Lò gạch thủ công vẫn đốt là do cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt

07/12/2016 18:44

Trong phiên thảo luận tổ chiều 7-12, việc chấm dứt lò gạch thủ công tiếp tục được các đại biểu thảo luận sôi nổi.



Các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Đoàn Việt Hùng (TP Hải Dương) cho biết đến chiều 5-12, thành phố đã dừng đốt 26 trong tổng số 28 lò trên địa bàn, chỉ còn 2 lò cố tình chây ỳ. Trong vài ngày tới, thành phố sẽ tổ chức lực lượng cùng với các xã yêu cầu chủ lò chấm dứt hoạt động. "Tất cả các lò đều không còn lý do để hoạt động. Toàn bộ các văn bản của tỉnh từ trước đến nay đều thống nhất yêu cầu các lò gạch phải chấm dứt hoạt động muộn nhất vào ngày 31-12-2015", đại biểu Hùng nói. Tuy nhiên, đại biểu Hùng chưa yên tâm vì còn một số nơi thực hiện chưa nghiêm nên các chủ lò chỉ tạm dừng và có thể đốt lại bất cứ lúc nào. Thành phố đề nghị ngành điện cắt điện cấp cho các lò gạch, hạt quản lý đê cắt dốc để các chủ lò không thể tổ chức đốt gạch.

Sốt ruột trước việc nhiều huyện chưa kiên quyết thực hiện chỉ đạo của tỉnh chấm dứt lò gạch thủ công, đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách) thẳng thắn cho rằng hoạt động đốt gạch thủ công tại một số huyện vẫn diễn ra sau khi có lệnh cấm của tỉnh là do cấp ủy, chính quyền nơi đó chưa quyết liệt vào cuộc, các cơ quan chức năng chưa quan tâm sát sao. Ở những nơi thực hiện quyết liệt chỉ đạo của tỉnh đang gặp khó khăn khi phải chịu áp lực từ các lò ở gạch vẫn nung đốt ở các huyện khác. Bên cạnh đó là áp lực của Hiệp hội Lò gạch tỉnh và một số cơ quan báo chí ngoài tỉnh tuyên truyền đi ngược lại chủ trương chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công.



Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách)

Đại biểu Hùng khẳng định với thái độ cương quyết, không nhượng bộ, chính quyền huyện Nam Sách đã chấm dứt hoạt động của toàn bộ 32 lò gạch thủ công trên địa bàn huyện, trong đó đã tháo dỡ 2 lò. Để đạt được kết quả này, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền đến các chủ lò cam kết với chính quyền địa phương chỉ được đốt hết số gạch mộc đến ngày 30-6, không được sản xuất, mua bán gạch mộc... Huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương trong huyện tăng cường quản lý, giám sát. Đại biểu Hùng lo ngại đang có tình trạng so bì giữa chủ lò gạch các địa phương khi có nơi làm tốt, nơi thực hiện chưa nghiêm. Từ đó, một số chủ lò trên địa bàn huyện đang nghe ngóng, chờ thời cơ đốt gạch trở lại. Đại biểu Hùng đề nghị các huyện cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt chỉ đạo của tỉnh. Đối với các chủ lò sau khi chấm dứt sản xuất gạch thủ công có nguyện vọng chuyển sang sản xuất theo công nghệ tuynen nếu thấy đủ điều kiện, tỉnh cần tạo điều kiện chuyển đổi cho họ, không nhất thiết phải chờ tất cả các chủ lò trên địa bàn tỉnh.



Ông Nguyễn Hữu Tiến, Bí thư Huyện ủy Kim Thành

Đồng quan điểm với ý kiến của đại biểu Phạm Mạnh Hùng, ông Nguyễn Hữu Tiến, Bí thư Huyện ủy Kim Thành cho biết cấp ủy, chính quyền huyện Kim Thành chấp hành nghiêm túc chỉ đạo chấm dứt lò gạch thủ công của tỉnh. Đến thời điểm này trên địa bàn huyện chỉ còn lò hoffman chưa tháo dỡ, toàn bộ lò thủ công khác đã được tháo dỡ. "Để giữa các địa phương không có sự so bì thì phải tháo dỡ, chuyển sang sản xuất gạch theo công nghệ hiện đại, không ô nhiễm", ông Tiến nói.

Là một trong những địa phương còn nguyên 23 lò gạch thủ công vẫn hoạt động, đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) cho biết đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành điện ngừng cung cấp điện cho các lò gạch thủ công. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện. "Ngành điện không thể tiếp tay cho hoạt động trái pháp luật. Nếu ngành điện không thực hiện nghiêm thì chúng tôi cũng sẽ có biện pháp đối với ngành điện. Rất mong UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết với ngành điện, phối hợp với các địa phương trong việc dừng đốt lò gạch thủ công", đại biểu Sẫm đề nghị. Việc vẫn để toàn bộ số lò gạch thủ công trên địa bàn huyện hoạt động, đại biểu Sẫm thừa nhân huyện cũng còn lúng túng và chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo. Nguyên nhân do một số khó khăn, tồn tại do chấp thuận đầu tư trước đây. "Chúng tôi đang rà soát lại, thậm chí sẽ kiểm tra, thanh tra cơ sở trong quá trình thực hiện pháp luật đất đai để kiên quyết thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh", đại biểu Sẫm nói.

Khai thác cát trái phép cũng được đại biểu Đoàn Việt Hùng (TP Hải Dương) nêu ra tại phiên thảo luận tổ. Đại biểu Hùng cho biết tình hình khai thác cát trái phép diễn ra rất nóng trên các đoạn sông qua các xã Nam Đồng, An Châu và phường Nhị Châu của TP Hải Dương. Cát tặc hoạt động cả ngày lẫn đêm với các vòi hút công suất lớn. Lực lượng chức năng của thành phố mỏng, phương tiện ít nên khó đối phó với các tặc. TP Hải Dương đề nghị tỉnh yêu cầu lực lượng công an vào cuộc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép rất phức tạp hiện nay. "Chỉ có công an vào cuộc thì mới dẹp được cát tặc. Tuy nhiên, ở một số cuộc họp, lực lượng công an cũng kêu khó khăn thì thử hỏi ai làm được việc này?", đại biểu Hùng bức xúc.

NHÓM PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lò gạch thủ công vẫn đốt là do cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt