Lo cho “thương hiệu” một làng nghề

28/05/2013 10:07

Nghề làm dây thừng bằng bao dứa ở thôn My Trì đã có từ lâu với những sợi dây làm bằng thủ công bền đẹp.


Tuy nhiên, khi đưa máy móc vào sản xuất thì chất lượng giảm sút, làm nhiều người My Trì lo ngại cho "thương hiệu" làng nghề.




Mỗi ngày cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Tâm làm ra 1.000 đôi dây thừng. Trong ảnh: Se dây thừng bằng máy


Chúng tôi đến thôn My Trì, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) vào một ngày cuối tháng 5. Mặc dù đang trong thời điểm bà con nông dân bước vào vụ thu hoạch lúa chiêm xuân, song nhiều đoạn đường thay vì được phủ một màu vàng óng của rơm lại trở nên trắng xoá bởi những chiếc bao dứa- nguyên liệu để quay dây thừng.

Ít nhưng tinh

Bà Nguyễn Thị Tho, người có thâm niên gần 10 năm làm dây thừng chia sẻ: "Làm dây thừng không khó và hầu như không phụ thuộc vào bất cứ điều gì, kể cả thời gian hay thời tiết, bởi vậy ngay cả ngày mùa không chỉ ngồi nhà phơi rơm, phơi thóc… tôi cũng tranh thủ quay thừng để thêm được đồng nào hay đồng ấy…"

Việc quay dây thừng rất đơn giản, trong khi đó nguyên liệu dễ kiếm, nhà nào neo người một mình cũng có thể thực hiện được tất cả các công đoạn từ giặt bao, gỡ sợi đến quay thừng, chỉ tới khâu cuối mới cần 2 người. Từ 1 kg nguyên liệu (6.000 đồng), bà con sản xuất ra 20 đôi thừng (giá từ 1.800 đồng- 2.200 đồng/đôi). Nếu làm tích cực mỗi người có thể quay được 30 đôi/ngày, trừ chi phí, lãi khoảng 45 - 50 nghìn đồng. Mặc dù thu nhập thấp hơn so với những công việc khác, song nhiều bà con trong thôn vẫn gắn bó với nghề, bởi quay thừng không mất nhiều sức lao động, bà con có thể vừa quay thừng vừa làm việc nhà. Thôn My Trì hiện có trên 1.200 nhân khẩu. Trước kia sản phẩm dây thừng làm ra chủ yếu được dùng để phục vụ bà con trong thôn, trong xã, nhưng gần đây nhu cầu sử dụng dây thừng để buộc giàn giáo cho các công trình xây dựng tăng mạnh, người dân làm ra bao nhiêu đều được thu mua hết. Vài năm trước, nghề làm dây thừng ở đây khá phát triển. Trong thôn có tới gần chục hộ đi khắp các nơi thu mua bao dứa, trên 100 người trực tiếp quay dây, hơn chục người đứng ra thu mua sản phẩm. Không chỉ phụ nữ và thanh niên, ngay cả nam giới và người già, trẻ nhỏ trong thôn cũng làm nghề. Gần đây trên địa bàn thôn xuất hiện nhiều doanh nghiệp thu hút nguồn lao động nên số lượng người làm nghề dây thừng giảm nhiều. Hiện tại trong thôn chỉ còn khoảng 25-30 người làm nghề, chủ yếu là phụ nữ trung tuổi. Chị Cao Thị Lan, chuyên thu mua dây thừng của bà con trong thôn cho biết: "Thừng làm thủ công nên bền chắc, được thị trường ưa chuộng. Tôi thường chở hàng đi giao bán cho các cơ sở thuộc nhiều huyện trong tỉnh, mỗi ngày tiêu thụ được từ 800-1.000 đôi".

Nhiều nhưng chưa tốt

Mới đây một vài hộ trong thôn đã chung vốn đầu tư máy móc hiện đại, kinh phí xây dựng xưởng, mua nguyên liệu về sản xuất. Theo anh Nguyễn Văn Tâm, 32 tuổi, chủ một cơ sở sản xuất dây thừng, việc sản xuất bằng máy có ưu điểm là nhanh và cho số lượng lớn. Nguyên liệu dùng để làm dây thừng không phải bao dứa mà là nhựa tổng hợp đã qua tái chế. Khác với làm thủ công, việc se dây thừng bằng máy không mất nhiều công, chỉ cần một người đứng phân loại, chia số lượng dây rồi buộc vào đầu máy se, một người cầm dây chạy thẳng sang đầu máy bên kia, mọi thao tác sau đó đều được thực hiện bằng một cú đóng điện.  Được biết, mỗi ngày cơ sở của anh Tâm làm ra khoảng 1.000 đôi, tăng gấp 30 lần so với làm thủ công. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm dây thừng làm bằng máy không bền bằng làm thủ công, dây dễ đứt hơn. Bên cạnh đó, việc sản xuất dây thừng theo kiểu này cũng phụ thuộc vào nhiều thứ như: mặt bằng, nhân công, điện, đặc biệt là thời tiết quá nắng hoặc mưa, việc sản xuất đều bị ngưng trệ. Theo nhiều người dân trong thôn, sản xuất thủ công sản phẩm làm ra không nhiều, thu nhập không cao, nhưng làm bằng máy lại cần nhiều vốn, mặt bằng. Hơn nữa, cứ sản xuất ồ ạt theo phong trào, trong khi không có cơ sở nào đứng ra hợp đồng thu mua, thì việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn. Và quan trọng hơn là chất lượng sản phẩm thấp sẽ làm ảnh hưởng đến "thương hiệu" làng nghề. Đó cũng chính là những khó khăn, trăn trở của không ít người làm dây thừng ở thôn My Trì cần được tháo gỡ.

HOÀNG NẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo cho “thương hiệu” một làng nghề