hen suyễn, chúng ta cần dùng 250g củ cải, sau đó sắc với đường phèn, mật ong và 1 bát nước. Sau khi cạn còn nửa bát nước dùng khi còn ấm, cần ăn cả củ cải.
Dù là thực phẩm bổ dưỡng, có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng lương y Sáng cũng cho rằng khi ăn cần có những lưu ý nhất định để không mất chất, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo đó, nhiều gia đình khi luộc củ cải thường luộc chung với cà rốt. Điều này là không nên bởi củ cải vốn là loại củ giàu vitamin C nhưng khi kết hợp củ cải cùngcà rốt, enzyme axit ascorbic trong cà rốt có khả năng phân hủy vitamin C, gây mất chất.
Ngoài ra, khi mới ăn củ cải cũng không nên ăn các loại quả như táo, nho, lê ngay sau đó. Theo lương y Sáng, flanovoid có trong các quả trên có thể phản ứng hóa học với thiosulfate trong củ cải, tạo nên một lượng lớn thiocyanate. Đây là một chất làm giảm chức năng tuyến giáp và tăng nguy cơ mắc bệnh bướu
Mặc dù củ cải được ví là “nhân sâm trắng” do hàm lượng dinh dưỡng vốn co nhưng chúng ta chỉ ăn 3-4 bữa/tuần.
“Không nên ăn nhiều dễ gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đi tiểu nhiều vì loại củ này rất lợi tiểu”, lương y Bùi Đắc Sáng giải thích.
Theo Vietnamnet