Nơi Tâm đóng quân là một vùng cát cháy. Nhờ trời có những hàng phi lao phùng phình trải thân che nắng, anh và đồng đội còn chỗ nương nhờ. Giữa trưa mùa hạ, những trảng cát rừng mông mênh nối dài ra biển cả như cái chảo khổng lồ rang thịt người. Ấy thế mà trưa trưa thuyền cập bến, các ngư phủ vùng này lại cởi phăng áo đang mặc trên người, đạp cát bỏng, nhay nhay tấm lưng trần như thách thức nắng trời. Ông Thiện có nhà ở gần sân bay quân sự, thấy Tâm che tờ báo đi trong nắng cháy, liền cười bảo: “Chú bộ đội nhát nắng làm sao chắc da? Chú coi này, tôi để trần trùng trục có sao đâu?”. Chao ôi! Nắng như thiêu như đốt, ai đời đi lông nhông. Tâm nghĩ vậy, nhưng không tiện nói ra. Cô con gái ông Thiện đội nón chưa yên lòng, còn khẩu trang che mặt kín mít, chừa mỗi đôi mắt đen như hai hạt nhãn nhúng nước, ngắt lời cha: “Anh ấy cưỡi chim sắt bay khắp bầu trời chưa ngán, nói chi nắng nôi”. Ông Thiện vồ vập: “Thế à? Phi công à? Chà! Oách đây! Đúng rồi! Cao to, đẹp trai như người mẫu”.
Tâm muốn bật cười khi nghe một ngư dân nhận dạng anh giống người mẫu. Nhớ thuở còn học cấp ba, các bạn học cùng lớp ngẫu hứng gọi Tâm và Thành là hai người mẫu. Thời ấy, trên sóng truyền hình, hằng tuần đã có chương trình người mẫu nam sóng đôi với các người mẫu chân dài. Tâm cao một mét tám. Thành cao một mét tám mốt. Cả hai mặt mũi sáng láng, đi đứng khoan thai. Nhà Thành cách sân bay Sa Vàng không bao xa. Mỗi lần nhìn những chiếc máy bay phản lực lướt nhẹ trên đường băng rồi nghiêng mình cất cánh bay vút lên bầu trời xanh bao la, Thành khâm phục những người hùng chinh phục bầu trời và ước mơ có một ngày trở thành phi công như thế hệ cha anh. Tâm cũng có nỗi khát khao như Thành. Một lần, trong lúc ra khỏi nhà Thành, đôi bạn tình cờ trông thấy máy bay cất cánh, Tâm nhìn Thành bằng cái nhìn rất lạ. Ánh mắt như có lửa: “Cậu có thích làm lính bay tìm cảm giác mạnh giữa bầu trời cao rộng không?”. Thành cười gật gù: “Cậu cũng thích phải không?”.
Năm cuối trung học phổ thông, hai chàng bí mật nộp đơn đăng ký dự tuyển phi công lái máy bay quân sự. Sơ tuyển vòng một, Tâm không gặp trở ngại nào về ngoại hình, chiều cao, cân nặng… Thành lại buồn hiu, ra về: “Gan bàn chân của tớ dày, lại còn thuận tay trái… Chúc cậu may mắn vượt mọi trở ngại”. Thành đâu biết vòng hai còn khắc nghiệt hơn nhiều. Ngoài hàng trăm danh mục kiểm tra nội, ngoại, chụp, chiếu… còn phải ngồi ghế quay kiểm tra chức năng tiền đình, ngồi buồng khí áp trong môi trường thiếu ô-xy… Tất cả đều xuôi lọt mới đủ điều kiện dự thi. Mấy nghìn thí sinh chỉ chọn được mấy chục thí sinh. Đỗ vào Trường Sĩ quan không quân mới chỉ là “đặt được một chân vào khoang lái máy bay…”.
Thành nghe Tâm kể những thử thách “sấm sét”, hắn nhắn tin vào máy Tâm: “Tớ không là phi công, sẽ là người mẫu!”. Tâm cứ ngỡ thằng bạn nói đùa cho vui. Không ngờ từ ngoài Bắc, hắn vào Sài Gòn thử sức, rồi trở thành người mẫu chuyên nghiệp, ăn nên làm ra, có ô-tô xịn, nhà mái bằng. Lúc nào cũng kè kè với đám chân dài cực hot. Hôm họp lớp, cô giáo chủ nhiệm mặt tươi như nụ hồng trong sương mai: “Cô thật hạnh phúc có được hai người học trò thành đạt và nghĩa tình”. Cả bàn tiệc dài ngoẵng cùng hô vang: “Người mẫu đẹp trai! Người tài cưỡi gió!”. Thành nổi tếu, bật dậy, bước đi ngúng nguẩy như đi trên sàn diễn, rồi quay ngoắt lại chống nạnh, ngoảnh mặt lên cười đề mi. Tràng pháo tay như mưa rào. Tâm cười ngặt nghẽo.
Chính ủy Tùng đến làng Cát từ cái thuở Trung đoàn Không quân tiếp quản sân bay quân sự do Mỹ - ngụy để lại sau nhiều năm chiến tranh không được chăm chút. Chẳng bao lâu, sân bay quân sự làng Cát trở lại đúng với công năng vốn có của nó. Xây lại tường rào, sở chỉ huy, khu gia binh, cơ sở hậu cần, củng cố đường băng... Sau đó, những chiếc L39 xinh xắn như những chú chim xanh xuất hiện. Mỗi sáng, tiếng gầm rú vang lên từng đợt, từng đợt. Những chiếc máy bay phản lực chao nghiêng trong nắng sớm đầy ấn tượng, khiến cư dân làng Cát cảm thấy thích thú. Họ vừa đi, vừa ngửa cổ lên bầu trời nhìn cho đã. Người thấy mình lúc nào cũng nhẹ tênh vì sung sướng, đó là Tâm, khi lần đầu tiên được ngồi lên chiếc phản lực L39 cùng “bay kép” với Thượng úy Bảo. Nói là bay kép cho oai, thực ra Tâm “còn lính chay” đang học tập cách lái máy bay phản lực sau ba năm nắm vững kiến thức chuyên môn. Người hướng dẫn cho anh là Phó phi đội trưởng rất vui nhộn trong sinh hoạt, nhưng lại vô cùng nghiêm khắc trong thực hành. Biết vậy, khi khởi động máy bay, Tâm vẫn thấy dạt dào cảm xúc. Cả người chợt hụt hẫng, như bị bốc ném lên không trung với tốc độ kinh khủng! Dưới kia là ruộng đồng trải dài màu xanh ngút ngát. Bay một vòng qua thành phố, ra biển Đông thăm thẳm, rồi quay lại nơi xuất phát. Tâm chú ý đến từng động tác của Thượng úy Bảo, ghi nhớ vào lòng. Mỗi ngày Tâm tự tin hơn. Dần dần, Thượng úy Bảo giao cho Tâm trực tiếp điều khiển máy bay, còn anh tiếp tục hướng dẫn. Đầu năm thứ tư, có một ngày tạo nên dấu ấn đối với cuộc đời binh nghiệp ngành không quân của Tâm. Đơn vị quyết định cho anh “bay đơn”. Lúc Tâm bước ra phi trường, rất đông các sĩ quan không quân cùng với Trung đoàn trưởng Chính đã đứng sẵn một bên chiếc L39. Thủ trưởng cười bằng mắt với Tâm: “Chúc em… Chúc đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!”. Tâm siết chặt bàn tay của người Trung đoàn trưởng thân yêu và những đồng đội, bước tới ôm choàng Thượng úy Bảo, vững tin leo lên máy bay. Lời của Chính ủy Tùng còn văng vẳng bên tai: “Một khi bước lên máy bay, phi công phải gác bỏ mọi thứ phiền muộn, ưu tư trong cuộc sống. Không để bất cứ sơ suất nào xảy ra!”. Niềm tin yêu của mọi người và lòng tự tin đã giúp Tâm hoàn thành tốt chuyến bay. Khi chiếc L39 hạ thấp, chạm bánh vững chãi, xả trớn nhẹ nhàng trên đường băng và dừng lại đúng vị trí. Mọi người cầm hoa ào tới ôm chầm lấy Tâm. Giọt nước mắt sung sướng tột cùng đã ứa ra trên hàng mi của người lính trẻ.
Sau này lái thuần thục L39, Tâm luôn ước ao chinh phục Én Bạc (Mig-21). Phi công L39 nào không chinh phục được Én Bạc xem như bốn năm đào luyện gian khổ thành con số không. Tâm đang ngồi tranh thủ học tiếng Anh thì Thủ trưởng Chính đến. Ông có cách đi khá đặc biệt: bước đi nhanh, chắc, không gây tiếng động, giống như chú mèo “trinh sát” khi phát hiện chuột. Tiếng cười vang lên, Thượng tá Chính đã đứng sau lưng Tâm tự lúc nào: “Em nghe gì chưa?”. Tâm lúng túng, gãi đầu: “Dạ, nghe gì ạ? Anh nói lại đi!”. Người anh cả của đơn vị lại cười. Lần này nụ cười còn rạng rỡ hơn trước: “Sếp Bảo của em được cấp trên điều đi cưỡi Én Bạc. Có hấp dẫn không? Có vui không?”. Mọi người đang phấn khích, chợt Chính ủy Tùng dắt tay Thượng úy Bảo từ ngoài thềm vào nhà, reo lên: “Mọi người có đủ mặt ở đây cả. Tôi hỏi một câu, nếu đồng ý thì vỗ tay. Chú Bảo có tin vui đáng được “rửa” một chầu bia không nào?”. Tràng pháo tay nổi lên rào rào, kèm theo tiếng huýt sáo cực bốc. Chàng Bảo mặt ửng đỏ vì xúc động. Thay vì nói lời cảm ơn, anh xông lại ôm chầm lấy Trung đoàn trưởng, rồi Chính ủy, rồi những người anh em gắn bó như ruột thịt một nhà. Ở đơn vị đào tạo phi công lái máy bay quân sự này không hề có khái niệm thầy - trò. Song, trong ký ức mỗi người có tình thầy trò tri kỷ. Ngày đầu tiên, Bảo còn chân ướt chân ráo bước vào Trung đoàn Không quân, chính Thủ trưởng Chính là người hướng dẫn “bay kép”. Hồi đó Thượng tá Chính mới là Đại úy, Phi đội trưởng. Để có được một Thượng úy Bảo, Phó phi đội trưởng có thần kinh thép, bản lĩnh chính trị vững vàng, sức lực dẻo dai, xử lý tình huống nhanh nhạy khi bay trên bầu trời như hiện nay, phải nói đến kỳ công của Thủ trưởng Chính. Ông bá vai người đồng đội trẻ tuổi, hướng cái nhìn về mọi người, giọng nói lạc đi: “Chú Bảo về đơn vị khác, tôi tiếc lắm các đồng chí. Nhưng hãy để chú ấy phát huy tài năng. Tổ quốc của chúng ta đang cần những người con ưu tú như chú Bảo”.
Sân bay quân sự làng Cát rộng thênh, trông giống như một cái chuông chùa khổng lồ. Miệng chuông quay về phía biển. Sát bên con đường chạy vòng quanh phi trường là khu dân cư. Giữa một ngày tháng tư chang nắng, cây cối ủ rũ, bỗng dưng mây ùn ùn kéo tới. Trời tối sầm. Những người phơi lúa ven đường nhốn nháo. Tiếng kêu la í ới. Các chàng lính không quân chia nhau xông thẳng vào các sân lúa cào xúc, khuân vác ào ào. Ông Thiện đang khẩn trương cho lúa vào bao, ngẩng đầu lên thấy Tâm, ngỡ ngàng: “Cảm ơn chú bộ đội phi công! Ông trời hôm nay giở chứng trở tay không kịp. Chú vác lúa dơ hết áo”. Tâm quay sang nhìn con gái ông Thiện, cười chúm chím: “Áo dơ giặt sạch liền, chứ lúa ướt phơi biết chừng nào khô phải không em?”. Cô bé cũng chẳng vừa: “Không sao đâu anh. Nếu áo anh dơ, em sẽ giặt giúp”. Mấy cơn mưa bất chợt không ngờ làm chất kết dính Tâm trở thành người thân của gia đình ông Thiện. Thân và yêu là một khoảng cách gần. Chẳng biết ai mách lẻo, Chính ủy Tùng gặp riêng Tâm, cười hềnh hệch: “Cậu tìm hiểu Thúy được đấy. Gia đình cơ bản. Cô bé xinh đẹp, đảm đang. Ông Thiện ngày xưa từng nuôi giấu bộ đội, đánh vào sân bay gây thiệt hại lớn cho Mỹ - ngụy. Anh ủng hộ chú tuyệt đối”. Tâm ngượng ngùng: “Đã có gì đâu anh”. Chính ủy cười rộ: “Người tài giỏi không chờ cơ hội đến với mình, mà phải tự mình tạo ra cơ hội biết chưa? Có cơ hội rồi phải nắm bắt, quyền biến để thành công”.
Chính ủy Tùng là mẫu người biết kết hợp hài hòa giữa lễ giáo ngày xưa với sự tiến bộ xã hội đương đại trong xử thế mọi tình huống. Nhiều lúc Tâm nghĩ, lẽ ra Chính ủy Tùng là nhà văn hóa, nhà nghiên cứu tâm lý xã hội, chứ không phải là một sĩ quan quân đội. Một lần họp chi bộ, Phi đội trưởng kiểm điểm Chính ủy gay gắt về chuyện Chính ủy lấy xe ô-tô cơ quan cho bạn mình mượn đưa gia đình đi chơi. Những cặp mắt đổ dồn về phía Chính ủy. Ông bình thản: “Đồng chí Hòa phê phán tôi tùy tiện dùng xe của đơn vị vào việc riêng tư. Tôi xin nhận khuyết điểm và hứa không tái phạm. Tôi thích cách nói thẳng, nói thật như vậy hơn là để bụng rồi đem chuyện bất bình ra nói bên ngoài, gây mất đoàn kết”.
Sau lần Chính ủy Tùng bị kiểm điểm, tình cờ Phi đội trưởng Hòa biết được Chính ủy cho người bạn mượn xe đưa vợ đi cấp cứu. Anh áy náy không yên. Mỗi lần chạm mặt Chính ủy, Phi đội trưởng bối rối. Một hôm, đơn vị chia tay với Phó Chính ủy đi nhận nhiệm vụ mới, trong lúc hơi men lâng lâng, Phi đội trưởng cầm tay Chính ủy: “Bữa trước em ngộ nhận, nặng lời với anh. Đừng giận em, anh nhé!”. Chính ủy cười khà khà: “Anh quên chuyện ấy lâu rồi. Chú cả nghĩ như ông cụ non ấy. Với lại, chuyện chú góp ý cho anh là đúng đắn. Thằng bạn anh quá khó khăn, lại gặp cảnh ngặt nghèo nên anh làm liều”. Phi đội trưởng chỉ còn biết siết chặt tay của Chính ủy, mỉm cười sung sướng.
Năm nay, Trung đoàn Không quân ra quân huấn luyện với khí thế sôi nổi, hào hứng chưa từng có. Sát bên những nhà mái vòm đậu máy bay là một dãy dài máy bay L39 màu xanh lá chuối non tơ viền vàng đều tăm tắp. Những chú “chim xanh” mảnh mai kia là sự khởi đầu sản sinh ra những tài năng phi công trẻ, làm chủ những chiến đấu cơ hiện đại, chinh phục bầu trời và sẵn sàng hạ gục mọi kẻ thù khi chúng dám xâm phạm đến Tổ quốc thân yêu. Những phi công trẻ của Trung đoàn Không quân đóng ở làng Cát hôm nay không chỉ mơ ước cưỡi Én Bạc, mà còn cưỡi Mig-29, Su 27, Su 30MK2V…
Đúng 7 giờ sáng. Trên sân bay, đoàn quân đã rầm rập diễu hành qua lễ đài, chuẩn bị làm lễ ra quân cho mùa huấn luyện mới. Những giọt mồ hôi lăn dài trên má, trên môi những chiến sĩ mặt còn lún phún lông tơ. Nhưng ánh mắt của họ rực sáng niềm tin thắng lợi. Tâm đều bước diễu hành cùng đồng đội, lòng anh ngổn ngang niềm vui. Tuần tới mẹ anh từ Thanh Hóa vào cùng với Chính ủy Tùng đi dạm hỏi Thúy. Tâm còn được chọn đi cưỡi con Én Bạc. Hai niềm vui cùng đến một lúc. Thế nào Chính ủy Tùng cũng vỗ vai Tâm, cười khà khà: “Chú em cùng một lúc được “song hỷ”. Mọi người thấy có nên “rửa một chầu” thì vỗ tay!”.
Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG