Sáng 5-6, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, tiền bạc, tình cảm đi vào tòa án thì công lý sẽ giảm đi
Cốt lõi là nâng cao chất lượng cán bộĐại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn bày tỏ: “Chính trị, tiền bạc, tình cảm đi vào tòa án thì công lý sẽ giảm đi. Chính vì vậy cái yếu nhất là đội ngũ cán bộ bản lĩnh không vững vàng, đạo đức không trong sáng, không tinh thông nghiệp vụ, chưa có cái đầu lạnh và trái tim ấm chứ không phải bộ máy”. Theo đại biểu Thuyền, không phải cứ nhập các đơn vị lại với nhau là cải thiện được những vấn đề hiện nay trong cơ cấu tổ chức của tòa án và VKSND mà quan trọng hơn là khâu đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ. Dẫn chứng một số quốc gia quy định cơ quan công tố có thẩm quyền điều tra như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp..., đại biểu Thuyền cho rằng, đây là mô hình cần tham khảo vận dụng.
Quan điểm này được đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), người cũng có thâm niên hơn 30 năm trong nghề tán thành. Theo đại biểu Đương, nếu VKSND chỉ phát hiện và kiến nghị xử lý những hoạt động vi phạm bề nổi thì sẽ không loại trừ được những hành vi tội phạm đằng sau vi phạm đó. Thực tiễn cho thấy trong hoạt động tư pháp có oan sai thì có bóng dáng của tội phạm tham nhũng. Ông Đương chỉ tên tham nhũng trong hoạt động tư pháp là ăn tiền, nhận hối lộ, tham ô dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đại biểu này cũng cho rằng, VKSND phải chống oan sai ngay từ khi điều tra, chứ không phải chờ đến khi tòa án quyết định. Để nâng cao chất lượng công tác tư pháp không phải cải cách trụ sở mà phải cải cách con người, cái đầu, lương tâm và trách nhiệm. "Làm sao để người thẩm phán, người kiểm sát viên hoạt động độc lập theo luật. Họ không nghĩ đến tiền thì mới trong sáng được", đại biểu Đương nhận xét.
Về việc thành lập VKSND khu vực, phần lớn đại biểu không tán thành việc thành lập mô hình này mà muốn giữ mô hình VKSND cấp huyện. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hà Nam) phân tích: Sẽ gây khó khăn cho người dân do khoảng cách về địa lý. Ngoài ra, nếu thành lập VKSND theo khu vực thì việc xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc cho VKSND khu vực sẽ rất tốn kém. Trong khi đó điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu còn góp ý kiến về một số nội dung khác như: Vai trò của Ủy ban kiểm sát; thẩm quyền, nhiệm vụ của VKSND khi thực hiện quyền công tố trong giai đoạn điều tra; chức năng, nhiệm vụ của VKSND.
Lấy tiền của dân để đầu tư: Phải rõ trách nhiệm về hiệu quảChiều 5-6, QH thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Việc làm rõ vai trò của chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN), tăng cường hơn nữa trách nhiệm của đối tượng này là đề nghị của nhiều đại biểu.
Đánh giá chung về dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, dự luật đã tổng hợp đầy đủ các văn bản có liên quan, góp phần khắc phục, chấn chỉnh những bất cập hiện nay. Theo các đại biểu, yêu cầu cao nhất với dự luật này là khi ra đời phải giúp ngăn chặn, hạn chế, phòng, chống có hiệu quả việc thất thoát, lãng phí và tham nhũng trong sử dụng phần vốn nhà nước tại các DN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc quản lý vốn của Nhà nước có giai đoạn rất lỏng lẻo. Nhiều ý kiến phê phán DN nhà nước đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực. Do vậy, yêu cầu của dự án luật là phải giải quyết được vấn đề này, đầu tư vào đâu là phải rõ ràng, hiệu quả mang lại như thế nào, ai sẽ là người đại diện… và mục tiêu cuối cùng là Nhà nước làm kinh tế phải mang lại hiệu quả.
Các đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Thân Đức Nam (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên)... đề nghị, dự luật cần tập trung vào thẩm quyền, trách nhiệm của người quản lý và quyết định đầu tư vốn nhà nước vào các DN.
Các đại biểu nhận xét, dự luật còn quy định sơ sài vấn đề người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN, thiếu quy định ràng buộc để hạn chế những hành vi tiêu cực của đối tượng này. Việc siết chặt phạm vi đầu tư phải gắn liền với nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người, cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng dự luật quy định chưa tương xứng, chưa cụ thể và chưa có chế tài xử phạt hiệu quả.
“Một trong những lý do của việc ban hành luật là nâng cao hiệu quả quản lý tài sản nhà nước khi đầu tư vào DN, muốn vậy phải siết chặt lĩnh vực đầu tư, dự luật quy định quá rộng, cơ bản không khác so với quy định hiện hành”, đại biểu Tiến cho biết.
Ngày 6-6, buổi sáng, QH họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Buổi chiều, thảo luận ở tổ về: việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. |
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị dự luật làm rõ đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN là người làm thuê hay ông chủ? “Chúng ta đang có sự nhập nhằng trong quản trị. Muốn làm luật này, chúng ta cần hình dung được về mô hình, giải quyết mô hình rồi mới giải quyết cái cụ thể và phải làm sao để xóa bỏ được cơ chế chủ quản như hiện nay”, đại biểu Lịch nói.
Chung quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, các quy định của dự luật phải tạo ra được một cuộc cải cách lớn về quản trị DN, có chế tài đặt DN nhà nước vào kỷ luật của cơ chế thị trường.
Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường hơn nữa thẩm quyền của QH trong việc bố trí, sử dụng phần vốn nhà nước tại các DN.
Cũng trong chiều 5-6, QH đã nghe tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của QH về việc gia nhập Công ước về Quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).
TTXVN - TT - NA
Đầu tư vốn nhà nước cần có chọn lọc kỹ
Theo tôi, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cần đặt ra các quy định cần thiết nhằm hạn chế việc thành lập mới doanh nghiệp nhà nước, hạn chế việc tăng tỷ lệ góp vốn hoặc duy trì quyền chi phối của Nhà nước tại các công ty. Nhà nước cần hạn chế việc mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hạn chế mở rộng quy mô, nâng cao công suất.
Cụ thể, không nên quy định đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội vì những ngành, lĩnh vực này các doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn dành sự quan tâm và có thể thay thế vai trò của Nhà nước. Dự luật chỉ nên đi theo hướng khuyến khích việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các công ty nhà nước để nâng cao năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc phục vụ an ninh - quốc phòng.
ĐOÀN VĂN NGHỆ Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Dương
Thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu
Về vấn đề đại diện chủ sở hữu, theo tôi nên thành lập một cơ quan đại diện thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp trung ương hay địa phương và cơ quan này không thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Trường hợp không (hoặc chưa) thành lập được cơ quan này thì nên chỉ định cụ thể một cơ quan chuyên môn của cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp làm đầu mối giải quyết các công việc có liên quan đến doanh nghiệp. Hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan liên quan đến doanh nghiệp như các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội... nhưng lại không có cơ quan tổng hợp chung khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
LÊ XUÂN HIỀN Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư
Cần làm rõ khái niệm vốn nhà nước
Tại điều 3 Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đưa ra 2 khái niệm “Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp” và “Vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Dự thảo cần làm rõ khái niệm đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là việc Nhà nước sử dụng vốn của mình để đầu tư vào doanh nghiệp, bỏ khái niệm Nhà nước sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước và khái niệm vốn khác do Nhà nước quản lý. Khái niệm vốn khác do Nhà nước quản lý có thể được hiểu theo nhiều nghĩa.
Khái niệm vốn nhà nước được định nghĩa và ghi tại dự thảo: “Vốn nhà nước tại doanh nghiệp là vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và vốn được hình thành từ các khoản phải nộp ngân sách nhà nước được trích để lại”, khi đó vốn nhà nước được hiểu chỉ có 2 loại vốn này, còn lại các loại vốn được hình thành như: “Vốn hình thành từ nguồn quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp…” thì được hiểu thế nào? Vì vậy, cần sử dụng dấu “;” để phân loại các vốn được gọi là vốn nhà nước; nên dùng khái niệm “vốn nhà nước” thay khái niệm “vốn nhà nước tại doanh nghiệp” vì phạm vi điều chỉnh của luật này là việc đầu tư, quản lý, sử dụng và giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
PHẠM THỊ HƯƠNG Phó trưởng Phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính
|
|