Trong lịch sử, từng có một loạt kỳ thượng đỉnh căng thẳng từng diễn ra giữa hai nước Nga-Mỹ trong thời kỳ Đại chiến thế giới thứ hai và Chiến tranh Lạnh, những cuộc gặp nhằm thay đổi cả bánh xe lịch sử thế giới.
Joseph Stalin - Theodore Roosevelt
Hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Xô viết Josep Stalin, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill tại Tehran, Iran, vào cuối tháng 11.1943 là lần đầu tiên ba nhà lãnh đạo của các cường quốc phe Đồng minh gặp gỡ kể từ khi Thế chiến II bùng nổ. "Bộ ba" thảo luận chiến lược và nhất trí mở mặt trận thứ hai chống phát xít Đức nhằm kéo dãn nguồn lực quân sự của Berlin đến điểm tới hạn.
Khi đó, một điệp viên Đức là Otto Skorzen đã âm mưu cho nổ tung tòa đại sứ Nga nơi cuộc gặp diễn ra nhưng kế hoạch "Long Jump" (Cú nhảy xa) của anh ta bị hủy bỏ sau khi bị nhóm điệp viên KGB (Nga) dẫn đầu là Gevork Vartaynyan phát hiện. Stalin vốn tính đa nghi đã chỉ thị giám đốc tình báo tại địa phương Ivan Argayants tìm cách lấy được bản sao của bản ghi nhớ mà ông đã nhìn thấy Roosevelt đưa cho Churchill. "Thưa ngài, chuyến bay của ngài đã sẵn sàng", tờ giấy viết.
"Bộ Ba" gặp nhau lần tiếp theo tại thành phố nghỉ dưỡng Yalta (Crimea), nằm bên bờ Biển Đen từ ngày 4-11.2.1945. Tự tin về chiến thắng trước quân Đức, "Bộ Ba" đã lên kế hoạch cho công cuộc tái tổ chức lại châu Âu thời hậu chiến. Tổng thống Mỹ Roosevelt cũng tìm kiếm sự ủng hộ của Nga chống Nhật ở Thái Bình Dương, trong khi nhà lãnh đạo Stalin hy vọng củng cố không gian ảnh hưởng của Xô viết tại khu vực Đông Âu.
Tuyên bố Giải phóng châu Âu được ký kết, hứa hẹn với người dân quyền "thiết lập những thể chế dân chủ dựa trên sự lựa chọn của chính họ", nhưng chỉ 5 tháng sau đó, các cường quốc đã gặp nhau lần nữa tại Potsdam (Đức), nơi Mỹ, Anh đối đầu với Liên Xô xung quanh nỗ lực của Moskva xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania, Bulgaria và Hungary.
Kết thúc Hội nghị Potsdam, Tổng thống Mỹ Harry Truman và Thủ tướng Anh Clement Attlee (vừa kế nhiệm Winston Churchill bị thất cử), đồng ý với những điều khoản cho Nhật Bản đầu hàng, bất chấp mối quan hệ Truman - Stalin trở nên lạnh giá hơn thời người tiền nhiệm. Hội nghị kết thúc vào 2.8.1945 và 4 ngày sau, ông Truman ra lệnh thả bom hạt nhân xuống Hiroshima.
Nền hòa bình được duy trì trong những năm tái thiết hậu chiến tranh thực sự mong manh, với viện trợ nước ngoài của Mỹ trải khắp Tây Âu thông qua Kế hoạch Marshall, vốn bị Kremlin cho là thù địch. Liên Xô tin rằng mục đích thực sự của Washington là giành quyền kiểm soát cũng như xây dựng các thị trường xuất khẩu lệ thuộc vào hàng hóa của Mỹ.
Dwight D. Eisenhower - Nikita Khrushchev
Vào ngày 19.7.1955, Tổng thống Dwight D. Eisenhower gặp Thủ tướng Nga Nikolai Bulganin, cùng với Thủ tướng Anh Anthony Eden và Tổng thống Pháp Edgar Faure tại Geneva, Thụy Sĩ để thảo luận hợp tác về an ninh toàn cầu trong kỷ nguyên ám ảnh hạt nhân. Hội nghị được cho là thành công, mở ra cái nhìn lạc quan về khả năng giải giáp vũ khí, từ đó mở đường cho nhà lãnh đạo mới của Liên Xô Nikita Khrushchev trở thành nguyên thủ Liên Xô đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ vào ngày 15.9.1959. Ông gặp gỡ Tổng thống Eisenhower tại Washington và tại Trại David (bang Maryland).
Hai nhà lãnh đạo thể hiện hy vọng đảm bảo "một nền hòa bình ổn định và lâu dài". Tuy nhiên, cam kết đó đã sụp đổ vào năm 1960 khi Liên Xô bắn hạ máy bay do thám U-2 của Mỹ và bắt giữ phi công Francis Gary Powers. Viên phi công sau đó được trả tự do nhờ thương lượng đổi lấy điệp viên KGB Rudolf Abel, khi đó đang bị Mỹ giam giữ. Vụ trao đổi tù nhân nổi tiếng này được tái hiện trong bộ phim "Bridge of Spies" của đạo diễn Steven Spielberg vào năm 2015.
Tháng 5.1960, Khrushchev rời Hội nghị thượng đỉnh ở Paris do tranh cãi. Lãnh đạo Liên Xô lẽ ra đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Eisenhower, Thủ tướng Anh Harold Macmillan và Tổng thống Pháp Charles de Gaulle để thúc đẩy "cùng tồn tại hòa bình", nhưng phe cứng rắn trong Đảng Cộng sản Liên Xô đã dùng vụ bê bối U-2 để gây sức ép mới lên Khrushchev.
John Kennedy - Nikita Khrushchev
Tổng bí thư Liên Xô Khrushchev dù vậy vẫn tiếp tục gặp gỡ tân Tổng thống Mỹ John Kennedy tại Vienna vào tháng 6/1961, một sự kiện được mô tả là "hội nghị thượng đỉnh lạnh lẽo nhất thời Chiến tranh Lạnh". Tổng thống Kennedy muốn tập trung vào hồ sơ nguyên tử. Trong khi đó, lãnh đạo Liên Xô Khrushchev muốn Nhà Trắng giải quyết dứt điểm về quy chế của Tây Berlin, công nhận hai nước Đông và Tây Đức.
Kết thúc hai ngày họp, Hội nghị Thượng đỉnh Vienna không đem lại kết quả cụ thể nào. Ông Khrushchev cảnh báo Mỹ và phương Tây về viễn cảnh nổ ra chiến tranh. “Nếu như vậy thưa Ngài, chiến tranh sẽ xảy ra. Đó sẽ là một mùa Đông buốt giá”, ông Kennedy đáp lại.
Kế hoạch xây dựng Bức tường Berlin chia cắt nước Đức được công bố chỉ vài tháng sau đó.
Lyndon B. Johnson - Alexei Kosygin
Lãnh đạo hai siêu cường không gặp lại nhau cho tới tận năm 1967. Tổng thống Lyndon Johnson tạo được uy tín nhờ cải thiện mối quan hệ sau khi đón lãnh đạo Xô viết Alexei Kosgyin tại trường đại học Glassboro State, New Jersey vào tháng 6. Cả hai "bị đẩy" tới đây bởi cuộc chiến tranh 6 ngày Arab-Israel bùng nổ và ông Kosygin đã tới New York để phát biểu trước Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng.
Mặc dù nước Mỹ đã không thể đảm bảo được sự ủng hộ của Nga về quân sự, sự tan băng của mối quan hệ sau cuộc gặp thượng đỉnh năm 1967 được cho là một chiến thắng và thường được gọi là "tinh thần Glassboro".
Leonid Ilyich Brezhnev - Richard Nixon
Đầu thập niên 1970, những người kế nhiệm của họ là Richard Nixon và Leonid Brezhnev đã gặp nhau tới 3 lần, hai tại Moskva và một lần tại Washington - và đã ký một số hiệp ước đầy hứa hẹn, trong đó có Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, Thỏa thuận ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân.
Nixon nói về "những niềm hy vọng lớn lao" của ông, nhưng cuối cùng ông đã phải ra đi sau bê bối Watergate vào 9.8.1974, đặt dấu chấm hết cho một cuộc gặp đầy hứa hẹn của những tư tưởng lớn. Sau đó, hai người kế nhiệm ông là Gerald Ford và Jimmy Carter đã lần lượt gặp Tổng bí thư Liên Xô Brezhnev tại Vladivostok, Helsinki và Vienna, đối thoại mở về kiểm soát vũ khí và an ninh.
Mikhail Gorbachev - Ronald Reagan
Thập kỷ kế tiếp chứng kiến Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev thực sự đưa hai cựu thù ngồi lại với nhau.
Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Liên Xô Gorbachev và Tổng thống Mỹ Reagan vào năm 1987, tại Washington D.C, được đánh giá là một trong những hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ nổi tiếng nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước từ trước đến nay. Hai bên đã ký Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong nỗ lực đầu tiên nhằm đảo ngược cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.
Trước đó, Tổng thống Reagan đã nói với Gorbachev tại cuộc gặp đầu tiên của họ ở Geneva tháng 11.1985 rằng: "Mỹ và Liên Xô là hai quốc gia vĩ đại nhất trên Trái đất, hai siêu cường. Đây là hai nước duy nhất có thể thổi bùng Chiến tranh thế giới thứ ba, nhưng cũng chính họ là hai nước duy nhất có thể mang đến hòa bình cho thế giới".
Gorbachev tiếp tục làm việc với người kế nhiệm Reagan là Tổng thống "Bush cha" về một loạt vấn đề, trong đó có vũ khí hóa học, cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất tại Iraq.
Boris Yeltsin - Bill Clinton
Mối quan hệ giữa Liên bang Nga mới thành lập (sau khi Liên Xô tan rã năm 1991) với Tổng thống đầu tiên Boris Yeltsin đã khởi đầu tốt đẹp dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Theo cuốn sách The Clinton Tapes (2009), khi ông Yeltsin thăm Nhà Trắng năm 1993 để bày tỏ cam kết mới đối với dân chủ, nhà lãnh đạo Nga đã cảm thấy dễ chịu đến mức ông uống rượu một mình và bị nhân viên an ninh phát hiện đi lang thang bên ngoài nhà trong bộ đồ ngủ, định bắt taxi để đi ăn pizza.
Vladimir Putin - George W. Bush
Trong kỷ nguyên Putin, nhà lãnh đạo Nga đã ba lần dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống George Bush, nhưng không lần nào chính thức với Tổng thống Barack Obama. Chỉ đến khi ông D. Medvedev giữ chức tổng thống, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga dưới thời Tổng thống Obama mới diễn ra.
Cuộc gặp đầu tiên diễn ra vào tháng 6.2001, tại Slovenia. Trong cuộc họp báo sau hội đàm, khi được hỏi ông nghĩ gì về lãnh đạo Nga Putin, Tổng thống Mỹ Bush trả lời: “Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ấy và nhận thấy đây là một người thẳng thắn và đáng tin. Chúng tôi đã có cuộc đối thoại rất tốt".
Dù bầu không khí ấm áp được thể hiện ngay từ cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này nhưng mối quan hệ Nga – Mỹ đã trở lên lạnh lẽo trong những năm sau đó. Đặc biệt, khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, quan hệ song phương ngày càng căng thẳng hơn. Tổng thống Putin cho rằng Cách mạng Cam năm 2004 ở Ukraine là kết quả một âm mưu của CIA. Căng thẳng tiếp tục leo thang và cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia năm 2008 đã khiến quan hệ Washington - Moscow bị đóng băng.
THU HẰNG (Báo Tin tức)