Những năm gần đây, cá rô phi sinh sôi, phát triển mạnh trên nhiều tuyến kênh, kể cả những tuyến kênh bị ô nhiễm khiến người tiêu dùng lo lắng về chất lượng loại cá này.
Cá rô phi có nhiều trên các tuyến kênh bị ô nhiễm đang là mối lo của nhiều người
Sống khỏe ở kênh đenTheo kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Ứng, người từng nhiều năm đánh bắt cá trên sông Sặt, "hễ cứ sau một trận mưa to thế nào cá rô phi trên kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng cũng nổi dày như cám". Theo gợi ý của ông, hơn 6 giờ sáng 15-9, tôi đã có mặt tại kênh này, đoạn trước cổng Trường THPT Lương Thế Vinh. Đúng như lời ông Ứng, trên kênh nước đen ngòm, cá rô phi ngoi những đám lớn. Ông Nguyễn Văn Hưng ở khu 1, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) đang bắt ốc bươu vàng trên kênh cho biết: "Gần đây, cá rô phi trên kênh này nhiều lắm. Có hôm tôi thấy cá rô phi nổi dày đặc phải đến gần 5 m. Nếu dùng lưới vét để bắt dễ thu được đến hàng chục cân cá".
"Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy thuyền chài đánh lưới rồi mang cá ra chợ Hui để bán. Cá rô phi đánh ở sông thường bé, con to cũng chỉ khoảng 5 lạng còn lại phần lớn cá bé chỉ bằng ba, bốn đầu ngón tay. Người dân ở đây chỉ bắt cá cho chó mèo chứ không ai dám ăn cá rô phi trên sông này vì sợ ăn vào nhiễm bệnh" |
Tuyến kênh Bá Liễu - Trại Vực, nước kênh đen ngòm, vào mùa nước cạn nhiều đoạn sông bốc mùi hôi thối nhưng lại là môi trường sống tốt của loại cá rô phi. Ông Đoàn Văn Thu ở thôn Trại Vực, xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) cho biết: "Trước đây sông này còn sạch nên có rất nhiều cá trắm, trôi, diếc, rô đồng và rô phi. Nhưng gần đây sông này ô nhiễm nên nhiều loại cá không sống nổi, duy chỉ có cá rô phi là sống khỏe, sinh sôi nảy nở nhanh. Mỗi sáng mùa hè, nhất là những hôm trời oi nóng, cá ngoi dày trên mặt kênh. Mỗi lần đem lưới ra đánh cũng được vài cân".
Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cá rô phi có thể sinh sôi và phát triển nhanh ở các kênh bẩn do đây là loài cá khỏe, có thể sống được trong môi trường nước chứa nhiều tạp chất. Đặc biệt, loài cá này sinh sản rất nhanh. Cá rô phi có thể sống được ở nguồn nước có hàm lượng a-mô-ni-ắc tới 2,4 mg/lít và lượng ô-xy chỉ có 1 mg/lít. Nó chịu nhiệt tới 42 độ C và chịu lạnh ở 11 độ C. Hằng năm, cá rô phi có thể đẻ trứng từ 6-11 lần. Cá cái đẻ mỗi lần khoảng 200 trứng vào trong ổ tự tạo, sau đó con đực làm cho trứng thụ tinh. Trứng sau khi đã thụ tinh được cá ngậm ở miệng cho tới tận lúc nở, mỗi lần đẻ 1.000 - 2.000 trứng và đẻ nhiều lần. Vì lẽ đó nên trên nhiều tuyến kênh bẩn, cá rô phi vẫn có thể phát triển rất nhanh và lấn át nhiều loài cá khác. Cũng theo ông Tình, hiện nay phần lớn cá rô phi được các hộ nuôi trong ao là cá rô phi đơn tính đực, được chọn tạo cẩn thận, còn cá rô phi trên các tuyến kênh phần lớn là cá rô phi sinh sản hữu tính nên khi có điều kiện thuận lợi cá phát triển rất nhanh.
Đánh bắt chỉ để bánTheo tìm hiểu của chúng tôi, người dân sống ven kênh Thạch Khôi- Đoàn Thượng bắt cá về không dám ăn nhưng lại đem đi bán. “Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy thuyền chài đánh lưới rồi mang cá ra chợ Hui để bán. Cá rô phi đánh ở sông thường bé, con to cũng chỉ khoảng 5 lạng còn lại phần lớn cá bé chỉ bằng ba, bốn đầu ngón tay. Người dân ở đây chỉ bắt cá cho chó mèo chứ không ai dám ăn cá rô phi trên sông này vì sợ ăn vào nhiễm bệnh", bà Phạm Thị Nhởn, người dân khu 1, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) nói.
Dạo một vòng quanh chợ cóc trên đường Bình Lộc, chúng tôi bị thu hút bởi lời chào hàng của chị Q., thường xuyên bán cá tại chợ này. Theo lời giới thiệu của chị, cá chị bán hoàn toàn là cá sông sạch, thịt thơm, ăn không tanh như cá nuôi trong ao. Trong chiếc thau đầy cá rô phi của chị Q., con to nhất chỉ khoảng hơn 1 lạng. Cá được đánh sạch vẩy, lọc thịt và bán với giá 50 nghìn đồng/kg. "Cá được đánh bắt ở ngay sông Sặt, trung bình mỗi ngày tôi bắt được khoảng 10 kg cá rô phi, hôm nào nước cạn thì nhiều hơn", chị Q. cho biết. Để tìm được nguồn gốc "cá sông sạch" như chị Q. giới thiệu, chúng tôi đã tìm đến nơi gia đình chị đánh bắt cá. Ngay đoạn gần cầu Cất, cống nước thải của khu dân cư đổ thẳng ra sông Sặt, nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Không chỉ có một cống nước thải này, dọc theo hai bờ sông Sặt, chảy vào địa phận TP Hải Dương còn có từ 4-5 cống nước thải như vậy.
Cần lấy mẫu kiểm tra
Kết quả quan trắc, phân tích môi trường nước do Chi cục Thủy lợi phối hợp với Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) công bố mới đây cho thấy toàn tỉnh có 14 tuyến kênh bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm hữu cơ, hàm lượng NH4+-N, NO2-N vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Tuyến kênh T6 Vạn Thắng có hàm lượng PO43--P, F-, BOD5, COD, sông Nguyễn Văn Bé có hàm lượng PO43--P vượt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, các tuyến kênh như: Bá Liễu - Trại Vực, Thạch Khôi - Đoàn Thượng thông số Fecal. Coli vượt quá quy chuẩn cho phép. Theo các cơ quan trên, nếu không có biện pháp xử lý, khi sử dụng nguồn nước này để tưới dưỡng cho cây trồng, nuôi thủy sản sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất sản phẩm. Vì thế, nhiều người dân khi mua cá rô phi ở các chợ lo lắng về độ an toàn vệ sinh của loại cá này. Ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: "Cá rô phi sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nước bị ô nhiễm, lại là loại cá ăn tạp nên chúng ăn bất cứ thứ gì thải ra kênh mương, bao gồm cả các chất độc hại. Những chất này không gây ngộ độc cấp tính, nhưng nếu ăn loại cá nhiễm các chất độc này sẽ tích luỹ và gây hại cho sức khoẻ về sau".
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) lấy 18 mẫu nông sản để đánh giá mức độ an toàn sản phẩm theo kế hoạch lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm nông nghiệp định kỳ. Tuy nhiên, trong số những nông sản được kiểm nghiệm lần này không có các mẫu cá. Để bảo vệ sức khỏe người dân, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc kiểm nghiệm chất lượng cá rô phi được bày bán ở các chợ để người dân an tâm sử dụng. Về lâu dài, các cơ quan trong tỉnh cần quan tâm bảo vệ nguồn nước tại các sông để tránh ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
HIỀN ANH