Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ: Có cũng như không

29/05/2019 11:14

Từng là một liên hiệp HTX kiểu mẫu, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên nhưng thời gian gần đây, Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ gần như tan rã...


Hiện nay, các thành viên trong Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ đều tự thân vận động

Tan rã

Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ được thành lập năm 2008 trên tinh thần tự nguyện với 6 thành viên gồm: HTX Thủy sản sạch chất lượng cao Xuân Nẻo, HTX Thủy sản chất lượng cao Lạc Dục (xã Hưng Đạo), HTX Thủy sản Tái Sơn (xã Tái Sơn), HTX Thủy sản Quang Khải (xã Quang Khải), HTX Thủy sản Tiên Động (xã Tiên Động) và HTX Thủy sản chất lượng cao Thủy Nguyên (Hải Phòng). Thời kỳ đông nhất liên hiệp có 245 xã viên, nuôi thả cá trên diện tích 227 ha mặt nước.

Khi mới thành lập, liên hiệp tổ chức được nhiều hoạt động, mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên. Ngoài việc được mua cám với giá thấp hơn thị trường theo hình thức trả chậm, xã viên còn được tham gia tập huấn, trao đổi kiến thức về chăn nuôi đồng thời được hỗ trợ trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Sản phẩm của liên hiệp đã tìm được chỗ đứng trên các thị trường khó tính ở TP Hà Nội, Hải Phòng... Thậm chí liên hiệp còn hợp tác với một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Quảng Ninh đưa sản phẩm ra nước ngoài. Doanh thu của liên hiệp đạt gần chục tỷ đồng mỗi năm, nhiều xã viên giàu lên từ thủy sản... Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ được coi là hình mẫu tiêu biểu của HTX trong tỉnh, được đón nhiều đoàn khách đến tham quan, học hỏi.

Nhưng khoảng 3-4 năm trở lại đây, Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ liên tục gặp khó khăn khiến các xã viên tự rời khỏi liên hiệp. Từ 6 thành viên ban đầu, đến nay, liên hiệp chỉ còn lại 4 thành viên, HTX Thủy sản Quang Khải và HTX Thủy sản Tái Sơn đã xin ra từ 3 năm nay. Những HTX còn lại cũng phải tự xoay xở tìm giải pháp duy trì hoạt động chứ không trông chờ được vào sự hỗ trợ của liên hiệp như trước đây. Bà Bùi Thị Liên, Giám đốc HTX Thủy sản Tiên Động chia sẻ: "Vài năm gần đây, liên hiệp không còn hỗ trợ chúng tôi trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tất cả mọi hoạt động từ cung ứng con giống, cám và thị trường tiêu thụ đều do chúng tôi tự lo liệu".

Ông Phạm Văn Phục, Giám đốc Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ cũng chua xót thừa nhận sự tan rã của liên hiệp: "Hiện giờ, liên hiệp chỉ còn là tên gọi chứ thực chất không còn bất kỳ một hoạt động nào. Chúng tôi cũng chỉ biết đứng nhìn các thành viên tự rời đi mà không có giải pháp gì để níu kéo được họ".


Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ hiện chỉ còn 4 thành viên

Thiếu cả vốn và nhân lực

Những năm gần đây, Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ liên tục gặp những khó khăn khiến hoạt động hỗ trợ các thành viên teo tóp dần. Một trong những khó khăn lớn nhất của liên hiệp là không có vốn hoạt động. Thời kỳ mới thành lập, liên hiệp được vay vốn từ Quỹ phát triển HTX của tỉnh nên có kinh phí thực hiện các hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi trả nguồn vay này thì liên hiệp không có vốn hoạt động. Ông Phục chia sẻ có thời điểm, ông có cơ hội ký kết được hợp đồng với một đối tác ở Hà Nội cung cấp 3 tấn cá/ngày nhưng họ yêu cầu sau 30 ngày mới thanh toán tiền. Trong khi đó, liên hiệp đứng ra mua cá của các thành viên thì phải thanh toán tiền ngay. Vì không có tiền ứng ra để mua cá cho thành viên nên ông không dám ký hợp đồng với khách hàng. Chính vì thế, sản phẩm của các xã viên vẫn tiêu thụ trên thị trường tự do và gặp nhiều khó khăn khi điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" cứ liên tục tiếp diễn. Do không có vốn nên ông cũng không thể tiếp tục thực hiện dịch vụ cung ứng thức ăn trả chậm cho xã viên.

Khi mới thành lập, liên hiệp còn được các tổ chức, đơn vị quan tâm hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhưng sau đó nguồn hỗ trợ này không còn, trong khi đó liên hiệp không có kinh phí bỏ ra để mời giáo viên về tập huấn cho xã viên. Hầu hết những người tham gia trong HTX đều đã lớn tuổi, mặc dù có nhiệt huyết nhưng lại thiếu sức khỏe và sự nhạy bén với thị trường. Thêm vào đó do quá tuổi nên những người tham gia trong HTX nói chung và liên hiệp HTX nói riêng không được đóng bảo hiểm xã hội, không được chi trả lương hằng tháng khiến họ không còn mặn mà với công việc...

Để vực dậy Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ, theo ông Phục hiện nay tỉnh cần có chính sách cho liên hiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho đơn vị xây dựng được nhà máy đông lạnh để vừa làm nơi sơ chế vừa làm nơi lưu trữ nguồn hàng trong thời gian thu hoạch cao điểm. Các HTX thành viên cũng phải cải tiến về nhân sự, lựa chọn những cán bộ trẻ, tâm huyết với công việc, chủ động đóng góp vốn để duy trì hoạt động của liên hiệp.

Để thúc đẩy kinh tế HTX phát triển, ngày 27.4.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 461/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020. Đây là cơ hội để Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ khôi phục hoạt động. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cũng có kế hoạch khôi phục lại liên hiệp này. Tuy nhiên, những hỗ trợ của tỉnh chỉ là một phần còn quan trọng nhất là liên hiệp phải phát huy được nội lực, xây dựng củng cố lại hoạt động theo định hướng thị trường.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên hiệp HTX Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ: Có cũng như không