Liệu pháp giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng

17/07/2022 15:25

Học nghề và có công việc ổn định là mong ước của nhiều người sau cai nghiện ma túy, nhưng vì sự kỳ thị của một bộ phận người dân nên họ khó tìm được “bến đỗ” để làm lại cuộc đời. Việc kết nối tìm kiếm việc làm cho người sau cai nghiện là giải pháp rất quan trọng.


Học viên được học nghề ngay tại cơ sở cai nghiện ma túy để sau này có thể tìm được công việc tốt, làm lại cuộc đời (Ảnh do Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương cung cấp)

Vượt qua kỳ thị

“Trở về sau khi hoàn thành cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương, tôi mang theo mơ ước có một công việc ổn định để chăm lo cho tổ ấm của mình. Nhưng khi mang hồ sơ đến xin việc tại một nhà máy gần nhà, tôi đã bị từ chối dù nhà tuyển dụng đang có nhu cầu tuyển hàng trăm lao động. Với những người từng sa chân vào ma túy để có được một công việc tốt sau cai nghiện quả là điều không dễ”.

Câu chuyện của anh N.V.T. ở phường Tân Dân (Kinh Môn) kể về quá trình tìm việc làm sau khi hoàn thành cai nghiện ma túy khiến không ít người suy nghĩ. Ngoài nỗ lực của bản thân chiến thắng ma túy, khi trở về nhà họ còn phải đối diện với những kỳ thị, dò xét, né tránh của không ít người. Đường về nhà của họ sẽ gập ghềnh, khó khăn hơn khi không nhận được sự đồng cảm, chia sẻ và nhất là không có việc làm ổn định để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.

5 lần tái nghiện là từng ấy lần anh P.V.D. quê ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) giải thích với cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương là do không tìm được việc làm ổn định. “Nhàn cư vi bất thiện”, bạn bè rủ rê anh D. lại sa vào ma túy. “Có việc làm ổn định, không có thời gian chơi bời có lẽ tôi sẽ không tái nghiện ma túy nhiều lần như vậy. Tôi đã có ít nhất 3 lần làm hồ sơ đi xin việc và cả 3 lần đều bị từ chối vì cái “mác” nghiện ma túy. Vì thế tôi rất mong có được một công việc ổn định sau cai nghiện để có thể kiếm tiền lo cho con cái ăn học và phụng dưỡng bố mẹ già”, anh D. bày tỏ.
Có một công việc phù hợp là nhu cầu chính đáng của nhiều người sau cai nghiện. Vì sự kỳ thị của cộng đồng nên những trường hợp này có được việc làm rất ít. Theo khảo sát mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hằng năm số người sau cai nghiện tìm được việc làm phù hợp chỉ chiếm khoảng 10%. Người sau cai nghiện chủ yếu làm việc ở các cơ sở sản xuất nhỏ, xa gia đình, nơi ít người biết đến quá khứ của họ.

Hải Dương hiện chưa có thống kê hay khảo sát chính thức về số người sau cai nghiện tìm kiếm được việc làm ổn định. Ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương nhận định: “Việc làm là một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn ma túy. Chủ trương tạo việc làm cho người sau cai nghiện đã được nhắc đến rất nhiều trong các văn bản chỉ đạo của Nhà nước. Các cơ sở cai nghiện cũng tích cực dạy nghề ngay khi họ còn ở cơ sở nhưng khi trở về với cộng đồng người sau cai nghiện lại ít được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chào đón".

Cần điểm tựa

Tư vấn, giới thiệu, kết nối tìm việc làm cho người sau cai nghiện đã được xác định là việc làm thường xuyên của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương và Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương. Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương cho biết: “Sau khi tổ chức các phiên tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương, chúng tôi nhận thấy việc làm này rất ý nghĩa. Tìm được việc làm chính là mở ra cơ hội làm lại cuộc đời cho không ít người sau cai nghiện. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm đã sẵn sàng tiếp nhận những người sau cai nghiện đến làm việc”.

Sau khi hoàn thành cai nghiện, anh N.V.D. ở thị trấn Cẩm Giang may mắn có được việc làm ngay tại một doanh nghiệp gần nhà. Anh D. cho biết những người từng lâm vào hoàn cảnh như anh rất cần sự trợ giúp của chính quyền địa phương hoặc trung tâm giới thiệu việc làm khi tìm việc. “Nhờ được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương kết nối tôi đã được nhận vào làm việc mà không bị chủ doanh nghiệp kỳ thị. Hiện mỗi tháng tôi được trả hơn 6 triệu đồng tiền lương, làm tốt còn được thưởng chuyên cần. Với mức thu nhập như vậy tôi đã có thể cùng vợ nuôi con cái ăn học và phụng dưỡng mẹ già. Công ty TNHH Mạnh Anh (Cẩm Giàng) cũng có rất nhiều người từng sa cơ, lỡ bước như tôi được nhận vào làm. Say việc, tôi cũng không có thời gian chơi bời nên đã đoạn tuyệt được với ma túy”.

Anh Lê Viết Thụ, Giám đốc Công ty TNHH May TBT (Thanh Hà) cho biết: “Nếu người sau cai nghiện thực sự có nhu cầu doanh nghiệp sẵn sàng nhận họ vào làm. Chúng tôi sẽ giúp họ có công việc, thu nhập ổn định. Doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi họ được giới thiệu bởi các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh”.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng nhận người từng nghiện ma túy vào làm việc như công ty trên. Bởi họ còn e ngại những người này sẽ trở lại con đường nghiện ngập, bỏ việc, mất công đào tạo nghề, lại phải tuyển dụng người mới lấp chỗ trống. Đó còn chưa kể những bất trắc trong quá trình làm việc người nghiện nảy sinh hành vi phạm tội.

Trong cuộc chiến chống ma túy, việc làm cho người sau cai nghiện chính là liệu pháp quan trọng giúp hạn chế tái nghiện. Vì vậy, những mô hình kết nối, tư vấn, tạo việc làm hay dạy nghề cần được tỉnh quan tâm thực hiện để giúp đường trở về hòa nhập với cộng đồng của người sau cai nghiện bớt chông chênh.

 HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liệu pháp giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng