Lo lắng bị kiến ba khoang đốt

21/10/2016 07:19

Thời gian gần đây, mỗi ngày Phòng Khám da liễu của Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh tiếp đón từ 10-15 bệnh nhân bị kiến ba khoang (KBK) đốt.



Thời gian gần đây, mỗi ngày có 10-15 bệnh nhân đến khám tại Phòng Khám da liễu
 (Bẹnh viện Mắt và Da liễu tỉnh) do bị kiến ba khoang đốt


Trong đó, vết đốt của nhiều người đã khá nặng. Họ thường nhầm vết kiến đốt với bệnh Zona nên tự mua thuốc về điều trị. Qua một thời gian không thấy thuyên giảm, họ mới đến bệnh viện. Theo bác sĩ Hoàng Thị Tuyết (Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh), hằng năm vào thời điểm này, số bệnh nhân bị KBK đốt luôn cao hơn các thời điểm khác trong năm. Tuy chưa có trường hợp nào bị biến chứng nặng nhưng cũng không vì thế mà xem nhẹ mức độ nguy hiểm của loài kiến này.

Đến bệnh viện trong tình trạng các vết mẩn đỏ nổi khắp mặt và đau rát, em Phạm Văn Toàn đang học Trường Trung cấp Y tế Hải Dương kể: "Sau một đêm ngủ dậy, em thấy trên mí mắt xuất hiện một nốt đỏ. Em đến hiệu thuốc và được người bán nói bị bệnh Zona nên mua thuốc về bôi. Nhưng sau gần 1 tuần vết đỏ không khỏi, thậm chí còn lan ra khắp mặt. Các vết này rất đau rát, đặc biệt là khi tiếp xúc với nước. Lúc này em mới đến bệnh viện khám và biết mình đã bị KBK đốt". Toàn đã phải xin nghỉ học gần 1 tuần nay.

Cuối tháng 9 vừa qua, rất nhiều côn trùng bay vào nhà chị Phạm Huyền Trang ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương). Cạnh nhà chị Trang là hồ nước và công trình kè hồ đang thi công. Những con côn trùng này thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi. Chúng thường bám nhiều trên tường, đặc biệt là gần vị trí bóng đèn huỳnh quang. Chị Trang và những người khác trong gia đình cũng chỉ nghĩ đó là những côn trùng vô hại. Đến khi thấy trên cơ thể xuất hiện những vết đỏ lan rộng, đau rát, chị Trang tìm hiểu thông tin từ internet mới biết bị KBK đốt. Từ đó, gia đình chị Trang hạn chế mở cửa sổ và cửa phòng hướng gần hồ để KBK không bay vào nhà.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hồng cũng như một số hộ dân ở xã An Phụ (Kinh Môn) đang rất lo lắng khi KBK vào nhà. Do biết được mức độ nguy hiểm nếu bị KBK đốt nên mọi người trong gia đình anh Hồng đều chủ động đề phòng, tránh xa loài kiến này. Vì nhà có con nhỏ nên anh Hồng không dùng thuốc diệt côn trùng để diệt kiến. Anh Hồng rất lo sợ người thân trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ sẽ bị KBK đốt.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh, vết đốt của KBK không nguy hiểm đến tính mạng mà chủ yếu gây tổn thương trên da, đặc biệt ở vùng da mềm. Nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển gây loét và có thể dẫn đến hoại tử. Độc tố của KBK dính vào mắt có thể gây viêm kết mạc, sưng nề vùng da quanh mắt. Người bị KBK đốt thường cảm thấy vết đốt bị nóng rát, sau đó nổi màu đỏ có bờ viền rõ rệt, khoảng 1-3 ngày sau xuất hiện mụn nước và bọng mủ. Triệu chứng này rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh Zona. Các vết thương của bệnh Zona thường chỉ xuất hiện một bên cơ thể chứ không đối xứng như vết kiến đốt.

Các bác sĩ da liễu khuyến cáo nếu bị KBK đốt cần nhanh chóng rửa sạch vết thương, làm sạch chất độc bám trên da bằng nước muối sinh lý, không được chà xát tránh làm độc tố lan ra những vùng da khác. Không tự ý mua thuốc về điều trị mà nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời. Nếu điều trị đúng thuốc thì khoảng 1 tuần sẽ khỏi, nhưng điều trị muộn có thể để lại sẹo đỏ trong một thời gian dài. Để phòng tránh KBK, người dân nên phát quang bụi rậm xung quanh nhà, dùng các tấm lưới chắn quanh cửa chính và cửa sổ ngăn chặn KBK. Không nên đứng dưới bóng đèn huỳnh quang, nên tắt bớt các bóng đèn không cần thiết vào ban đêm. Trước khi ngủ nên mắc màn và kiểm tra xem loài kiến này có trú ngụ trong chăn, gối hay không. Mặc quần áo dài tay khi ra ngoài nhà, nhất là ở những khu gần đồng ruộng hoặc gần công trình đang xây dựng. Nếu KBK xuất hiện nhiều trong nhà thì nên dùng thuốc diệt côn trùng để xua đuổi chúng.  

HOÀNG QUÂN


Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học Paederus fuscipes. Thực ra nó không phải là con kiến nhưng vì hình dạng giống như kiến nên gọi là kiến ba khoang. Loại kiến này có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài khoảng 0,7 - 1 cm, ngang 2 - 5 mm), có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, bay và chạy rất nhanh. Kiến ba khoang có màu cam tối hay sậm màu, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng. Kiến sống ở đồng ruộng, những nơi đang xây dựng, khu nhà tập thể, nhà trọ, những nơi cỏ mọc um tùm, thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa với mật độ nhiều hơn so với những tháng trong năm.

(0) Bình luận
Lo lắng bị kiến ba khoang đốt