“Liều thuốc” đặc trị lấn chiếm vỉa hè

31/12/2022 16:00

Liệu có "liều thuốc" nào để có thể đặc trị được căn bệnh lấn chiếm vỉa hè?

Lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán từ lâu đã trở thành căn bệnh nan y, không chỉ ở TP Hải Dương mà còn ở rất nhiều đô thị trong cả nước. "Liều thuốc" nào mới có thể đặc trị được căn bệnh này?

Không thể phủ nhận những nỗ lực của TP Hải Dương cũng như một số địa phương khác ở Hải Dương trong công tác quản lý trật tự đô thị, trong đó có các giải pháp quyết liệt nhằm trả lại sự thông thoáng cho các tuyến phố như cấm người dân buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè. Tuy nhiên, tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm làm ùn tắc giao thông, mất mỹ quan, cản trở và gây nguy hiểm cho người đi bộ vẫn phổ biến.

Đường Điện Biên Phủ, nơi gia đình tôi đang sinh sống có nhiều đoạn vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi rửa xe, bày bán hàng. Vỉa hè bị chiếm dụng khiến người dân phải đi bộ xuống lòng đường, có người đã gặp nạn do bị xe máy tông phải. Vừa rồi đi qua phố Lý Thường Kiệt, tôi thấy một hộ dân lấn chiếm toàn bộ vỉa hè trước nhà làm nơi bán hàng ăn sáng. Xe máy, ô tô của khách dựng dưới lòng đường khiến các phương tiện qua lại gặp khó khăn. Người bán hàng còn rửa bát, đổ nước bẩn xuống rãnh thoát nước lộ thiên ngay cạnh… Những hình ảnh chưa đẹp như ở hai tuyến phố này không hiếm gặp.

Việc giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè không hề dễ dàng khi nó đang trở thành nơi “kiếm cơm” của một bộ phận không nhỏ người dân. Các chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật đối với các hành vi này chưa đủ sức răn đe. Việc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhiều khi như “bắt cóc bỏ đĩa”. Tháng trước, mấy hộ bán nước trên vỉa hè ở phố Đỗ Ngọc Du đã bị lực lượng chức năng tháo dỡ hàng quán, thu giữ toàn bộ vật dụng hành nghề. Thế nhưng cũng chỉ được vài hôm, các hàng quán lại hoạt động trở lại…

Tôi rất ấn tượng khi nhiều tuyến phố ở hai thành phố Bắc Ninh và Hà Tĩnh thông thoáng, sạch sẽ, tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán, kinh doanh ít gặp. Bạn tôi ở hai thành phố này kể người dân thường xuyên được tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự, cảnh quan, môi trường, đặc biệt là không được lấn chiếm vỉa hè để sử dụng vào mục đích riêng. Lãnh đạo địa phương thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, nhắc nhở người dân. Các đoàn thể ở khu dân cư thành lập tổ tự quản, phân rõ nhiệm vụ tham gia giữ gìn an ninh trật tự theo từng địa chỉ tuyến phố cụ thể. Các hộ dân có trách nhiệm giám sát, vận động nhau cùng thực hiện. Lực lượng chức năng của phường, thành phố định kỳ tuần tra. Những trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm như tịch thu phương tiện, hàng hoá, phạt tiền, nêu tên trên loa truyền thanh địa phương.

Riêng TP Hà Tĩnh vẫn cho người dân được sử dụng vỉa hè tại một số tuyến phố nhất định để kinh doanh nước giải khát, bán đồ ăn ngoài trời… Tuy nhiên, chủ các cơ sở không được bán hàng vào giờ tan tầm, có trả phí thu dọn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự và phải dành không gian cho người đi bộ. Giao thông vì thế không ách tắc, môi trường vẫn được bảo đảm.

Những kinh nghiệm hay nhìn từ tỉnh bạn cũng có thể là giải pháp để chính quyền các thành phố khác tham khảo, trong đó có TP Hải Dương của chúng ta. 

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Liều thuốc” đặc trị lấn chiếm vỉa hè
    ss