Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, nhiều người từ tỉnh ngoài sẽ về Hải Dương kéo theo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, làm tăng số ca bệnh có yếu tố ngoại lai.
Tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội - địa phương cách Hải Dương chỉ vài chục km vẫn đang diễn biến phức tạp với hơn 5.000 ca mắc. Thời gian qua, không ít người Hải Dương đang công tác, sinh sống, học tập ở Hà Nội mắc sốt xuất huyết khi về địa phương đã mang theo mầm bệnh, làm lây lan ra cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay, Hải Dương ghi nhận ít nhất 30 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có yếu tố ngoại lai (đi từ tỉnh ngoài về). Ổ dịch sốt xuất huyết mới nhất bùng phát tại xã An Sơn (Nam Sách) cũng khởi nguồn từ một người đàn ông di chuyển từ vùng dịch ở Hà Nội về. Vợ của người này sau đó cũng mắc sốt xuất huyết. Ngoài Hà Nội, khả năng nhiều người Hải Dương đang sinh sống tại một số “điểm nóng” về dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam cũng sẽ về quê trong dịp nghĩ lễ 2/9 năm nay làm tăng nguy cơ bùng phát dịch.
Từ tháng 7 đến nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Hải Dương nhiều hơn những tháng trước đó. Các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành, Gia Lộc đã xuất hiện các ổ dịch mới. Đáng chú ý, một số địa phương như xã Thanh Quang (Nam Sách) sau hàng chục năm mới lại xuất hiện dịch. Ngoài các ổ dịch đang hoạt động, nhiều địa phương thuộc 9 trong số 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vẫn xuất hiện rải rác các ca bệnh.
So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hải Dương thấp hơn và chưa ghi nhận bệnh nhân tử vong. Hiện dịch bệnh này vẫn được kiểm soát tốt song nguy cơ bùng phát các ổ dịch, số lượng bệnh nhân mới tăng lên là không hề nhỏ.
Ngành y tế lưu ý thời tiết mưa nắng, nóng ẩm đan xen hiện nay rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Kết quả giám sát do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế tuyến huyện thực hiện tại nhiều địa phương cho thấy chỉ số véc tơ muỗi, loăng quăng hiện rất cao. Trong khi đó, nhận thức, ý thức phòng chống dịch sốt xuất huyết của một bộ phận không nhỏ người dân chưa được cải thiện. Nhiều gia đình vẫn để cỏ dại, cây cối trong vườn phát triển rậm rạp, chưa quan tâm vệ sinh môi trường.
Sự chủ động trong phòng chống dịch của chính quyền nhiều địa phương còn hạn chế, chỉ đến khi trên địa bàn xuất hiện ổ dịch mới triển khai các biện pháp phòng dịch theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Những điều này nếu không được cải thiện kết hợp với lượng người từ tỉnh ngoài về nhiều trong dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay rất có thể sẽ khiến dịch sốt xuyết huyết bùng phát trên diện rộng.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ xảy ra biến chứng và tử vong cao. 8 tháng đầu năm, cả nước đã có 14 bệnh nhân tử vong. Tại Hải Dương, thời gian gần đây đã xuất hiện bệnh nhân mắc sốt xuất có biểu hiện sốc hoặc xuất huyết nặng phải truyền máu. Nhiều người dù đã được điều trị khỏi nhưng vẫn để lại những hậu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ, công việc. Đáng lưu ý là hiện vẫn chưa có bất kỳ phương pháp hay loại thuốc đặc hiệu nào trị được bệnh này…
Để ngăn dịch sốt xuất huyết bùng phát và lây lan trên diện rộng dịp nghĩ lễ 2/9 năm nay, các địa phương cần vào cuộc thực chất, quyết liệt bằng các biện pháp cụ thể. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư phòng dịch cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát động nhân dân ra quân tổng vệ sinh môi trường, phát quang cây cối, bụi rậm, khơi thông cống rãnh, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết tại nơi ở. Tích cực phun thuốc diệt muỗi, loăng quăng, bỏ màn khi ngủ… Các gia đình vận động người thân ở tỉnh ngoài nếu có biểu hiện mắc sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời và không về nhà trong những ngày nghỉ lễ.
Ngành y tế cần chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, nhất là bệnh sốt xuất huyết; xây dựng phương án thu dung, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp điều trị tại nhà trong trường hợp xảy ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện…
TIẾN MẠNH