Met Gala vừa qua tại Mỹ bị bàn tán là hội chợ phù hoa của giới giàu giữa bối cảnh thế giới xung đột. Còn Liên hoan phim Cannes sẽ khai mạc hôm nay 14/5, cũng không đứng ngoài những tranh cãi thời cuộc.
Liệt kê 5 điều đáng trông đợi ở Liên hoan phim Cannes 2024, bên cạnh các bộ phim và ngôi sao, New York Times đưa cả vấn đề thời cuộc: những cuộc tranh cãi từ thế giới thực.
"Khi thảm đỏ được trải ra từ Palais des Festivals vào thứ ba (14/5), Liên hoan phim Cannes lần thứ 77 sẽ diễn ra trong bối cảnh chiến tranh, biểu tình, các cuộc đình công tiềm ẩn và biến động #MeToo gia tăng nhanh chóng ở Pháp, nơi từng nhiều năm phản đối phong trào này.
Công nhân ở Cannes đe dọa đình công.
Cuộc chiến Israel - Hamas được cảm nhận sâu sắc ở Pháp - nơi có cộng đồng người Do Thái và Ả Rập lớn nhất châu Âu, chắc sẽ gây ra các cuộc biểu tình...
Tương lai luôn bất định của điện ảnh, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo" - CBS News liệt kê bối cảnh thời cuộc của Cannes 2024.
Năm nay, Cannes đang đối mặt với hai sự gián đoạn có thể xảy ra.
Một là cuộc đình công của những người lao động trong lễ hội. Họ phàn nàn rằng đây là công việc ngắn hạn và khiến họ không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp.
Và thứ hai, ngành công nghiệp điện ảnh Pháp đang tính đến phong trào #MeToo của riêng mình, với nhiều cáo buộc được đồn đoán sẽ xuất hiện trong liên hoan phim.
Diễn viên kiêm đạo diễn người Pháp Judith Godrèche mang phim ngắn "Moi Aussi" (Me Too) dự Cannes.
Chính Godrèche gần đây cáo buộc đạo diễn Benoît Jacquot tấn công tình dục cô khi cô 14 tuổi, cáo buộc đạo diễn Jacques Doillon tấn công tình dục mình hai lần.
Cả hai người đàn ông đều phủ nhận cáo buộc.
Buổi chiếu phim ngắn "Moi Aussi" sẽ diễn ra trong khuôn khổ hạng mục Un Certain Regard vào ngày 15/5.
Cannes vẫn sẽ hoành tráng và hào nhoáng như mọi năm với sự xuất hiện của các bộ phim và ngôi sao điện ảnh hàng đầu.
Đó là đạo diễn "Bố già" Francis Ford Coppola trở lại với "Megalopolis". Phim do Adam Driver đóng chính, vai một kiến trúc sư tài giỏi quyết tâm xây dựng lại một thành phố sau khi nó bị phá hủy.
Phim này được Coppola tự bỏ tiền đầu tư lên đến 120 triệu USD.
Bộ phim bom tấn lớn nhất ra mắt tại Cannes năm nay là "Furiosa: A Mad Max Saga" của George Miller, phần tiếp theo của bộ phim đoạt giải Oscar "Mad Max: Fury Road" năm 2015.
Vào vai Furiosa là nàng thơ thế hệ mới của điện ảnh thế giới, Anya Taylor-Joy. Cô được kỳ vọng xuất hiện ấn tượng trên thảm đỏ ra mắt phim ở Cannes.
Yếu tố giải trí - đại chúng ở Cannes luôn rất đậm đà nên bộ phim về cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rất được chú ý: "The Apprentice" của đạo diễn Ali Abbasi.
Sebastian Stan đóng vai Donald J. Trump thời trẻ, Maria Bakalova đóng vai người vợ đầu Ivana của ông và ngôi sao "Succession" Jeremy Strong đóng vai Cohn, cố vấn của ông Trump.
Phim có trong nhóm tranh giải Cành cọ vàng đồng thời cũng sẽ rất thu hút truyền thông và công chúng.
Bên cạnh đó, Cannes vẫn luôn làm tốt nhiệm vụ phát hiện và giới thiệu các tài năng điện ảnh mới hoặc những tác phẩm mới từ các đạo diễn gạo cội.
Năm nay, dàn đạo diễn quen mặt với Cannes mang đến các phim như "Kinds of Kindness" (Yorgos Lanthimos), "Bird" (Andrea Arnold), "Anora" (Sean Baker), "Oh, Canada" (Paul Schrader)...
Theo Variety, Công ty Skyline Media của Việt Nam đã chốt thành công việc phân phối phim ở một số nước Đông Nam Á trước thềm Cannes năm nay. Công ty này cũng đang sẵn sàng cho các giao dịch tại Cannes.
Phim "Kẻ ăn hồn" (The Soul Reaper) - sau khi chiếu ở Busan (Hàn Quốc), Myanmar và Đài Loan - đã được Netflix mua bản quyền phát hành ở 11 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Á.
Phim "Con Cám" cũng được Công ty Moviecloud mua phát hành ở Đài Loan và Công ty Westec Media mua phát hành ở Lào, Campuchia.
"Với các phim Việt, mục tiêu chính của chúng tôi là tiếp cận khán giả bản địa ở từng thị trường bằng cách tiếp cận phổ thông chứ không chỉ là cộng đồng người Việt" - bà Hằng Trịnh, CEO Skyline Media, cho biết.
TB (theo Tuổi trẻ)