Liệu Hy Lạp có vỡ nợ?

26/07/2011 10:34

Nhờ nhận được gói cứu trợ trị giá 12 tỷ ơ-rô, Hy Lạp đã không trở thành nước đầu tiên trong khu vực đồng ơ-rô bị vỡ nợ công. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại Hy Lạp có thể vỡ nợ trong thời gian trung hạn.


Người Hy Lạp biểu tình phản đối Quốc hội thông qua các chính sách
khắc khổ mới để nhận gói cứu trợ trị giá 12 tỷ ơ-rô của EU và IMF


Ngày 2-7-2011, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Khu vực đồng ơ-rô - Eurozone) đã thông qua đợt giải ngân đợt thứ 5 cho Hy Lạp vào ngày 15-7 . Quyết định này mở đường cho Hy Lạp nhận được 12 tỷ ơ-rô tiếp theo trong gói cứu trợ chung trị giá 110 tỷ ơ-rô mà Liên minh châu Âu (EU) và Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đồng ý cấp cho A-ten vay hồi tháng 5-2010, nhằm cứu nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Đây được coi là chiếc “phao cứu sinh” được tung ra đúng thời điểm nền kinh tế Hy Lạp sắp chìm bởi sức nặng quá mức của các khoản nợ nần.

Thực trạng và nguyên nhân cuộc khủng hoảng

Hy Lạp là một trong những mắt xích tương đối yếu của khu vực đồng ơ-rô. Hiện tại, vấn đề nợ công quá cao và sự yếu kém của nền kinh tế khiến Hy Lạp đang phải đối diện với rủi ro lớn mà khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Rủi ro này xuất phát từ nợ công cao do tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài với tỷ lệ cao, thêm vào đó một phần lớn khoản nợ này chính là các khoản vay từ nước ngoài.

Vậy vì đâu mà từ một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực châu Âu, Hy Lạp lại rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan như hiện tại?

Trước hết, là do tiết kiệm trong nước thấp và vay nợ nước ngoài cho chi tiêu công. Trong giai đoạn 2002-2007, kinh tế Hy Lạp tăng trưởng mạnh, bình quân ở mức 4,2%/năm. Lợi tức trái phiếu liên tục giảm nhờ vào việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU), tạo điều kiện cho Chính phủ Hy Lạp tăng cường vay nợ tài trợ cho chi tiêu công. Thêm vào đó, tiết kiệm nội địa của nước này cũng sụt giảm nhanh chóng. Những năm cuối của thập niên 1990, tỷ lệ tiết kiệm trong nước bình quân chỉ ở mức 11%, thấp hơn nhiều so với mức 20% của các nước Bồ Đào Nha, I-ta-li-a và Tây Ban Nha. Do vậy, đầu tư trong nước của Hy Lạp phụ thuộc khá nhiều vào các dòng vốn đến từ bên ngoài. Đến khi khả năng thanh toán nợ của Chính phủ Hy Lạp bị nghi ngờ, các nhà đầu tư vội vã rút vốn khỏi Hy Lạp và không cho chính phủ nước này vay thêm tiền.

Chi tiêu kích thích kinh tế sau khủng hoảng năm 2008 làm trầm trọng thêm vấn đề. Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ đã ảnh hưởng khá mạnh đến các ngành công nghiệp chủ chốt của Hy Lạp. Doanh thu ngành du lịch và vận tải biển đều sụt giảm trên 15% trong năm 2009. Kinh tế Hy Lạp cũng lâm vào tình trạng khó khăn, nguồn thu để tài trợ cho ngân sách nhà nước bị co hẹp mạnh. Trong khi đó Hy Lạp lại phải tăng cường chi tiêu công để kích thích kinh tế. Năm 2009, mức nợ công của Hy Lạp đã ở mức 108% GDP - một tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực đồng ơ-rô. Đến năm 2010, tỷ lệ này tăng lên mức 115% và trong năm 2011 có thể lên hơn 142%. Như vậy, tổng số nợ công của nước này hiện đã lên tới 350 tỷ ơ-rô.
 Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, Hy Lạp cũng giống như một số nước khác trong khu vực đồng ơ-rô, đã thực hiện các thủ thuật che giấu thực trạng tài chính, nhằm đạt tới những mục tiêu đề ra cho các nước thành viên, như tổng dư nợ không quá 60% GDP, thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP. Để đạt được những chỉ tiêu ấy, nhiều năm qua các chính phủ EU đã bán ra nhiều tài sản quốc gia và che giấu nhiều khoản chi. Hy Lạp cũng đã che giấu một số khoản chi quốc phòng với lý do “bí mật quốc gia”. Và đến nay, Hy Lạp thừa nhận đã báo cáo mức chi cho quốc phòng thấp hơn thực tế tới 8,7 tỷ ơ-rô trong giai đoạn 1997-2003.

Với khoản nợ công lên tới 350 tỷ ơ-rô, Hy Lạp bị khủng hoảng và khó khăn trong thanh toán nợ cũ, khó bán nợ mới ở mức giá hợp lý; thậm chí có thể bị khai trừ hoàn toàn khỏi thị trường nợ. Tình hình tài chính công của Hy Lạp đã xấu đi trông thấy khi núi nợ của nước này được dự báo sẽ lên trên 150% GDP, đưa quốc gia này trở thành nước có tỷ lệ nợ công so với GDP cao nhất trong số 16 quốc gia thành viên khu vực đồng ơ-rô.

Những nỗ lực giải cứu

Trước tình cảnh khó khăn của Hy Lạp, việc giải cứu Hy Lạp đã là chủ đề chính được đưa ra trong nhiều cuộc họp và các diễn đàn kinh tế của cả châu Âu và quốc tế trong thời gian qua.

Để tránh nguy cơ nền kinh tế sụp đổ, ngày 23-4-2010, Thủ tướng Hy Lạp Ghê-oóc-gi  Pa-pan-đriu đã khởi động chương trình xin cứu trợ. Ngay lập tức (ngày 1-5-2010), EU và IMF đã đồng ý cấp cho Hy Lạp gói cứu trợ trị giá 100 tỷ ơ-rô (tương đương 136,7 tỷ USD) và đổi lại, Hy Lạp phải chấp nhận các điều kiện hà khắc.

Đầu tiên Chính phủ Hy Lạp đã thông qua kế hoạch cắt giảm chi tiêu, cho phép tiết kiệm 4,8 tỷ ơ-rô trong vòng một năm, tương đương 2% GDP của Hy Lạp. Để làm được điều đó, chính quyền Hy Lạp đã tăng thuế VAT từ 19% lên 21%; tăng thuế một số mặt hàng như thuốc lá (63%), rượu (20%), xăng dầu; tăng thuế bất động sản, cắt và giảm hàng loạt khoản trợ cấp xã hội (trợ cấp thất nghiệp, lương hưu...), trong đó giảm đến 60% tiền thưởng cho các viên chức nhà nước. Hy Lạp hy vọng rằng với số tiền cứu trợ khổng lồ của EU và IMF, nước này sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, sau một năm, với 53 tỷ ơ-rô trong gói cứu trợ trên đã được giải ngân, nhưng “phép màu” vẫn chưa đến với xứ sở của những câu chuyện thần thoại.

Khi bước vào năm 2011, trong bối cảnh đà phục hồi nền kinh tế thế giới vẫn đang rất mong manh, lại phải đối mặt với vô số khó khăn, thách thức như giá dầu tăng cao, thiên tai hoành hành, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng... thì nhiệm vụ vừa cắt giảm chi tiêu vừa bảo đảm tăng trưởng là khó khả thi đối với bất cứ nước nào. Và Hy Lạp - một quốc gia chìm ngập trong nợ nần và suy thoái suốt hơn 2 năm qua- càng không phải là ngoại lệ.

Do chi tiêu công bị cắt giảm mạnh nên nền kinh tế Hy Lạp đã xuất hiện những dấu hiệu ngày càng lún sâu vào suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp lại lập kỷ lục mới khi vượt ngưỡng 15% trong tháng 3-2011 vừa qua, trong khi theo dự báo của các chuyên gia kinh tế quốc tế, nợ công của nước này sẽ lên tới 150% GDP trong năm 2011 và 160% vào năm 2013.

Tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu không nhận được gói cứu trợ thứ 5 trị giá 12 tỷ ơ-rô đúng hạn vào giữa tháng 7-2011 thì Hy Lạp sẽ trở thành nước đầu tiên trong khu vực đồng ơ-rô rơi vào cảnh vỡ nợ công.

Chính vì vậy, để nhận được đợt giải ngân thứ 5 trị giá 12 tỷ ơ-rô cũng như gói cứu trợ thứ hai có quy mô tương tự gói cứu trợ thứ nhất từ EU và IMF, Hy Lạp đã phải cam kết thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm tiết kiệm 28 tỷ ơ-rô và cổ phần hoá một số tài sản quốc gia để thu về 50 tỷ ơ-rô từ nay đến năm 2015. Các biện pháp thực hiện chương trình “thắt lưng buộc bụng” mới do Chính phủ Hy Lạp đưa ra, trong đó có tăng thuế, giảm chi công và bán bớt tài sản nhà nước đã được Quốc hội Hy Lạp thông qua với 155 phiếu thuận và 136 phiếu chống. Phe đối lập trong Quốc hội tuy ủng hộ kế hoạch cổ phần hóa một số tài sản quốc gia và kế hoạch tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước trong 5 năm tới, nhưng phản đối việc tăng thuế mạnh đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Theo thông báo đưa ra sau cuộc họp ngày 2-7 của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng ơ-rô, dựa trên những đánh giá của các nhà phân tích châu Âu và IMF về tình hình nợ của Hy Lạp, khu vực đồng ơ-rô sẽ chịu trách nhiệm giải ngân 8,7 tỷ ơ-rô vào ngày 15-7 sau khi IMF thông qua kế hoạch giải ngân phần còn lại trị giá 3,3 tỷ ơ-rô cho nước này vào ngày 8-7. Các bộ trưởng khu vực đồng ơ-rô cũng cho biết sẽ lên kế hoạch chi tiết gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp trong vài tuần tới.

Nữ phát ngôn viên IMF, bà Ca-rô-lin  Át-kin-xơn, nêu rõ IMF hoan nghênh cam kết cứu trợ khẩn cấp của khu vực đồng ơ-rô dành cho Hy Lạp, khẳng định chiến lược tài chính này sẽ giúp Hy Lạp thanh toán những khoản nợ đáo hạn vào tháng 7 trong bối cảnh ngân sách đã cạn kiệt và nguy cơ phá sản đang cận kề.

Hiện đồng ơ-rô và các thị trường chứng khoán thế giới đã tăng giá, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ của Hy Lạp giảm nhẹ sau khi quốc gia này có triển vọng thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công trước mắt. Tuy nhiên, dư luận rộng rãi cho rằng Hy Lạp sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình ở Hy Lạp có thể im ắng trong vài tuần, nguy cơ vỡ nợ trước mắt đã được loại bỏ, song các cuộc biểu tình kèm bạo lực ở Hy Lạp khiến thế giới đặt câu hỏi liệu Hy Lạp có thực hiện được những biện pháp nói trên hay không. Nhiều nhà đầu tư và kinh tế vẫn bày tỏ lo ngại Hy Lạp có thể vỡ nợ trong thời gian trung hạn. Các thị trường bảo hiểm tín dụng dự báo khả năng Hy Lạp không có khả năng thanh toán khoản nợ 350 tỷ ơ-rô (tương đương 150% GDP) trong 5 năm tới.

MINH LAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liệu Hy Lạp có vỡ nợ?