Bằng tinh thần thép, những người lính công binh luôn bình tĩnh đối mặt, vượt qua những phút giây căng thẳng khi xử lý bom, mìn tồn sót...
Lực lượng công binh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh di chuyển quả bom được phát hiện tại xã Nam Chính (Nam Sách) đến khu vực hủy nổ
Chưa bao giờ run sợ
Chiều 7.4.2017, tại cánh đồng bãi Chi Đoan, xã Cộng Hòa (Nam Sách), cùng với nhiều người dân hiếu kỳ, chúng tôi đứng ngoài khu vực nguy hiểm để dõi theo những người lính công binh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) hủy nổ quả bom có trọng lượng 500 bảng Anh (tương đương 250 kg). Từ xa nhìn lại, chỉ thấy những bóng quân phục xanh di chuyển nhanh nhẹn trong khu vực hủy nổ.
Gần 1 giờ trôi qua, quả bom được hủy nổ thành công. Các chiến sĩ công binh lại khẩn trương bắt tay thu dọn những mảnh bom tại khu vực hủy nổ, rồi san lấp đất...
Quân phục còn vương bụi đất, gương mặt loáng mồ hôi, đại úy Nguyễn Đức Vượng, Trợ lý Ban Công binh - người vừa một mình liên kết dây điện gây nổ vào thân bom ở dưới hố sâu - nhẹ nhõm nở nụ cười. Tôi hỏi: "Anh có sợ không?", đại úy Vượng lắc đầu: "Chưa bao giờ run sợ". Anh bảo, lúc một mình đối mặt với quả bom, chỉ biết tập trung toàn bộ tinh thần, kiến thức để thao tác sao cho tuyệt đối chính xác.
Sinh năm 1985, về công tác ở Ban Công binh hơn 7 năm, đã tham gia hủy nổ bom, mìn khoảng chục lần, nhưng đại úy trẻ này nhớ nhất là vụ hủy nổ thành công 32 quả bom, mìn các loại ở Thanh Miện vào đầu năm2016. Khi ấy, nhận được tin báo của nhân dân địa phương về việc phát hiện nhiều bom, mìn trong quá trình thi công hố chôn lấp rác, lực lượng công binh đã huy động toàn bộ quân số, có mặt kịp thời. Tình huống trở nên cực kỳ nguy hiểm khi bom, mìn được phát hiện nằm dưới những hố sâu, lẫn với rác thải và liên tục bốc khói, phát lửa xanh. Cán bộ, chiến sĩ của ban chỉ có thể xuống hố dò tìm được khoảng 5-10 phút là phải lên thay ca nhau vì bị ngạt khí, khó thở. "5ngày đêm liên tục, anh em thay nhau túc trực, bơm nước vào, xả nước ra để dập khói ở các hố có bom mìn", anh Vượng kể lại. Cũng trong thời gian đó, họ thay nhau dò tìm, mò vớt dần từng quả bom, mìn. "Cứ dò được một quả, thì vớt lên một quả, rồi lại đưa máy xuống dò tiếp". Thận trọng, tỉ mỉ và chính xác, các anh đã lần lượt vớt lên được 32 quả bom, mìn, tập trung vào một hố để hủy nổ.
Có loại bom phải được giữ nguyên hướng trong quá trình di chuyển (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Văn Phúc
Mỗi khi tham gia một vụ hủy nổ, thiếu tá Phùng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Công binh cũng chỉ nói với gia đình: "Hôm nay đi công tác". Với các anh, mỗi lần thực hiện hủy nổ bom, mìn, nhiệm vụ lớn hơn chính là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân trên địa bàn. Trước khi hủy nổ hơn 300 quả bom bi ở bãi sông thôn Đồng Chấm, Tiền Phong (Thanh Miện) vào buổi sáng một ngày đầu năm 2008, thiếu tá Hùng cũng chỉ ôm hôn con đầu lòng mới sinh lâu hơn một chút, rồi bình thản đi làm nhiệm vụ, mặc dù lần hủy nổ đó vô cùng phức tạp. Trước đó, nhận được tin nhân dân phát hiện số lượng bom bi lớn trên bãi sông, ngay lập tức các anh cắt cử lực lượng xuống nắm tình hình. Đánh giá bước đầu, thiếu tá Hùng nhận thấy đây là loại "bom bi quả ổi" với kích thước mỗi quả bằng cái chén và số lượng có thể rất nhiều. Công việc canh gác, bảo đảm an toàn cho nhân dân được khẩn cấp triển khai. Đợi cho thủy triều xuống, các anh huy động lực lượng thu gom hết số bom bi nằm rải rác trên bãi sông. Kiên nhẫn dò tìm, kiên nhẫn nhặt, gom từng quả bom. Khó nhất là nếu nhặt lên thế nào thì phải giữ nguyên hướng như thế. Di chuyển từng quả bom phải cẩn trọng, nhẹ nhàng, gom vào thùng chứa vì đây là loại bom rất nguy hiểm, chưa bao giờ cán bộ, chiến sĩ tiếp xúc trên thực tế. "Đặc điểm của loại bom này là khó nhận biết vị trí kíp nổ, không biết kim hỏa sẽ giải phóng ở điểm nào", thiếu tá Hùng nhớ lại. Sau khi gom nhặt được hơn 300 quả bom, rà đi rà lại hơn 1.000m2 bãi sông, khẳng định là khu vực đã "sạch" bom, mìn, đơn vị mới quyết định hủy nổ.
Tâm sự về nghề, với kinh nghiệm hơn 15 năm rà phá, khắc phục, xử lý bom, mìn, trung úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Quang Vĩ, nhân viên Ban Công binh nhẹ nhàng chia sẻ: “Những loại bom, mìn cũ còn tồn sót lại sau chiến tranh đa phần đã bị hoen rỉ phần vỏ nhưng ngòi nổ thì vẫn còn nguyên công năng nên rất nguy hiểm, phức tạp, không biết phát nổ lúc nào. Đây là công việc đòi hỏi mỗi người lính công binh chúng tôi phải tập trung cao độ, không được phép lơ là, chủ quan. Bởi chỉ một sai sót nhỏ có thể phải trả giá bằng tính mạng của bản thân và đồng đội".
Vượt qua mọi khó khăn
Năm 2013, nhận nhiệm vụ phá dỡ lô cốt do Pháp xây dựng trên đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương), cán bộ, nhân viên Ban Công binh dành nhiều thời gian để nghiên cứu tìm phương án phù hợp. Những lô cốt kiểu này vốn rất khó phá dỡ vì được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, xi măng mác cao. Riêng lô cốt này càng khó phá dỡ vì có nhà dân xây sát bên cạnh.
Lực lượng công binh hủy nổ thành công quả bom từ trường loại 250 kg ở huyện Nam Sách. Ảnh: TH
Để bảo đảm an toàn cho dân, đơn vị đã mượn giàn giáo xây dựng chống đỡ trong nhà dân. Tường lô cốt được đục thử bằng tay để thăm dò kết cấu. Qua khảo sát cho thấy không thể đánh bằng thuốc nổ vì ảnh hưởng đến nhà dân. Nhiều phương án được đưa ra thay thế và đơn vị chọn phương án đưa máy xúc công suất lớn vào phá dỡ. Nhưng cả 2 lần, máy xúc đều bị cháy trong quá trình thi công.
Phương tiện hiện có của đơn vị không đủ công suất để phá dỡ. Cả đơn vị trăn trở tìm phương án khác. Rồi Ban Công binh thống nhất đề xuất với cấp trên mượn máy xúc công suất lớn hơn của đơn vị xây dựng công trình của Quân khu 3. Cẩn trọng từng bước trong thi công, sau hơn 2 tháng, đơn vị mới hoàn thành toàn bộ việc tháo dỡ lô cốt này, trả lại vỉa hè thông thoáng cho nhân dân. Hộ dân liền kề được bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Lực lượng lính công binh thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh còn tham gia và hoàn thành nhiều nhiệm vụ rà soát bom, mìn phục vụ các dịp lễ, các ngày kỷ niệm lớn của tỉnh; phục vụ các dự án phát triển kinh tế của địa phương; tham gia xây dựng các công trình quốc phòng... Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Ban Công binh đã tham gia dò bom, mìn trên 199 ha; phát hiện và hủy nổ thành công 71 quả bom, mìn; 62 quả đạn các loại, tháo dỡ 6 lô cốt. Nhiều quả bom có trọng lượng lớn tồn sót sau chiến tranh đã được hủy nổ thành công. Quả bom lớn nhất được phát hiện từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh là loại 2.000 bảng Anh (gần 1.000 kg) tại khu vực cầu Phú Lương (TP Hải Dương) năm 2014.
Tiếp xúc với những người lính công binh hầu hết có tuổi đời còn khá trẻ, chúng tôi thấy dù hiểm nguy như thế nhưng họ chưa bao giờ ngại khó. Thiếu tá Hùng và các anh em trong đơn vị không bao giờ kể với gia đình về những hiểm nguy mà họ phải đối mặt. Ngược lại, anh em luôn lạc quan, động viên nhau hoàn thành mọi nhiệm vụ. Bất cứ lúc nào, chỉ cần nhận được tin báo của nhân dân, những người lính công binh đều lập tức lên đường. Khi trực tại đơn vị, họ lại say sưa tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi với nhau những kiến thức mới về các loại bom, mìn, quân khí mới.
Chỉ vào bản đồ đánh giá tác động ô nhiễm bom, mìn do chiến tranh trên địa bàn tỉnh, thiếu tá Phùng Mạnh Hùng trăn trở vì còn rất nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực cầu Phú Lương cũ (TP Hải Dương), cầu Lai Vu (Kim Thành)... còn có nguy cơ cao về tồn sót bom, mìn. Mặc dù đã cố gắng ở mức cao nhất, nhưng các anh vẫn chưa thể khẳng định đã bảo đảm an toàn tuyệt đối trên địa bàn toàn tỉnh. Trăn trở này càng thôi thúc các anh càng khẩn trương, kịp thời hơn mỗi khi thực hiện nhiệm vụ.
"Những lúc một mình âm thầm dưới hố sâu 5 m với một quả bom, khối lượng nổ cùng thiết bị mang dây điện gây nổ - giây phút hiểm nguy ấy ai mà không sợ?", thiếu tá Hùng chia sẻ. Đó là giây phút chuẩn bị để hủy nổ bom và chỉ có một người lính công binh đảm nhiệm. Nhưng vượt qua nỗi sợ hãi, thầm lặng làm tròn nhiệm vụ giữa thời bình, những người lính công binh đang viết tiếp trang sử hào hùng của những người "đi trước về sau".
LINH VY