Sau 3 tháng phải nghỉ học để phòng dịch Covid-19, nhiều học sinh lớp 1 đã bị "rơi rụng" kiến thức, không ít em quên cách đánh vần và làm toán...
Nhiều học sinh lớp 1 đọc chậm, viết sai chính tả sau thời gian nghỉ học kéo dài. Trong ảnh: Tiết học tiếng Việt ở lớp 1B Trường Tiểu học Tứ Cường, huyện Thanh Miện (ảnh minh họa)
Không được đến trường trong 3 tháng liên tục, nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1 đã bị quên kiến thức, kỹ năng. Việc giúp những học sinh này đọc thông, viết thạo trước khi năm học 2019-2020 kết thúc là nhiệm vụ
của không chỉ riêng ngành giáo dục.
Quên cách đánh vần, cộng trừ
Sáng 4.5, học sinh tiểu học trong toàn tỉnh đi học trở lại sau 3 tháng phải nghỉ ở nhà để phòng chống dịch Covid-19. Mặc dù học sinh đã có một giai đoạn tham gia học trực tuyến, song không ít em, nhất là học sinh lớp 1 vẫn bị "rơi rụng" kiến thức, kỹ năng.
Chị Trần Thị Nhi, giáo viên Trường Tiểu học Hà Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết trong học kỳ 1, cả 33 học sinh lớp 1 do chị phụ trách học khá đều 2 môn tiếng Việt và toán. Tuy nhiên, sau ngày đầu tiên đi học trở lại, chị thấy cả lớp có gần chục em đánh vần lâu, viết chậm, chưa đúng chính tả, viết không đúng độ cao, chiều rộng con chữ. Ở môn toán, nhiều em làm các bước giải, trình bày bài còn lúng túng, nhất là phần giải toán có lời văn. "Ngay sau buổi học đầu tiên, tổ chúng tôi đã phải họp và đề ra một số giải pháp khắc phục những hạn chế này cho học sinh", chị Nhi nói.
Chị Lương Thị Hường, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Văn An (Chí Linh) thông tin: "Ở lớp tôi, một số em đọc chậm, chữ viết xấu, còn gạch xóa. Ở môn toán, số học sinh tính toán chậm nhiều hơn kỳ 1".
Trong giai đoạn học sinh phải nghỉ ở nhà để phòng chống dịch, các trường tiểu học trong tỉnh đều chỉ đạo giáo viên tổ chức học trực tuyến để ôn tập kiến thức học kỳ 1 và dạy kiến thức mới học kỳ 2 cho các em. Đa số giáo viên lớp 1 tại các trường tiểu học đều thực hiện được việc này, nhưng thực tế vẫn còn những người chưa làm được. Một giáo viên dạy lớp 1 xin giấu tên cho biết: "Thú thực là tôi có 1-2 buổi dạy nhưng không thành công. Phần vì đường truyền hạn chế, phần vì không ít nhà thiếu thiết bị cho con học. Kể cả những gia đình có thiết bị nhưng còn chưa biết cài đặt, sử dụng phần mềm. Một số gia đình chưa quan tâm hỗ trợ con trong lúc học. Có em gác chân lên bàn, nghịch, nô đùa khi học... nên tôi không thể dạy được".
Chị Nguyễn Thị Sen, giáo viên Trường Tiểu học Tân Kỳ (Tứ Kỳ) hướng dẫn học sinh lớp 1 luyện chính tả
Nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp 1 khi được hỏi cho biết việc dạy học trực tuyến rất vất vả. Bình thường mỗi tiết dạy trực tuyến, giáo viên phải dành 60 phút để dạy trong khi dạy trực tiếp chỉ mất 40-45 phút. Việc quản lý, kèm cặp học sinh lớp1 trên lớp đã vất vả, học trực tuyến còn vất vả hơn. Giáo viên không thể kiểm tra, uốn nắn từng nét chữ trong học môn tiếng Việt, giúp các em tính toán từng phép cộng, trừ trong môn toán khi dạy trực tuyến. Học sinh nào ngoan, ý thức tốt, đủ thiết bị, bố mẹ quan tâm kèm cặp thì tiếp thu bài được. Nhưng với những em chểnh mảng, phụ huynh bận công việc, ít quan tâm thì gần như các em khi trở lại trường học rất chậm. Cá biệt có một số học sinh lớp 1 quên cả cách đánh vần, cộng trừ. Những em không học trực tuyến khi đi học trở lại đọc chậm, viết xấu, quên một số phần giải toán.
Nhà trường, phụ huynh cùng vào cuộc
Nội dung kiến thức của học sinh lớp 1 trong học kỳ 2 được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không nhiều, nhất là ở 2 môn cơ bản là tiếng Việt và toán học. Môn tiếng Việt không giảm số tiết mà chỉ tinh giản một số nội dung như phần chữ viết hoa, tập viết. Riêng phần chính tả và luyện đọc vẫn phải thực hiện để bảo đảm chuẩn kiến thức đầu ra. Môn toán học chỉ tinh giản nội dung về điểm ở trong và điểm ở ngoài, còn các nội dung khác vẫn dạy bình thường. Riêng các môn tự nhiên xã hội, thủ công, thể dục, âm nhạc, mỹ thuật... được tinh giản khá nhiều nội dung trong học kỳ 2.
Học sinh tiểu học trong tỉnh phải hoàn thành chương trình vào ngày 10.7. Như vậy, tính từ thời điểm này, học sinh lớp 1 chỉ còn hơn 2 tháng để hoàn thành các nội dung kiến thức học kỳ 2. Một số nhà quản lý giáo dục nhận định, khoảng thời gian này là đủ để giúp những học sinh còn hạn chế bảo đảm kiến thức đầu ra nếu nhà trường và phụ huynh có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ.
Hầu hết các trường tiểu học đã có kế hoạch để hỗ trợ những học sinh không được học trực tuyến hoặc có học nhưng vẫn chậm tiếp thu, trong đó có học sinh lớp 1. Cụ thể, các trường sẽ tổ chức cho những em không được học trực tuyến hoặc có học nhưng bập bõm theo từng khối để giao cho giáo viên cốt cán bổ trợ thêm kiến thức. Nhiều trường chỉ đạo giáo viên kết hợp dạy kiến thức mới ở trường và dạy trực tuyến vào thời gian thích hợp để ôn tập, củng cố thêm kiến thức cho các em. Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Thị Hưng cho biết: "Ngoài việc vẫn duy trì dạy ôn tập trực tuyến, giáo viên các trường có thể tổ chức dạy trực tuyến vào buổi chiều hoặc tối để củng cố kiến thức cho các em. Bên cạnh đó tăng cường trao đổi, phối hợp với phụ huynh trong việc hỗ trợ các em học tập, bảo đảm yêu cầu".
Nhiều giáo viên cho rằng ngoài trách nhiệm của nhà trường, các phụ huynh cũng cần quan tâm tới việc học của con. Anh N.Đ.P, một phụ huynh ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) có con đang học lớp 1 thừa nhận thời gian vừa rồi mải mê công việc, ủy thác cho bố mẹ già trông nom mà chưa quan tâm đến việc học của con. Khi nghe cô giáo nói con quên nhiều kiến thức, viết chữ xấu, làm toán chậm vợ chồng anh P. cảm thấy vừa ngại, vừa áy náy. "Vợ chồng tôi sẽ cùng với cô giáo chủ nhiệm quan tâm hơn đến cháu trong thời gian còn lại của năm học", anh P. khẳng định.
BÌNH MINH