Chương trình tên lửa của Triều Tiên lâu nay là vấn đề lớn trong quan hệ Mỹ-Triều. Nước Mỹ sắp bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực. Chủ đề "lá bài tên lửa" một lần nữa được giới quan sát nhắc tới.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
Tới nay, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chưa gửi lời chúc mừng ông Joe Biden. Việc lãnh đạo Triều Tiên không công khai quan tâm về kết quả bầu cử Mỹ được coi là điều bình thường. Nhìn lại những năm qua, quan hệ Mỹ-Triều đã có dấu hiệu thay đổi kể từ sau khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama áp dụng “chiến lược kiên nhẫn” để tránh khiêu khích Bình Nhưỡng. Chính sách này xuất hiện sau khi ông Kim Jong-un nắm quyền lực năm 2011.
Tuy nhiên, những điều chỉnh về cách tiếp cận của Washington chưa đủ thuyết phục để khiến Triều Tiên thay đổi hẳn lập trường. Bằng chứng là Bình Nhưỡng đã nhiều lần tiến hành thử tên lửa trong các năm nhiệm kỳ của ông Obama và cả Tổng thống Trump sau này.
Nhà phân tích chính sách Soo Kim tại tổ chức RAND (Mỹ) nhận định: “Triều Tiên nhiều khả năng chưa thay đổi quan điểm hoặc chuyển hướng chiến lược trong quan hệ với Mỹ, bất kể nhân vật nào trở thành ông chủ Nhà Trắng”.
Trên thực tế, Triều Tiên đã phóng tên lửa tầm xa chỉ trong vài tháng sau khi ông Obama lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ năm 2009. Tổng thống Trump khi bước chân vào Nhà Trắng cũng chứng kiện việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo liên tục địa vào tháng 11.2017.
Các chuyên gia dự đoán vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ có thể sẽ sớm chứng kiến một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khác của Triều Tiên. Bà Melissa Hanham tại tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Hạt nhân Mở đánh giá: “Triều Tiên thử tên lửa ICBM mới để khẳng định tiềm lực trước các đối thủ và Bình Nhưỡng sẽ làm như vậy khi cần thiết”.
Triều Tiên đã ra mắt một ICBM mới trong cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng ngày 10.10 vừa qua. Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc Triều Tiên ra mắt ICBM mới có thể là thông điệp thể hiện nước này vẫn duy trì nâng cao năng lực quốc phòng trong bối cảnh đàm phán hạt nhân với Mỹ đang rơi vào bế tắc.
Tháng 2.2019, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai ở thủ đô Hà Nội, Mỹ và Triều Tiên không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Bình Nhưỡng sẵn sàng giải trừ hạt nhân và Washington nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Dù kết quả không như mong đợi, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết chính quyền Tổng thống Trump khi đó nhận định rằng hội nghị này đã giúp giảm rủi ro về xung đột. Đến tháng 12.2019, Chủ tịch Kim Jong-un từng nói rằng sẽ sớm tiết lộ “vũ khí chiến lược mới” với thế giới.
Triều Tiên thử nghiệm tên lửa liên lục địa (ICBM) Hwasong-14
Về phần mình, ông Biden đã bày tỏ sẵn sàng mở cửa cho đàm phán với Triều Tiên. Tại cuộc tranh luận thứ hai vào tháng 10.2020, ông Biden tuyên bố có thể gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nếu bước đi đó mang lại hy vọng cho vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Cựu Phó Tổng thống Biden từng thừa nhận với tờ The New York Times rằng ông chủ trương không duy trì kênh ngoại giao cá nhân với Chủ tịch Kim Jong-un và nhấn mạnh sự kiện này chỉ nên xảy ra nếu cả hai bên có “chiến lược thực sự hướng tới phi hạt nhân”.
Người được ông Biden lựa chọn cho chiếc ghế Ngoại trưởng - ông Antony Blinken - từng gọi chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump là "thất bại", đồng thời kêu gọi một giải pháp đa phương cho các giai đoạn giải trừ vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên.
Các chuyên gia cho rằng Chủ tịch Kim Jong-un sẽ gợi mở về phương pháp tiếp xúc với chính quyền của ông Biden qua bài phát biểu năm mới. Ngoài ra, Bình Nhưỡng có kế hoạch tổ chức một hội nghị đảng Lao động Triều Tiên để vạch ra kế hoạch kinh tế 5 năm, gần thời điểm ông Biden tuyên thệ nhậm chức.
Theo TTXVN