Góc nhìn

Lo trẻ bị tai nạn giao thông trên đường đến trường

CẨM GIANG 10/09/2024 05:40

Năm học mới 2024 - 2025 đã bắt đầu, cũng là lúc mối lo về tai nạn giao thông đối với học sinh được nhắc đến. Vấn đề này không mới, nhưng chưa bao giờ cũ ở Hải Dương cũng như các địa phương khác.

00:00

z5798798962970-560c70f73e2e77e8e2846d7f490ce8e6-770-6628.jpg
Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến một nữ sinh ở Hà Tĩnh tử vong đúng ngày khai giảng năm học mới 2024 - 2025 (ảnh mạng xã hội)

Ngay buổi sáng ngày khai giảng năm học mới 2024 - 2025, thông tin trên báo chí khiến ai cũng bàng hoàng, xót xa khi 1 nữ sinh ở tỉnh Hà Tĩnh va chạm với một chiếc ô tô và tử vong do vết thương quá nặng.

Ngày khai giảng, ngày khởi đầu của một năm học mới với nhiều kỳ vọng và đang ở độ tuổi nhiều ước mơ, hoài bão, chỉ phút chốc, em không còn được đến trường cùng chúng bạn. Mọi ước mơ của em dừng lại, nhưng nỗi đau đối với gia đình, nhà trường, bè bạn thì còn mãi.

c7207421d7e970b729f8(1).jpg
Một vụ va chạm giữa học sinh ở gần Trường THCS Ngô Gia Tự, TP Hải Dương (ảnh tư liệu)

Năm học 2023 - 2024 và những năm học trước, ở Hải Dương đều có những vụ tai nạn giao thông dẫn đến tai nạn thương tích hoặc tử vong đối với các em học sinh. Với tình hình trật tự an toàn giao thông ngày càng phức tạp như hiện nay, dự báo các em sẽ phải tiếp tục đối mặt với các rủi ro trên đường.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên ở Hải Dương tăng cao, có 139 người dưới 18 tuổi trong tổng số 1.044 người liên quan đến các vụ tai nạn giao thông, chiếm 13,3%. Năm 2023, tỷ lệ này của Hải Dương chiếm gần 11,4%. Còn theo thống kê của Bộ Công an, năm 2023, khoảng 2.100 trẻ em trong cả nước liên quan đến tai nạn giao thông, trong đó khoảng 900 trẻ em tử vong.

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Hải Dương có gần 500.000 học sinh đến trường. Đồng nghĩa với việc trong năm học, trên các tuyến đường sẽ có thêm ít nhất 500.000 người tham gia giao thông thường xuyên, chưa kể số người đưa đón học sinh.

4637cea6c46e63303a7f(1).jpg
Nhiều học sinh chưa nắm chắc các quy định khi lái xe nên thậm chí không biết mình vi phạm giao thông

Hiện nay, cuộc sống của các bậc cha mẹ rất bận rộn, không phải ai cũng có điều kiện đưa đón con hoặc thuê xe đưa đón. Vì vậy, ở lứa tuổi THPT, THCS, hầu như các em đã tự lái xe, thậm chí nhiều học sinh tiểu học đã tự đi xe. Phương tiện chủ yếu các em sử dụng là xe gắn máy dưới 50 cc, xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe đạp thô sơ. Tất cả các loại phương tiện này người điều khiển đều không cần có giấy phép lái xe, cũng đồng nghĩa với việc các em chưa nắm được các quy định của Luật Giao thông đường bộ (do chưa phải học để thi giấy phép lái xe). Kỹ năng điều khiển phương tiện, nhận định và xử lý tình huống ở lứa tuổi này còn yếu, dễ dẫn tới mất an toàn giao thông.

Ở lứa tuổi hiếu động này, nhiều em chưa ý thức được nguy hiểm khi tham gia giao thông, đua đòi với chúng bạn nên phạm nhiều lỗi khi lái xe như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang, đi xe tốc độ cao, chở số người nhiều hơn quy định... Việc quản lý, nhắc nhở, giáo dục con em tham gia giao thông an toàn ở nhiều bậc cha mẹ và các nhà trường còn hạn chế, thậm chí buông lỏng. Có gia đình sẵn sàng giao xe máy cho con làm phương tiện đi lại dù con chưa đủ tuổi. Có người sẵn sàng nổi nóng với lực lượng chức năng khi con em vi phạm các lỗi giao thông...

Tất cả những điều trên, cộng với lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng nhanh chóng như hiện nay dẫn đến trật tự an toàn giao thông, mối nguy hiểm về giao thông, nhất là với lứa tuổi học sinh ngày càng phức tạp.

Việc xử lý vi phạm giao thông của các lực lượng chức năng có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh. Nhưng để bảo đảm an toàn giao thông từ gốc, để con em đến trường và ra về an toàn, trách nhiệm của các gia đình, nhà trường rất quan trọng.

CẨM GIANG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo trẻ bị tai nạn giao thông trên đường đến trường