Cựu chiến binh Phạm Xuân Vui đã tìm lại được gia đình sau nhiều năm mất tích và được công nhận là liệt sĩ.
Lãnh đạo huyện Cẩm Giàng tới thăm, chúc Tết gia đình bà Nguyễn Thị Tý
Tết này của gia đình bà Nguyễn Thị Tý (83 tuổi) ở thôn Cẩm Trục, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đông vui và ý nghĩa hơn rất nhiều bởi con trai Phạm Xuân Vui - người được công nhận liệt sĩ 24 năm bất ngờ tìm về gia đình.
24 năm báo tử
Sáng 2.2 (28 tháng Chạp), theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã Ngọc Liên, chúng tôi tìm về nhà bà Tý. Không khó để hỏi thăm đường vào nhà bà bởi tin vui con trai bà đã hy sinh nay về đoàn tụ đã lan rộng khắp cả xã.
Vừa rót chén trà nóng mời khách, bà Tý phấn khởi khi ở tuổi "gần đất xa trời" bà vẫn được gặp lại người con trai "liệt sĩ". Cựu chiến binh Phạm Xuân Vui (tức Nam) sinh năm 1961, khi vừa tròn 17 tuổi, ông lên đường bảo vệ Tổ quốc theo lệnh tổng động viên.
Ngày ấy, ông Vui cùng nhiều bạn bè trang lứa trong xã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ông theo đơn vị vào chiến đấu trong chiến trường Tây Nam. Năm 1985, khi đang chiến đấu giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, ông Vui bị thương, từ đó mất liên lạc với đơn vị.
Sau hơn 10 năm tìm kiếm trong vô vọng, đơn vị cũ ông Vui đã gửi giấy báo tử về gia đình ghi rõ mất tích và được công nhận là liệt sĩ. Ngày nhận giấy báo tử của con, bà Tý ngất lên ngất xuống bởi trong tâm trí bà, Vui là đứa con trai hiền lành, ngoan ngoãn, thương mẹ thương em. Thương con, xót con như đứt từng khúc ruột nhưng lại nghĩ con hy sinh vì đất nước bà lại gắng gượng vượt qua nỗi đau. Gia đình lấy ngày nhận giấy báo tử là ngày giỗ của ông Vui. Khi đất nước hòa bình, cuộc chiến tranh đã kết thúc, bà Tý cũng muốn tìm và mang hài cốt con về quê hương để được gần gia đình cho bớt phần lạnh lẽo. Nhưng ngặt nỗi, giấy báo tử chỉ ghi mất tích, cũng không rõ ở đâu nên bà Tý không biết tìm ở đâu.
Gian nan đường về nhà
Trong phần trí nhớ không còn nguyên vẹn của mình, ông Vui kể năm 1985, ông bị thương ở trong rừng, được người dân đưa về nhà cứu chữa. Khi tỉnh lại, ông không thể nhớ nổi mình là ai, đến từ đâu. Một người đàn ông tốt bụng đã chăm sóc và nhận ông là con nuôi.
Thấy ông hiền lành, họ gả con gái cho. Sau này, người vợ đầu mất, ông Vui đi thêm bước nữa với một người phụ nữ gốc Việt. Hai người đưa nhau về An Giang lập nghiệp và sinh sống từ năm 1993 đến nay. Toàn bộ phần ký ức sau lần bị thương ông Vui vẫn nhớ, nhưng riêng khoảng ký ức trước đó thì hoàn toàn biến khỏi trí nhớ ông. 26 năm cuộc sống xoay vần với những vất vả, lo toan, lại không có một chút ký ức nào về quê hương, bản quán nên ông Vui cũng chỉ mù mờ suy đoán về gốc gác của mình. "Sau khi bị thương, tôi được người dân Campuchia cứu giúp, họ thấy mình nói tiếng Việt thì họ nói mình là người Việt Nam. Sau này về An Giang họ thấy tôi nói giọng Bắc thì nói tôi là người miền Bắc. Còn lại trong suy nghĩ mình không nhớ rõ", ông Vui chia sẻ. Hiện tại, ông Vui đang sống ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên (An Giang).
Suốt 2 ngày con về, bà Tý luôn gần con để trò chuyện mong con nhớ lại phần ký ức bị lãng quên
Trước đây, ông Vui cũng nhiều lần muốn tìm về quê hương nhưng thông tin về nơi mình sinh ra quá ít, lại ngặt nỗi cuộc sống còn nhiều khó khăn nên ông chưa thực hiện được. Toàn bộ ký ức của ông chỉ nhớ từng chiến đấu ở Campuchia với đồng đội tên Hòa, quê ở ngoài Bắc.THANH HOA