Thời gian qua, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và ấp nở trứng gia cầm ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) đã đổi mới kỹ thuật, nâng cao chất lượng con giống để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trang trại gà đẻ bố mẹ và gà hậu bị của gia đình chị Vũ Thị Quyên có quy mô 40.000 con
Nâng cao chất lượng
Nhiều năm làm nghề sản xuất, kinh doanh và ấp nở trứng gia cầm nên chị Vũ Thị Quyên ở thôn Thượng Bì 1 thấy rõ sự bấp bênh của nghề. Cách duy nhất để phát triển thị trường là nâng cao chất lượng con giống. Từ sản xuất nhỏ lẻ, phải nhập trứng từ bên ngoài về ấp nở, vợ chồng chị Quyên đã xây trang trại gà đẻ để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Trang trại nhà chị Quyên nuôi 40.000 con gà các loại như gà Hồ lai Lương Phượng, ri, lai chọi, Đông Tảo... Đây đều là những giống gà được thị trường ưa chuộng. Gia đình chị hiện có 15 máy ấp trứng, mỗi tháng bán hơn 22 vạn con gà giống. Gà giống ở đây được người chăn nuôi tin tưởng vì chất lượng con giống đồng đều, tăng trọng nhanh, màu sắc đẹp và phù hợp với nhu cầu thị trường.
Cơ sở kinh doanh ấp nở trứng gia cầm của gia đình chị Phan Thị Diên ở thôn Thượng Bì 2 cũng phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm trước, chị lấy trứng từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng, nhưng tỷ lệ gà nở không cao nên tiêu thụ khó khăn. Để bảo đảm nguồn trứng đạt chất lượng, chị liên kết với một số hộ chăn nuôi ở Tứ Kỳ và tỉnh Hưng Yên để lấy trứng. Chị Diên cho biết hiện gà được thụ tinh nhân tạo. Kỹ thuật này giúp tỷ lệ trứng nở đạt cao, chất lượng con giống bảo đảm hơn trước. Các lò ấp kiểu cũ được thay bằng các máy công nghệ mới, nguồn điện ổn định. Cơ sở đang có 5 lò ấp trứng, nhiệt độ ấp nở được điều chỉnh phù hợp. Gà trước khi đưa ra thị trường được tiêm phòng và phân loại, giá gà trống cao hơn gà mái nên các lò ấp thường điều chỉnh nhiệt độ để tỷ lệ gà trống nở đạt khoảng 90%.
Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng con giống là yêu cầu bức thiết của thị trường. Các lò ấp nâng cao chất lượng đàn gà giống bố mẹ, lựa chọn các giống có giá trị kinh tế cao để đưa vào nhân giống sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật tăng tỷ lệ trứng thụ tinh... Những đổi mới này đã giúp làng nghề sản xuất, kinh doanh và ấp nở trứng gia cầm ở Yết Kiêu ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của người chăn nuôi.
Công nhân phân loại gà trống, gà mái trước khi đưa ra thị trường
Mở rộng thị trường
Yết Kiêu là nơi chuyên cung cấp giống gia cầm cho các vùng chăn nuôi gà lớn trong khu vực như TP Chí Linh và huyện Yên Thế (Bắc Giang). Những năm gần đây, giống gia cầm ở đây đã được tiêu thụ ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Nai... số ít được vận chuyển sang Lào, Campuchia.
Chị Vũ Thị Quyên, chủ cơ sở kinh doanh ấp nở trứng gia cầm Quyên Dừa cho biết các tỉnh miền Nam là thị trường tiềm năng và ổn định vì có nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn. Gà được kiểm dịch và vận chuyển bằng đường hàng không nên khi đến nơi con giống vẫn bảo đảm, ít thất thoát. Mặc dù chưa nhiều, nhưng số ít gia cầm giống đã được vận chuyển sang nước ngoài và nhận được phản hồi tốt của người chăn nuôi.
Ông Lê Công Am, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Yết Kiêu cho biết để mở rộng của thị trường, từ năm 2018, các hộ sản xuất, kinh doanh, ấp nở trứng gia cầm ở Yết Kiêu đã thành lập tổ hợp tác để liên kết ngành nghề. Tổ hợp tác hiện có 50 thành viên, tập trung ở thôn Thượng Bì 1 và Thượng Bì 2. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, các hộ đã chuyển giao kỹ thuật để nâng cao chất lượng con giống. Nhiều cơ sở ấp nở trứng đã xây dựng được trang trại gà đẻ bố mẹ hoặc liên kết sản xuất với các trang trại gà đẻ khác trong và ngoài tỉnh. Các hộ còn chia sẻ thị trường, cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Sắp tới, tổ hợp tác sẽ được nâng cấp lên thành HTX. Các hộ sẽ tập trung xây dựng nhãn hiệu để sản phẩm "giống gia cầm" Yết Kiêu trở thành địa chỉ tin cậy của người chăn nuôi.
TRẦN HIỀN