Ở nhiều nơi trong tỉnh, các lò gạch vẫn hoạt động bình thường như chưa hề có lệnh cấm của UBND tỉnh.
5 lò gạch của xã Thăng Long (Kinh Môn) vẫn hoạt động liên tục từ đầu năm đến nay
Dọc triền đê sông Thái Bình, trên địa bàn các xã Đại Đồng, Đông Kỳ, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ), hàng chục lò gạch thủ công vẫn thi nhau nhả khói, trong đó có cả lò liên tục kiểu đứng và lò thủ công có xử lý bằng nước vôi (lò úp vung). Xung quanh các lò, những cáng gạch mộc mới vẫn đang hong khô chờ vào lò. Đất sét được tập kết chất cao 5 - 6 m để phong hóa. Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tứ Kỳ cho biết toàn huyện có 23 lò sản xuất gạch thủ công, trong đó có 15 lò liên tục kiểu đứng và 8 lò úp vung. Hiện nay, có 5 lò liên tục kiểu đứng đã hết thời hạn thuê đất, 8 lò úp vung cũng hết thời hạn sản xuất theo lộ trình của tỉnh và Chính phủ. UBND huyện đã ra 5 quyết định thu hồi đất của các chủ lò liên tục kiểu đứng thuộc xã Đại Đồng, yêu cầu các lò dừng sản xuất gạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, hiện cả 23 lò trên vẫn hoạt động.
Không chỉ ở huyện Tứ Kỳ, trên địa bàn TP Hải Dương và các huyện Thanh Hà, Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Cẩm Giàng và thị xã Chí Linh, cả hai loại lò liên tục kiểu đứng và lò xử lý bằng nước vôi vẫn ngang nhiên đỏ lửa. Nam Sách là huyện thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của UBND tỉnh dừng hoạt động lò gạch thủ công từ ngày 1-1-2016. Hơn 1 tháng trở lại đây, nhiều lò đã nổi lửa trở lại đốt nốt số gạch mộc còn tồn. Hiện nay hơn chục lò trên địa bàn huyện vẫn đỏ lửa, trong đó có cả lò úp vung. Riêng xã Cộng Hòa có 16 lò thì có tới 11 lò đang nung gạch. Tại huyện Kinh Môn, hầu hết các lò đang nhả khói. Riêng xã Thăng Long có 5 lò sản xuất gạch liên tục kiểu đứng chưa bao giờ dừng (trừ nghỉ Tết), kể cả từ khi thực hiện quyết định dừng sản xuất gạch thủ công của UBND tỉnh. Xung quanh lò, máy xúc vẫn vun cao đất, gạch mộc vẫn tiếp tục được sản xuất.
Việc các lò gạch thủ công, trong đó còn một số lò úp vung đang hoạt động bất chấp quy định cấm khiến nhiều người dân bức xúc. Ông Nguyễn Đức Hòa ở xã Cộng Hòa (Nam Sách) cho biết: "Gia đình tôi cùng gia đình ông Khanh, ông Kê, ông Trung, ông Thiệu… thường xuyên trồng màu ở gần 9 lò gạch của xã. Những năm qua, năng suất cây trồng giảm từ 20 - 30%. Tuyến đường sản xuất nông nghiệp ra vùng đất bãi bị xe chở gạch làm hư hỏng nặng, vì thế các phương tiện thu mua nông sản không thể đến tận ruộng, giá nông sản bị giảm nhiều".
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 165 lò sản xuất gạch nung theo phương pháp thủ công. Trong đó có 124 lò liên tục kiểu đứng, 39 lò úp vung, 2 lò Hoffman. Việc dừng hoạt động của các lò gạch thủ công chưa được thực hiện nghiêm túc cho thấy các địa phương thiếu quyết liệt trong thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh. Nhiều lò gạch chưa dừng hoạt động, nguyên nhân là do những năm trước, một số địa phương không tuân thủ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, đã cấp phép cho một số cơ sở sản xuất gạch không đúng quy định. Trên địa bàn tỉnh hiện có 109 trong tổng số 124 lò liên tục kiểu đứng được phép tồn tại, trong đó có 61 lò cấp phép và chấp thuận dự án theo đúng lộ trình của tỉnh, còn 12 lò được UBND cấp huyện phê duyệt thời gian thực hiện dự án hoặc thời gian thuê đất vượt quá năm 2015 (có lò thời hạn sản xuất tới năm 2033); 36 lò không ghi thời gian thực hiện dự án. Sự tùy tiện, không theo lộ trình của UBND tỉnh trong phê duyệt dự án, phê duyệt thời gian thuê đất những năm trước đây của một số huyện như Kinh Môn, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Ninh Giang… làm cho nhiều chủ lò vẫn ngang nhiên sản xuất. Nhiều chủ lò cho rằng do đang còn phép hoạt động, muốn dừng sản xuất, phải đền bù cho họ theo Luật Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn 15 lò liên tục kiểu đứng vẫn đang hoạt động trái phép ở khu vực không có vùng nguyên liệu, không có quyết định phê duyệt quy hoạch. TP Hải Dương có 14 lò và huyện Thanh Hà có 1 lò.
TRUNG TRỰC