Nhiều đại biểu thảo luận về vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh Thành Chung
Phát biểu thảo luận tại hội trường trong Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI, ông Phạm Quang Hưởng, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc cho biết, trong triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện mặc dù đạt được kết quả ban đầu khá tốt nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Sự phối, kết hợp giữa các sở, ngành của tỉnh với chính quyền huyện chưa tốt.
Trong quy hoạch vùng sản xuất, Gia Lộc quy hoạch 2.900 ha để sản xuất rau an toàn, tiến tới sản xuất rau sạch nhưng đến nay mới chỉ tổ chức sản xuất được trên diện tích 1.500ha. Nguyên nhân là do tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhà máy hoạt động trong cụm công nghiệp (CCN) Thạch Khôi gây ra. Điển hình có một công ty sản xuất nhựa tái chế trong CCN này gây ô nhiễm môi trường, nước thải bẩn không qua xử lý xả ra kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng - nơi cung cấp nguồn nước sản xuất nông nghiệp của huyện. "Cơ sở này trước kia hoạt động ở Thạch Khôi nhưng gây ô nhiễm nên anh Hùng (Bí thư Thành ủy Hải Dương - PV) đuổi thì họ chạy về CCN Thạch Khôi. Lạ là về đây họ lại đủ điều kiện sản xuất. Cơ sở này thu mua hàng trăm tấn bao bì, giẻ rách độc hại về tập kết ngoài trời, không che đậy. Mưa xuống, nước bẩn chảy ra kênh dẫn nước sản xuất nông nghiệp, nắng thì bốc mùi khó chịu", ông Hưởng bức xúc.
Thừa nhận các CCN hiện nay chưa có chủ đầu tư hạ tầng nên quản lý việc xả thải còn chưa tốt, ông Vũ Ngọc Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết, toàn tỉnh quy hoạch 42 CCN, trong đó 33 CCN đã đi vào hoạt động. Các CCN đến nay chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Từng doanh nghiệp tự xử lý nước thải rồi xả thải ra các kênh thủy lợi lân cận. Trước khi cấp phép cho hoạt động sản xuất, Sở TNMT phải có đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp đó. Nếu nước thải bảo đảm an toàn thì mới cho xả ra môi trường. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng doanh nghiệp cố tình xả trộm nước thải chưa qua xử lý. "Thời gian tới, ngành TNMT sẽ tăng cường quản lý về môi trường đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong CCN để tránh tình trạng các doanh nghiệp này gây ô nhiễm môi trường", ông Long nói.
Đề cập thẳng đến doanh nghiệp nhựa tái chế Vĩnh Thuận mà Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Phạm Quang Hưởng đề cập, ông Long cho biết doanh nghiệp này đang chạy thử để các đơn vị liên quan đánh giá tác động môi trường. Chỉ khi nào đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, doanh nghiệp này mới được hoạt động. Không đồng ý với trả lời của ông Quang, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc cho biết doanh nghiệp này đã có giấy phép hoạt động chứ không phải đang chạy thử nghiệm. "Vấn đề nhỏ này, tôi sẽ cho kiểm tra", ông Quang nói. Ngắt ngang lời ông Quang, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu ông Quang phải kiểm tra lại thông tin mà ông Hưởng nêu. "Đây không phải vấn đề nhỏ. Cấm hoạt động nếu chưa bảo đảm an toàn môi trường", đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển kết luận.
Ông Long cho biết, đến nay 4 khu công nghiệp của tỉnh gồm: Nam Sách, Tân Trường, Phúc Điền, Đại An và Công ty Dệt Pacific Crystal trong khu công nghiệp Lai Vu đều lắp đặt hệ thống quan trắc tự động về Sở TNMM. Tới đây, Sở TNMT lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với Công ty CP Thép Hòa Phát và Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch - đây là hai doanh nghiệp có lượng khí thải, nước thải lớn trên địa bàn huyện Kinh Môn.
Cũng trong buổi sáng, các đại biểu là bí thư huyện ủy đều nêu thực trạng rác thải nông thôn đang là vấn nạn. Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ Cao Ngọc Quang cho biết, các bãi rác ở các xã được đầu tư 500 triệu/bãi đến nay đều đã đầy. Kỹ thuật xử lý rác thải không bảo đảm, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí. Cứ mưa xuống, rác trôi theo mương máng vào ruộng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ông Quang đề nghị tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo cụm với quy mô từ 2-3 huyện. Ngoài ra, các khu đô thị cũng phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra môi trường.
SỸ THẮNG