Lo ngại văn hóa ứng xử trong trường học

12/01/2019 10:07

Những vụ việc tiêu cực gần đây về văn hóa học đường cho thấy đang tồn tại rất nhiều vấn đề đáng quan tâm.


Tổ chức trò chơi dân gian giúp học sinh thêm gắn kết với nhau, yêu trường, yêu thầy

Bạo lực

Dư luận đã "dậy sóng" bởi một số vụ bạo lực học đường. Gần đây nhất, một cô giáo ở tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát một học sinh lớp 6 tổng cộng 230 cái vì nói tục. Sau đó cô giáo này còn tát thêm 1 cái khiến học sinh phải nhập viện. Cô giáo này đã bị khởi tố hình sự. Cũng trong năm 2018, một thầy giáo ở huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc) và một thầy giáo ở TP Hồ Chí Minh cũng bị buộc thôi việc do có hành vi đấm, đá và tát học sinh. Giáo viên đã vậy nhưng nhiều học sinh cũng chẳng vừa. Trung tuần tháng 12.2018, một nam sinh lớp 11 ở tỉnh Bình Định cầm gậy tấn công khiến thầy giáo dạy toán của mình phải đi cấp cứu. 3 năm trước, một nam sinh lớp 11 ở Hà Nội cũng xé áo, đánh thầy giáo gẫy răng vì bị đuổi ra khỏi lớp. Những vụ học sinh đánh nhau dẫn tới hậu quả nghiêm trọng không hiếm.

Tại Hải Dương, một số vụ bạo lực học đường cũng đã xảy ra. Cuối năm 2017, một nam sinh lớp 11 Trường THPT Thành Đông (TP Hải Dương) đã gọi anh rể đến đâm một bạn học cùng khối 3 nhát dao. Nguyên nhân dẫn tới vụ việc do 2 học sinh này có mâu thuẫn với nhau. Trước đó vài năm, các vụ bạo lực học đường xảy ra ở TP Hải Dương, Kinh Môn, Bình Giang... cũng gây dư luận xấu.

Bạo lực chỉ là một trong những biểu hiện cho thấy văn hóa học đường đang đi xuống. Truyền thống tôn sư trọng đạo gắn với những khẩu hiệu "kính thầy - yêu bạn", "yêu trò như con"... giờ đây đang bị hoen ố bởi một bộ phận giáo viên và học sinh vô văn hóa, thiếu gương mẫu, ý thức chấp hành pháp luật kém. "Tôi đã yêu cầu một học sinh làm bản kiểm điểm vì em này nhiều lần không làm bài tập về nhà, xao nhãng chuyện học tập, yêu sớm. Tôi còn chưa nói dứt lời thì em này đã đứng dậy cãi lại và tỏ thái độ không chấp hành. Tôi rất thất vọng...", một giáo viên ở huyện Thanh Hà chia sẻ.

Ngoài các vấn đề liên quan đến bạo lực, tình trạng học sinh yêu sớm, kết bè kết cánh để lại những hậu quả xấu khá phổ biến. Một số cán bộ, giáo viên thiếu gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không thể trở thành tấm gương để học sinh noi theo. Không ít học sinh sử dụng mạng xã hội bừa bãi, ham mê cờ bạc, trò chơi điện tử, hút thuốc lá, vi phạm pháp luật, có thái độ thờ ơ, vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn...


  Tình cảm giữa giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Cẩm Thượng (TP Hải Dương) thêm gần gũi, gắn bó khi cùng tham gia các chương trình ngoại khóa

Xây dựng quy tắc

Cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” với rất nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó, đề án yêu cầu trong giai đoạn 2018-2020, tất cả các trường học phải xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Bộ quy tắc đó phải phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, ban hành quy định về quy tắc ứng xử trong trường học, sử dụng từ năm học 2018-2019. Mục tiêu chung của đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa.

Bà Hoàng Thị Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đề án trên của Chính phủ thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đề án được hiện thực hóa bằng những quy chế, quy định cụ thể để các cơ sở giáo dục áp dụng một cách thống nhất, tạo ra những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, phù hợp với truyền thống và đạo lý của dân tộc cho cán bộ, giáo viên, học sinh áp dụng. "Vừa qua, sau khi tổ chức tập huấn chuyên đề về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường tiểu học theo tài liệu của bộ, chúng tôi đã yêu cầu tất cả các trường bám sát hướng dẫn để xây dựng bộ quy tắc riêng; rà soát, trang trí thêm khẩu hiệu tuyên truyền nhằm tăng tính thẩm mỹ, giáo dục...", bà Hưng cho biết.

Trường Tiểu học Cẩm Thượng (TP Hải Dương) đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng; tập huấn kỹ năng giao tiếp cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh; đẩy mạnh công tác truyền thông để việc thực hiện quy tắc được lan tỏa. Nhà trường còn tăng cường tổ chức các chương trình ngoại khóa, sân chơi trải nghiệm, giáo dục truyền thống văn hóa thông qua các trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ... "Nhà trường động viên giáo viên tham gia vào các hoạt động cùng học sinh. Vì thế, tình cảm thầy trò thêm khăng khít, gắn bó", cô giáo Phạm Thị Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thượng nói.

Qua thăm dò cho thấy các phụ huynh đều đồng tình với việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, họ cho rằng các thầy, cô giáo vẫn phải là những người dẫn lối, gương mẫu trong thực hiện để học sinh noi theo.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Lo ngại văn hóa ứng xử trong trường học