Các nhà khoa học tình cờ xác định loài "cây ma sói" đầu tiên từng được biết đến trên thế giới, dựa vào chu kỳ hoạt động của Mặt Trăng để tồn tại.
Phần nón của cây với những giọt tiết chất lỏng ngọt thu hút côn trùng. Ảnh: Wikipedia |
Theo nhóm nghiên cứu Đại học Stockholm, Thụy Điển, loài cây có tên khoa học là Ephedra foeminea thường tiết ra các giọt chất lỏng ngọt vào ban đêm khi có trăng tròn để thu hút những loài côn trùng thụ phấn về đêm. Các giọt nhỏ hấp thụ phấn hoa từ bướm đêm hay ruồi đậu trên cây. Bên cạnh đó, cây dựa vào ánh trăng để tạo phản chiếu và thu hút sự chú ý của côn trùng.
Các chuyên gia cho biết họ phát hiện điều này một cách tình cờ. Trước đây, khi nghiên cứu các loài Ephedra, Catarina Rydin và cộng sự Kristina Bolinder nhận thấy các giọt thu hút phấn hoa xuất hiện trên cây vào cùng thời điểm trong năm. Tuy nhiên khi quan sát Ephedra foeminea , họ rất bối rối khi không tìm thấy chúng.
"Sau một tuần vô dụng ở Hy Lạp không có bất kỳ loài thụ phấn nào để quan sát, chúng tôi đều có tâm trạng khá tệ và quyết định không đến khu vực nghiên cứu đêm đó mà đi ăn tối", Independent hôm 1/4 dẫn lời tiến sĩ Catarina Rydin kể lại. Tuy nhiên rất bất ngờ, nhóm của ông nhận ra đặc điểm kỳ lạ trên sau khi quan sát hình ảnh Mặt Trăng năm trước đó và so sánh với điều kiện hiện tại.
Họ kết luận các giọt này xuất hiện đúng lúc trăng tròn, nhưng quan hệ thụ phấn nhờ gió không có thấy sự liên quan đến Mặt Trăng. Trong thế giới động vật, các hoạt động của cua, chim biển, bọ hung... từng được chứng minh là liên quan đến trăng tròn. Trong thế giới thực vật, đây có thể là trường hợp đầu tiên.
"Theo chúng tôi biết, đây là trường hợp đầu tiên", Rydin nói. "Ban đêm, những giọt lấp lánh như kim cương vào lúc trăng tròn, một cảnh tượng kỳ thú với mắt người", cô và Bolinder báo cáo.
Bộ phận hình nón của Ephedra foemicia với những giọt lấp lánh thu hút côn trùng. Ảnh: nationalgeographic |
Anh Hoàng (VnExprees)