Lỡ mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch - như mắc cạn

12/07/2023 17:58

Tố cáo hành vi có dấu hiệu lừa đảo, lên tiếng đòi quyền lợi, rao bán hợp đồng đã ký... là những gì đang diễn ra xoay quanh câu chuyện về những hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch.


Một số tài khoản Facebook tố cáo công ty bán sở hữu kỳ nghỉ du lịch

Thời gian gần đây, rất nhiều tài khoản Facebook đã đăng tải nhiều nội dung trên một số nhóm như TIMESHARE VIETNAM - SỞ HỮU KỲ NGHỈ, Trao đổi kỳ nghỉ ALMA… tố cáo hành vi có dấu hiệu lừa đảo khi tư vấn cho người dân mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, tập trung những người bị hại để lên tiếng đòi quyền lợi. Cũng không ít trường hợp đăng tải nội dung nhằm rao bán lại những hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đã mua với giá rẻ.

Tại Hải Dương, cuối tháng 2.2023, nhiều người dân đã được mời tham dự một sự kiện quảng bá về tổ hợp khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng 5 sao tại Phú Quốc, được tổ chức tại Trung tâm Tổ chức sự kiện Âu Cơ (TP Hải Dương). Tại sự kiện này, một số người xưng là nhân viên của Công ty CP Bất động sản Bầu trời Việt Nam. Sau khi giới thiệu sơ bộ về khu nghỉ dưỡng nói trên, người này giới thiệu về việc tham gia đầu tư “thẻ du lịch nghỉ dưỡng thông minh” do công ty này cung cấp. Đây là gói dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng 8 ngày 7 đêm tại khu dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp ở Phú Quốc hoặc hơn 100 khách sạn, phòng nghỉ khác liên kết. Khi tham gia đầu tư sẽ được hưởng dịch vụ phòng nghỉ tiêu chuẩn 5 sao. Gói dịch vụ có thời hạn đầu tư 20 năm, mỗi năm được sử dụng một lần.

Hợp đồng được ký kết giữa người tham gia đầu tư với công ty nói trên. Theo lời tư vấn, nếu không có nhu cầu sử dụng thẻ du lịch, người đã đầu tư có thể yêu cầu công ty này cho người khác thuê lại thẻ, hoặc người tham gia có thể tặng, bán thẻ cho người khác. Ngoài ra, số tiền người tham gia đầu tư mua thẻ du lịch nghỉ dưỡng thông minh có thể chuyển đổi sang trị giá bất động sản.


Một lời kêu gọi đòi quyền lợi liên quan đến việc mua sở hữu kỳ nghỉ

Tuy nhiên, khi đề nghị được mang hợp đồng về để nghiên cứu kỹ lưỡng thì những người của công ty nói trên không đồng ý. Điều đáng nói hơn, người đứng ra mời người dân đến tham dự sự kiện tự xưng là nhân viên của Tập đoàn Sun Group. Đại diện truyền thông của tập đoàn này sau đó đã xác nhận với Báo Hải Dương rằng đó là sự mạo danh.

Ít ngày trước, chúng tôi đã liên hệ lại số điện thoại từng gọi cho chúng tôi để mời dự sự kiện hồi tháng 2.2023. Người này cho biết đã chuyển sang làm công việc khác. Khi chúng tôi đề cập đến trường hợp đã ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, nay muốn chuyển nhượng, người này cho biết cần gọi điện đến số điện thoại đã tư vấn ký hợp đồng. 

Chúng tôi lục tìm lại số điện thoại từng tư vấn trực tiếp tại sự kiện ngày trước. Sau một số cuộc gọi, đầu dây bên kia bắt máy. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn chuyển nhượng hợp đồng, người này nói chỉ có thể chuyển nhượng khi đã đóng đầy đủ 100% số tiền theo hợp đồng đã ký. Hơn nữa, để chuyển nhượng, phía công ty ký hợp đồng phải tìm được người muốn mua lại. Công ty không trực tiếp mua lại hợp đồng từ khách hàng.

Qua hai đoạn hội thoại trên có thể thấy khi khách hàng ký kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch, hoặc sẽ phải “sống trọn niềm tin” với phía công ty đã ký kết, hoặc phải thanh toán đầy đủ số tiền theo hợp đồng, rồi chờ người nào đó có nhu cầu mua để bán.

Vừa qua, Bộ Công an đã phát đi thông tin cảnh báo hoạt động mua bán sở hữu kỳ nghỉ du lịch với nhiều chiêu thức để lừa đảo, trục lợi. Theo Bộ Công an, gần đây, mô hình mua bán sở hữu kỳ nghỉ du lịch được triển khai tương đối phổ biến tại Việt Nam. Một số công ty đưa ra nhiều chiêu thức mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà… để lừa đảo và trục lợi. Thời gian qua, cơ quan công an nhận được nhiều đơn khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều chi phí; khách hàng không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền…


Không ít tài khoản Facebook rao bán lại hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đã mua, song gần như không có người mua lại

Bộ Công an khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ về hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.

Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch thường có thời hạn dài (có thể hàng chục năm), khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng) ngay từ đầu, khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.

Đáng chú ý, tại thời điểm ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, có thể các căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng mới chỉ “nằm trên giấy”, chưa khởi công xây dựng. Hoặc bên bán sở hữu kỳ nghỉ du lịch có thể không sở hữu bất kỳ khu dự án hoặc khách sạn nào, chỉ là đơn vị trung gian hợp tác với chủ sở hữu dự án, khách sạn để bán dịch vụ. Do đó, khi xảy ra vướng mắc, khiếu nại, bên bán khó bảo đảm được quyền lợi cho người tham gia ký hợp đồng.

Đối với người đầu tư vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ nhằm mục đích kiếm lời, việc chuyển nhượng kỳ nghỉ phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố thị trường, cũng như các điều khoản liên quan đến chuyển nhượng trong hợp đồng đã ký kết. Như đã nêu ở phần đầu bài báo này, nhiều tài khoản Facebook sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ rất khó bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao.

Bạn đọc có thể tham khảo bài viết về cảnh báo của Báo Hải Dương tại đây:

NAM KHÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lỡ mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch - như mắc cạn