Tranh chấp quanh quần đảo Kuril đã khiến Nhật Bản và Nga vẫn chưa chính thức kết thúc được tình trạng chiến tranh giữa 2 nước trong Thế chiến II.
Tháng 5.2021, hàng ngàn binh sĩ, xe tăng, và dàn phóng rocket được diễu qua Quảng trường Đỏ ở Moscow, kỷ niệm 76 năm chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của khoảng 24 triệu người Liên Xô.
Nhưng ở vị trí chỉ cách thủ đô Nga hơn 7.000 km về phía đông, quần đảo Kuril tiếp tục cản trở các nỗ lực của Nga khép lại quá khứ và ký một hòa ước với Nhật Bản. Chừng nào vị thế của quần đảo này chưa giải quyết thì Nhật Bản và Nga về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh từ thời Thế chiến II.
Quân đội Liên Xô đổ bộ lên vùng lãnh thổ này vào tháng 8.1945, chỉ 5 ngày sau khi các đại diện của Tokyo ký tuyên bố đầu hàng trên tàu hải quân Mỹ USS Missouri. Thỏa thuận Yalta, được ký bởi các nước đồng minh nhiều tháng trước khi Hồng quân ra tay, hứa hẹn quần đảo này sẽ thuộc về Liên Xô để đổi lại việc Liên Xô tham chiến ở Thái Bình Dương chống lại phe Trục (phe phát xít).
Mặc dù vậy, cũng kể từ đó, Nhật Bản đã tìm cách lật lại các điều khoản của thỏa thuận, khẳng định rằng 4 hòn đảo cực nam mà họ gọi là “vùng lãnh thổ phương Bắc” không thực sự được đề cập trong các hiệp ước thời Thế chiến II. Tokyo tuyên bố rằng các đảo này trước đây không được coi là một phần trong quần đảo Kuril như được mô tả trong văn bản tài liệu nói trên và do đó nên được trao trả lại cho Nhật Bản quản lý.
Vướng mắc đó trong nhiều năm là cái gai trong quan hệ giữa Nhật Bản và Nga. Đối với các nhà hoạt động và nhà bình luận cánh hữu ở Nhật Bản, quy chế của nhóm đảo này là vấn đề niềm tự hào dân tộc, và là dấu hiệu Nhật Bản chưa khôi phục được tất cả những gì họ mất sau chiến tranh. Tuy nhiên, quan điểm này không phổ quát và chỉ có 44% công dân Nhật Bản trong cuộc thăm dò năm 2019 nói rằng họ ủng hộ bất cứ số lượng đảo nào được trả lại, chỉ có 3/4 ủng hộ đưa toàn bộ 4 đảo về đặt dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.
Trái lại, ở Nga, sự tranh cãi về chủ đề này động chạm đến vấn đề an ninh quốc gia, do quần đảo này nằm ở khu vực Đông Thái Bình Dương chiến lược, nơi hải quân Nga đang ngày càng đối đầu với các chiến hạm của Mỹ và đồng minh. Ngoài ra, vai trò quá khứ của quần đảo Kuril được dùng làm bàn đạp cho Nhật Bản xâm chiếm các đảo Nga thời trước đây cũng là một yếu tố đáng kể. Tình hình ngoại giao về vấn đề này còn khó hơn nữa khi các cải cách hiến pháp của Tổng thống Nga Putin được thông qua trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc năm 2020 đã buộc chính phủ Nga phải bảo tồn vĩnh viễn các đường biên giới lãnh thổ của nước này, loại trừ khả năng nhượng bộ bất cứ vùng nào thuộc lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên tuần trước, Tổng thống Nga Putin đã có tuyên bố đáng chú ý là các cải cách hiến pháp không tạo ra trở ngại cho hòa đàm với Nhật Bản.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến, Tổng thống Nga Putin nói rằng “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục thương lượng”, điều này khiến dư luận lại tiếp tục đồn đoán về nỗ lực hòa bình như dưới thời cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe.
Vấn đề quần đảo Kuril thêm phức tạp khi có thêm nhân tố bên ngoài. Mỹ từng ủng hộ quân đội Liên Xô đổ bộ lên quần đảo Kuril thì tới nay lại ít nhiều thay đổi thái độ. Vào cuối năm 2020, tờ báo Hokkaido Shimbun tiết lộ rằng Bộ Ngoại giao Mỹ xem xét bất cứ ai sinh ra trên các đảo Habomai, Shikotan, Kunashir, và Iturup (mà phía Nhật Bản xem là lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ) đều là công dân Nhật Bản.
Theo VOV