Các mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn mà nông dân phải đối mặt.
Nhờ tham gia mô hình tự liên kết, trang trại lợn của ông Nguyễn Văn Thoại ở thôn
Trạch Lộ, xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm
Trước những khó khăn do giá thức ăn tăng cao, dễ phát sinh dịch bệnh... một số hộ chăn nuôi đã tự liên kết với nhau để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Các mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn mà nông dân phải đối mặt.
Hiệu quả bước đầuChị Nguyễn Thị Nhiên ở thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) có trang trại nuôi thủy sản rộng hơn 4.000 m². Trong đó có gần 3.000 m² nuôi cá thịt và hơn 700 m² nuôi cá giống. Chị Nhiên cho biết, gia đình chị nuôi cá từ năm 2003, nhưng chưa năm nào có lãi. Cá thường xuyên bị dịch bệnh hoặc chậm lớn. Mỗi tháng phải mất từ 4-5 triệu đồng mua thức ăn chăn nuôi, sau mỗi lứa cá, trừ chi phí cũng chỉ hòa vốn. Năm 2014, chị gia nhập Câu lạc bộ (CLB) Thủy sản xã Đoàn Thượng. “Từ ngày vào CLB, nhờ học hỏi, trao đổi với các thành viên, tôi đã biết cách dùng nhiều loại thuốc để phòng bệnh cho cá, bảo đảm môi trường nước giúp cá lớn nhanh. Tôi ước tính sản lượng cá lứa này được hơn 3 tấn/sào ao, với giá bán như hiện nay thì gia đình tôi sẽ thu lãi từ 50-60 triệu đồng”, chị Nhiên phấn khởi cho biết.
CLB Thủy sản xã Đoàn Thượng được thành lập từ tháng 3-2014, có 24 hội viên với tổng diện tích gần 11 ha ao nuôi cá. Đây là nơi để các thành viên trong CLB trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm nuôi cá, cách phòng trừ dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Bảo, Chủ nhiệm CLB Thủy sản Đoàn Thượng cho biết: “Khi chưa có CLB, hầu hết các hộ đều chưa quan tâm đến việc phòng bệnh cho cá cũng như làm sạch nguồn nước nuôi. Tham gia CLB, các thành viên được phổ biến kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá và hiệu quả của từng loại thức ăn chăn nuôi. Qua đó, giúp nông dân tìm được loại thuốc và cám phù hợp cho từng giống cá, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Chúng tôi đang có ý định liên kết để lấy nguồn cám chung nhằm giảm chi phí thức ăn”.
Chưa hình thành được CLB, nhưng mô hình liên kết giữa các hộ chăn nuôi do ông Phạm Văn Hinh ở thôn Thọ Đa, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) đứng đầu cũng cho thấy hiệu quả nhất định. Năm 2004, ông Hinh thành lập trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng hơn 1 ha. Ông thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hội thảo chăn nuôi hoặc từ mô hình chăn nuôi hiệu quả khác. Sau đó áp dụng cho hiệu quả kinh tế cao. Trang trại của gia đình ông hiện nuôi khoảng 20 con lợn nái, hơn 100 con lợn thịt và gần 1 ha ao cá, mỗi năm thu lãi từ 200-300 triệu đồng.
Chăn nuôi hiệu quả nên ông được nhiều hộ khác tìm đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Sau đó, các hộ liên kết với nhau trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Ông Hinh cho biết: “Nhóm liên kết của chúng tôi có 10 hộ. Ngoài trao đổi kinh nghiệm, chúng tôi còn cùng nhau tìm hiểu xu hướng thị trường để biết nên nuôi con gì, làm gì cho hiệu quả. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức đi tham quan, tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi mới ở trong và ngoài tỉnh”.
Cần xây dựng chuỗi liên kết bền vữngHiện nay, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh vẫn mang tư tưởng tự sản xuất, tự tiêu thụ, chăn nuôi theo hướng tự phát, chưa hình thành được chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín từ khâu đầu vào tới đầu ra cho sản phẩm. Còn các mối liên kết chăn nuôi gia súc, gia cầm mới chỉ dừng lại ở việc học tập, trao đổi kinh nghiệm và liên kết để lấy thức ăn chăn nuôi với giá rẻ. Nhận thức của cả người quản lý và người chăn nuôi về việc hình thành tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị còn thấp, thiếu những chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển. Các doanh nghiệp có tiềm lực và kinh nghiệm xây dựng chuỗi giá trị trong chăn nuôi còn chưa mạnh dạn đầu tư. Thói quen tùy tiện trong tổ chức sản xuất của phần lớn người chăn nuôi cũng gây trở ngại trong xây dựng, phát triển chuỗi liên kết.
Ông Dương Đình Phái, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, sản phẩm chăn nuôi vẫn chủ yếu được tiêu thụ theo phương thức bán buôn qua thương lái nên giá cả bấp bênh. Do đó, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh đến người chăn nuôi để mở rộng sản xuất. Trong thời gian tới, tỉnh cần có chính sách định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị. Người chăn nuôi cần hình thành các tổ hợp, HTX sau đó dần tạo nên các chuỗi liên kết bền vững. Các tổ hợp này chính là cầu nối liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công.
TRẦN HIỀN