Ông Olaf Scholz, ứng viên Thủ tướng của Đảng Dân chủ xã hội (SPD) đã ở gần ghế Thủ tướng Đức hơn sau khi hai đảng nhỏ khác đồng ý đàm phán với SPD để thành lập liên minh lãnh đạo mới.
Các cuộc đàm phán ba bên giữa SPD với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP), còn được gọi là "liên minh đèn giao thông" với ba màu biểu trưng xanh lá - đỏ - vàng, bắt đầu từ ngày 7.10.
Nếu họ đạt được đồng thuận, nước Đức sẽ có một liên minh lạ lùng nhất trong nhiều thập niên. Đến nay, đây là kịch bản khả dĩ nhất trong chính trường Đức.
FDP đang đối mặt với thách thức lớn nhất của họ là làm sao để đặt họ vào giữa hai nhóm SPD và Xanh nghiêng về cánh tả.
Bà Julia Klöckner (Phó lãnh đạo của Đảng CDU nhận định)
Tìm tiếng nói chung
"Cử tri Đức đã ủy thác cho chúng ta cùng lập một chính phủ và các thăm dò hiện tại cũng cho thấy đây là mong muốn của người dân.
Việc thực hiện điều đó phụ thuộc vào chúng ta", ông Olaf nói ngày 6.10, cam kết chính phủ mới dưới quyền ông sẽ thúc đẩy hiện đại hóa nước Đức nhưng vẫn bảo đảm chấm dứt tình trạng biến đổi khí hậu.
Như vậy, một liên minh thoạt đầu được coi có triển vọng thấp lúc này lại đang được đánh giá rất cao sau khi FDP nhận lời Đảng Xanh tham gia đàm phán ba bên với SPD.
"Các diễn biến kể từ chủ nhật cho thấy tình hình rất thuận lợi cho liên minh đèn giao thông", chuyên gia Naz Masraff, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Eurasia Group, đánh giá khả năng liên minh này thành công lên đến 75%.
Bà Masraff chỉ ra các tín hiệu tốt cho SDP là sự ủng hộ của đảng này tăng lên trong các cuộc thăm dò cùng các tín hiệu tích cực từ hai đảng nhỏ hơn. Trong khi đó, tình hình của Đảng CSU trong Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) vẫn còn hỗn loạn sau thất bại bầu cử.
Đúng như giới quan sát nhận định, phần khó khăn nhất chỉ mới bắt đầu sau khi cuộc bầu cử ngày 26.9 kết thúc với kết quả sít sao giữa SPD và Liên minh CDU/CSU của Thủ tướng Merkel. Kết quả đó dẫn đến cuộc đua thành lập một liên minh cầm quyền. Những khác biệt có thể khiến quá trình đàm phán kéo dài nhiều tháng.
"Đèn vàng" FDP thiên về tự do, thân thiện với doanh nghiệp và ủng hộ thị trường mở, cam kết cắt giảm thuế và giảm sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế. Trong khi đó, Đảng thiên tả SPD và Đảng Xanh lại muốn dùng sức mạnh nhà nước để hiện đại hóa và đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải carbon vào năm 2045.
Sau khi đồng ý ngồi lại đàm phán, lãnh đạo FDP và Đảng Xanh cũng thừa nhận họ vẫn còn nhiều khác biệt rất lớn về các vấn đề quan trọng như chính sách thuế, bảo vệ môi trường và chi tiêu công.
Đảng Xanh muốn đặt vấn đề chống biến đổi khí hậu là ưu tiên của chính phủ mới, FDP phản đối tăng thuế, trong khi SDP muốn tăng thuế người thu nhập cao và nâng lương tối thiểu.
Tương lai xám của CDU/CSU
Trước động thái của nhóm "đèn giao thông", Chủ tịch CDU Armin Laschet thể hiện quan điểm sẵn sàng đàm phán hình thành "liên minh Jamaica" với ba màu đen - vàng - xanh (gồm CDU/CSU - FDP - Đảng Xanh).
"Chúng tôi vẫn sẵn sàng đối thoại" - ông Laschet nói, song không thể phớt lờ viễn cảnh xám xịt mà đảng của ông đang đối mặt.
Chủ tịch CSU Markus Söder không hy vọng việc có một chính phủ do liên minh bảo thủ đứng đầu. Theo ông Söder, việc Đảng Xanh và FDP đàm phán ba bên với SPD là một "sự từ chối trên thực tế đối với liên minh Jamaica".
"Sự thật là chúng ta cần đối mặt với thực tế rất có thể xảy ra là CDU/CSU sẽ không có vai trò nào trong chính phủ tới đây của Đức", ông Markus Söder nói.
Hy vọng mong manh của CDU/CSU là cả hai đảng Xanh và FDP đều để ngỏ khả năng quay lại đàm phán nếu gặp trục trặc với SDP.
Lãnh đạo FDP, ông Christian Lindner tỏ ra dè dặt khi nói đảng này sẽ chỉ tham gia một chính phủ "củng cố giá trị của tự do và tạo ra động lực thật sự cho cuộc đổi mới đất nước. Chúng tôi sẽ quyết định theo từng bước và xác định sẽ làm gì tiếp theo sau khi đàm phán".
Những người kết nối liên minh
Trước những khác biệt rất lớn giữa ba đảng, ông Scholz được kỳ vọng sẽ là người kết nối để thành lập liên minh. "Ông ấy đáng tin cậy và tỉnh táo, và đó là những gì bạn cần trong những cuộc nói chuyện như thế này", ông Johannes Fechner, một thành viên của SDP nói.
Ông Scholz, cựu Bộ trưởng Tài chính Đức năm 2018, từng thể hiện tài năng đàm phán trong nhiều vấn đề. Ông là người đứng sau thành công của thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu được 130 quốc gia đồng ý vào tháng 7.2021.
Trong khi đó, đồng lãnh đạo Robert Habeck của Đảng Xanh và Tổng Thư ký của FDP Volker Wissing, người xây dựng liên minh thử nghiệm "đèn giao thông" năm 2016 tại bang Rhineland-Palatinate, cũng là những nhà đàm phán kỳ cựu.
Theo Tuổi trẻ