Đầu năm học mới, nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn lại đau đáu nỗi lo "tiền trường", bởi ngoài những khoản thu theo quy định, còn phải nộp các khoản "tự nguyện" để không ảnh hưởng đến con.
Năm học này, Trường Mầm non Quang Thành (Kinh Môn) dự kiến vận động tài trợ làm rèm cửa che nắng lớp học. Trong ảnh: Một tiết học của các cháu lớp 5 tuổi
Cứ vào đầu năm học mới, nhiều phụ huynh lại đau đáu lo các khoản thu, nhất là những gia đình khó khăn thì càng nặng gánh.
Anh N.V.T. ở TP Hải Dương có 3 con học tiểu học, THCS và THPT. Anh nhẩm tính các khoản thu đầu năm của 3 con sẽ khoảng 10 triệu đồng. Riêng cháu học lớp 6 đầu cấp đã được trường thông báo đóng các khoản như sách giáo khoa, vở viết gần 700.000 đồng, đồng phục gần 700.000 đồng. Chưa tính các khoản khác sẽ được thông báo vào buổi họp phụ huynh sắp tới như học phí, học buổi 2, học thêm, quỹ lớp, quỹ phụ huynh, nước uống, đồ dùng học tập và cả vận động tài trợ...
Trong khi thu nhập cả 2 vợ chồng anh T. khoảng 12 triệu đồng/tháng, trừ tiền sinh hoạt hằng ngày thì tháng 9 này sẽ bị âm tiền. "Với những người có thu nhập cao thì những khoản này không thấm vào đâu, nhưng với công nhân, lao động có thu nhập thấp như chúng tôi thì không dễ dàng gì", anh T. nói.
Tương tự, chị N.T.N. ở huyện Ninh Giang cũng có 2 con học mầm non và tiểu học. Với cháu học mầm non đã có thông báo khoản thu như học phí, cô nuôi, chất đốt, trực trưa, nước uống, tiền ăn bán trú, quỹ phụ huynh, đồng phục, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân... Cộng các khoản này đã khoảng 3 triệu đồng. Tính sơ sơ các khoản thu của 2 con đã khoảng 6 triệu đồng, đi đứt 1 tháng lương của chị. "Họp phụ huynh đầu năm học mới luôn là nỗi ám ảnh của những gia đình thu nhập thấp như chúng tôi", chị N. nói.
Ngoài những khoản thu theo quy định, phụ huynh học sinh còn phải "gánh" các khoản thu "tự nguyện" chẳng mấy vui vẻ gì.
Anh T. cho biết tiền đồng phục cho cháu học lớp 6 đã gần 700.000 đồng, mới mặc 1 đến 2 lần đã sờn vải. Chất liệu vải không tương xứng với số tiền bỏ ra. Đặc biệt, mới đây Ban đại diện cha mẹ học sinh thông báo vận động tài trợ tiền để lắp đặt tủ trong lớp học. Thấy không hợp lý nên anh T. chưa đồng tình với khoản thu này, vì việc lắp đặt tủ không cần thiết. "Dù chưa được thống nhất nhưng chiếc tủ đó vẫn được đưa đến trường lắp cạnh bàn của giáo viên trên bục giảng. Nếu sau này không đóng góp theo số đông thì tôi lại sợ con bị ảnh hưởng. Mà đóng góp thì ức chế", anh T. nói.
Còn chị N. thì khá bất ngờ với một số khoản thu của con đang học lớp mầm non 4 tuổi. Chị không hiểu tại sao năm nào cũng đóng góp mà một số khoản thu vẫn khá cao như tiền đồ dùng học tập 470.000 đồng, đồ dùng cá nhân hằng ngày 110.000 đồng. Đặc biệt là tiền vận động tài trợ 250.000 đồng.
Khảo sát một số trường mầm non ở Kinh Môn, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ thì những khoản này đều thu thấp hơn trường con chị N. ở huyện Ninh Giang đang theo học. Một số trường mầm non ở 3 địa phương này chưa thu học phí do chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhưng tiền đồ dùng học tập chỉ từ 150.000- 300.000 đồng/cháu, tiền đồ dùng cá nhân hằng ngày khoảng 90.000 đồng/cháu...
Cũng một trường mầm non khác ở Ninh Giang đã thông báo khoản thu vận động tài trợ cho giáo dục là tiền điều hoà 500.000 đồng/cháu. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng có nhu cầu lắp điều hoà cho con vì điều kiện gia đình khó khăn.
Chị L.T.T. ở TP Hải Dương có con đang học lớp 1. Chị trong Ban đại diện cha mẹ học sinh nên nắm rất rõ các khoản chi tiêu từ quỹ lớp. Như lớp con chị đang theo học đóng quỹ lớp 600.000 đồng/năm. Số tiền này sẽ được chi mua quà tặng giáo viên các dịp kỷ niệm 20.10, 20.11, 8.3. Ngoài ra là chi cho vệ sinh lớp học và một số khoản khác.
Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; sửa chữa xây dựng các công trình nhà trường...
Quy định là vậy nhưng nhiều phụ huynh không đủ can đảm phản đối những khoản thu không hợp lý. Họ không thoải mái hay tự nguyện như tên gọi khoản đóng "tự nguyện". Những gia đình khó khăn, họ vẫn phải còng lưng "gánh" các khoản mang danh nghĩa tự nguyện này, bởi họ không muốn ảnh hưởng đến con. Nhiều phụ huynh cũng đặt câu hỏi tại sao nhiều khoản thu chỉ thông báo bằng miệng để phụ huynh học sinh ghi chép lại mà không in ra giấy...
Để bớt gánh nặng cho nhiều gia đình khó khăn, anh T. thẳng thắn nêu quan điểm: Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc bất kỳ phụ huynh nào không nên quá hăng hái đề xuất các khoản đóng góp không cần thiết. Bởi nhiều gia đình đang phải cố gắng lao động, thắt chặt chi tiêu để đủ chi phí cho con ăn học. Phụ huynh nào có điều kiện nên giữ kín đáo và ủng hộ riêng cho nhà trường, không nên biến các khoản "tự nguyện" thành gánh nặng cho các gia đình khác.
Đến ngày 18.9, Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn cụ thể về thu góp đầu năm học và mức học phí mới. Theo một số lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, tất cả khoản thu tự nguyện, vận động tài trợ phải được Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện hoặc cả phòng và UBND cấp xã xem xét, khảo sát, kiểm tra trước khi phê duyệt.
THẾ ANH