Mô hình liên kết của một số người chăn nuôi trong tỉnh với các doanh nghiệp đã phát huy tác dụng, giúp họ vẫn thu được lợi nhuận.
Hợp tác với Công ty CP Lebio, anh Nguyễn Đình Nam ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ) không lo về đầu ra sản phẩm
Giữa bối cảnh giá lợn xuống thấp khiến người chăn nuôi lao đao, thậm chí phá sản thì mô hình liên kết của một số người chăn nuôi trong tỉnh với các doanh nghiệp đã phát huy tác dụng, giúp những người này vẫn thu được lợi nhuận.
Cách đây hơn 2 tháng, anh Phạm Đình Nam ở thôn An Giang, xã Quang Phục (Tứ Kỳ) tham gia hội thảo mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết do Hiệp Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh phối hợp với Công ty CP Lebio (Hà Nội) tổ chức. Sau hội thảo, thấy mô hình phù hợp với nhu cầu mà lâu nay bản thân vẫn tìm kiếm nên anh Nam đã nhanh chóng tham gia. Anh không chỉ được công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học, mà cán bộ của công ty thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để lợn nhanh lớn, phát triển đều.
Trang trại của anh Nam luôn duy trì trên 40 con lợn nái và 350 con lợn thịt. Do chăn nuôi đúng quy trình nên lợn của anh không bị bệnh, được đánh giá đạt chất lượng khá tốt. Hiện nay, Công ty CP Lebio rất muốn mua sản phẩm nhưng anh chưa đồng ý bán bởi lẽ gần đây anh đã tự tiêu thụ được sản phẩm của mình. Dưới sự hỗ trợ của Công ty CP Lebio, anh Nam đã xây dựng được 3 cửa hàng bán thực phẩm sạch nằm trên địa bàn huyện Tứ Kỳ. Trung bình mỗi ngày anh giết thịt 2 con lợn với trọng lượng gần 3 tạ thịt hơi. Anh chia sẻ: "Mặc dù tôi không bán sản phẩm cho nhưng công ty vẫn rất vui vẻ trong việc hỗ trợ tôi xây dựng chuỗi cửa hàng theo thương hiệu của công ty. Bên cạnh đó, công ty đã có cam kết nếu tôi bán không hết thì công ty luôn sẵn sàng thu mua sản phẩm của tôi với giá cao hơn thị trường nên tôi không lo lắng về đầu ra".
Các cửa hàng bán thịt của Công ty Lebio thu hút đông khách hàng
Hợp tác với Công ty CP CiPi Việt Nam được gần 10 năm nay, chưa lúc nào trang trại của ông Nguyễn Bá Trịnh ở xã Bình Xuyên (Bình Giang)phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Hiện trang trại đang nuôi 600 con lợn nái, trung bình mỗi tháng xuất ra 1.200 con lợn con. Mặc dù giá bán lợn con trên thị trường hiện đang xuống thấp nhưng công ty vẫn thu mua lợn của trang trại với giá như trước đây. Sau khi trừ chi phí, trang trại còn thu lãi từ 200.000-230.000 đồng/con lợn con. Ông Nguyễn Văn Thắng, người trông coi trang trại cho biết:"Chính sách làm ăn của công ty rất ổn định, khi thị trường có biến động, công ty sẽ tự điều chỉnh trong hệ thống các trang trại nên chúng tôi không phải lo lắng, vẫn cứ sản xuất theo kế hoạch. Một điểm đặc biệt là khi giá ngoài thị trường xuống thấp thì chúng tôi cũng không hề bị ép giá hay gây khó khăn, do đó chúng tôi rất yên tâm khi hợp tác với công ty này".
Thời gian gần đây, hơn 10 hộ chăn nuôi ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) đã hợp tác với Công ty TNHH Thắng Lợi để nuôi lợn choai xuất khẩu cho công ty. Anh Nguyễn Văn Thung, một trong những người đầu tiên nuôi lợn cho công ty cho biết: "Mặc dù những yêu cầu của công ty đưa ra khá khắt khe so với lợn bán trên thị trường tự do, song bù lại công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm đáp ứng được yêu cầu với giá luôn cao hơn thị trường từ 3-4 giá/kg nên chúng tôi rất yên tâm khi hợp tác”.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh thì người dân trong tỉnh vẫn quen với hình thức chăn nuôi tự do, chưa có thói quen hợp tác. Nguyên nhân là do họ sợ bị thiệt bởi nếu kí hợp đồng với các doanh nghiệp thì phải bán cho họ, nếu giá thị trường lên cao họ không thể bán ra ngoài thị trường được. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ hết sức thiển cận.Thực tế đã chứng minh thời gian qua, các công ty ký kết hợp đồng với người chăn nuôi đều mua với giá cao hơn thị trường và cam kết thu mua hết sản phẩm do họ làm ra. Do đó người chăn nuôi hoàn toàn có thể yên tâm khi hợp tác.
Trong bối cảnh chăn nuôi lên xuống thất thường như hiện nay thì việc hợp tác là rất cần thiết, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người chăn nuôi. Khi đó doanh nghiệp sẽ yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, còn người chăn nuôi không lo lắng về giá cả cũng như đầu ra của sản phẩm. Để người chăn nuôi biết nhiều hơn đến các mô hình hợp tác này, các cơ quan chuyên môn, các công ty cần đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi nắm được các yêu cầu của sản phẩm, từ đó bắt tay hợp tác để mang lại hiệu quả cho tất cả các bên.
THANH HÀ