Lò không tắt lửa

12/12/2020 12:00

Chủ mưu trong vụ án "vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) được xác định là cựu Giám đốc Nguyễn Nhật Cảm, một PGS.TS y khoa.

Chiếc máy xét nghiệm COVID-19 nhập khẩu, phân phối với giá ban đầu 2,3 tỷ đồng đã được bán cho CDC với 8,2 tỷ sau một "quy trình thổi giá".

Khi chiêu trò nhằm trục lợi này bị phanh phui, dư luận rất bức xúc, coi đó là hành vi không thể chấp nhận được, bởi nó xảy ra tại thời điểm "nước sôi lửa bỏng" trong phòng chống dịch bệnh, người thực hiện hành vi phạm tội lại là một đảng viên, nhà chuyên môn giỏi có học hàm, học vị cao.

Đặc biệt, hành vi phạm tội vẫn diễn ra trong thời điểm cao trào của "cuộc chiến" chống tham nhũng, tiêu cực.

Vài dòng tóm tắt một vụ án cụ thể đang được Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội xét xử để thấy rằng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi, suy thoái... trong bộ máy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.

Dư luận đang trông đợi những đề xuất, kiến nghị mới được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 diễn ra vào hôm nay (12.12).

Đây cũng là yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - nêu tại phiên họp của Ban Chỉ đạo vào cuối tháng 11: phải tổng kết được những việc làm tốt, chỉ ra việc làm chưa tốt, tại sao, rút ra bài học kinh nghiệm...

Những việc làm được thì đã thấy rõ, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước điểm lại: đã tiến hành xử lý vụ nào ra vụ đó, số lượng mấy trăm người, cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương, bao nhiêu cán bộ cao cấp... Suốt thời gian vừa rồi rõ ràng không phải là chùng xuống, mà thậm chí còn làm quyết liệt hơn.

Mong muốn của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước là từ xử lý kiên quyết, không khoan nhượng, không có vùng cấm sẽ tạo sức lan tỏa và có tính giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe, khiến những bàn tay không "nhúng chàm" nữa.

Dư luận vẫn ví hình ảnh những cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị truy tố, xét xử trước pháp luật là "củi vào lò".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói rằng khi lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào lò cũng phải cháy. Và điều trông đợi của nhân dân chính là lò không tắt lửa trong suốt cuộc chiến lâu dài, bền bỉ phòng chống giặc nội xâm tham nhũng, tiêu cực, suy thoái.

Nhưng nếu chỉ nói về lò và lửa thì đó mới là phần nổi của sự nghiệp phòng chống tham nhũng, việc đưa củi vào lò vẫn nặng về phần chống.

Chỉ khi nào chống quyết liệt đồng thời với phòng ngừa hiệu quả thì tham nhũng, tiêu cực mới bị triệt tiêu.

Nhiệm vụ xây dựng thể chế để cán bộ, công chức không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng chính là kế sâu bền gốc.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Lò không tắt lửa