Lộ trình hòa bình và chấm dứt đổ máu ở Ukraine

04/09/2014 15:32

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3-9 đã đề xuất một kế hoạch gồm 7 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.



Kế hoạch 7 điểm của Tổng thống Putin được phương Tây và các nước liên quan ủng hộ


Chấm dứt đổ máu

Kế hoạch 7 điểm được ông Putin phác thảo trên đường công du tới Mông Cổ, trong đó ông nhấn mạnh nhằm chấm dứt đổ máu và ổn định lại tình hình tại miền Đông Nam Ukraine, các bên xung đột phải thống nhất và phối hợp hành động để thực hiện các bước đi sau: dừng các hoạt động tấn công của quân đội Ukraine cũng như các lực lượng dân quân ở Donetsk và Lugansk; rút các đơn vị vũ trang Ukraine ra xa các vùng trên nhằm chặn đứng khả năng pháo kích vào các khu dân cư; thực hiện kiểm soát quốc tế hiệu quả và khách quan đối với lệnh ngừng bắn và giám sát tình hình sau ngừng bắn; loại bỏ hoàn toàn hành động không kích chống lại dân thường tại khu vực xung đột; tổ chức trao đổi tất cả các con tin không kèm theo điều kiện; mở các hành lang nhân đạo cho người tị nạn và vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới miền Đông Ukraine; cuối cùng là cử các đội sửa chữa đến khôi phục lại hạ tầng tại các khu vực giao tranh.

Tổng thống Putin cũng bày tỏ hy vọng rằng các bên xung đột bao gồm chính quyền Kiev và miền Đông Nam nước này sẽ đạt được thỏa thuận tại cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc vào ngày 5-9 tới.

Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Nga đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko, trong đó vấn đề trung tâm được thảo luận là đạt được hòa bình và chấm dứt đổ máu tại Ukraine. Ông Putin cho biết, quan điểm của ông và nguyên thủ Ukraine về vấn đề giải quyết khủng hoảng là "rất gần nhau".

Phương Tây ủng hộ

Ngay sau khi ông Putin đề xuất kế hoạch 7 điểm, nhiều nước phương Tây và các nước liên quan đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch này.

Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3-9 đã bảy tỏ ủng hộ mong muốn của Nga thực hiện kế hoạch hòa bình tại miền Đông Nam Ukraine.

Ông Poroshenko cho rằng, kế hoạch hòa bình cần có cam kết của cả hai bên về lệnh ngừng bắn song phương do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát. Ông cũng hy vọng kế hoạch hòa bình này là cơ sở cho cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc tại Minsk vào ngày 5-9.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), Stefan Dyuzharrik tuyên bố, TTK LHQ Ban Ki-moon tin tưởng kế hoạch hòa bình của Nga sẽ có hiệu quả trong trường hợp tất cả các bên có bước đi cụ thể, bắt đầu từ cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc tới đây.

Cơ quan báo chí của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố, EU hoanh nghênh mọi sáng kiến hòa bình tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. EU cho rằng không thể sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Một nguồn tin thân cận giới lãnh đạo NATO cho biết, các nước thành viên NATO hoan nghênh mọi thỏa thuận chính trị nhằm giảm căng thẳng và giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng NATO cũng muốn thấy các bước đi cụ thể của Nga.

Trong khi đó, người đứng đầu chính quyền Cộng hòa Donesk tự xưng Alexander Zakharchenko tuyên bố, lực lượng đòi liên bang hóa ở Đông Nam Ukraine sẵn sàng ngừng bắn nhưng chỉ trong trường hợp các đơn vị vũ trang Ukraine có bước đi tương tự.

Ông Zakharchenko cáo buộc chiến dịch quân sự tại miền Đông Nam được tiến hành không chỉ bởi quân đội Ukraine mà còn có các đơn vị của lực lượng cận vệ quốc gia, đảng Cánh hữu... và chính các lực lượng này đã nhiều lần phá bỏ các thỏa thuận đạt được.

Ông Zakharchenko nhấn mạnh, Cộng hòa Donesk tự xưng đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn, nhưng phía chính quyền Kiev chỉ trả lời bằng yêu cầu lực lượng đòi liên bang hóa phải hạ vũ khí và đầu hàng. Theo ông, khi tình hình chiến sự đang bất lợi cho phía chính quyền Kiev và quân đội Ukraine sẽ phải ngừng bắn trước.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lộ trình hòa bình và chấm dứt đổ máu ở Ukraine